Cách đây không lâu, cô bạn N. tâm sự với tôi vấn đề mà cô ấy gặp phải ở công ty mới:
So với đồng nghiệp, cô ấy phát hiện ra là khả năng trao đổi, kĩ năng giao tiếp của mình không mạnh, khá chìm ở trong bộ phận.
Vì vậy mà cô ấy bắt đầu hoài nghi năng lực của mình, sợ bị so sánh với mọi người, cảm xúc cũng theo đó mà trở nên tiêu cực, chán nản đi rất nhiều.
Tôi khích lệ cô ấy ngoài thời gian đi làm thì luyện tập nhiều hơn khả năng biểu đạt, cô ấy lắc lắc đầu, cảm thấy mình đẻ ra tính cách đã hướng nội rồi, có nỗ lực cũng vô dụng.
N. cho rằng cô ấy không đủ khả năng, nhưng thực ra là bởi AQ của cô ấy không đủ.
AQ là gì?
Tác giả của lý thuyết về AQ, Tiến sĩ Paul Stoltz, cho biết: "AQ là khả năng đối phó với nghịch cảnh của một người."
Có thể chịu đựng và khắc phục được khó khăn hay không, đây là sự khác biệt giữa một người bình thường và một người thành công.
Sau khi nghiên cứu về hàng ngàn người thành công trên thế giới, tiến sĩ Paul phát hiện ra rằng, trước đây, để đánh giá một người có thành công hay không, chúng ta thường dựa vào hai tiêu chí là IQ và EQ, nhưng thực ra, tất cả chúng ta đều đang bỏ qua một nhân tố quan trọng khác đó là AQ.
Vì sao lại nói như vậy?
Bởi lẽ cuộc đời của ai cũng vậy, cũng đều có những khoảnh khắc thăng rồi lại trầm, tới cuối cùng, bạn đạt được độ cao cuộc đời bao nhiêu, nó phụ thuộc vào việc khi ở dưới đáy vực, khi chạm đáy thất bại, bạn làm những gì.
Thái độ của bạn khi đối mặt với nghịch cảnh, ảnh hưởng tới số mệnh của bạn.
Vậy đứng trước nghịch cảnh, con người ta thường làm gì?
Tiến sĩ Paul Stoltz trong cuốn sách mang tên "AQ" chia con người ra làm 3 kiểu: người từ bỏ, người cắm trại và người leo núi.
Người bỏ cuộc có cuộc sống thế nào cũng được, khi đối mặt với khó khăn, phản ứng đầu tiên của họ là né tránh hoặc từ bỏ, trông thì có vẻ rất thảnh thơi, không vướng bận, nhưng thực tế thái độ này rất dễ khiến chúng ta mất đi quyền làm chủ với vận mệnh.
Có một câu chuyện như này:
Một thành niên thà ở ngoài lưu lạc suốt 9 năm cũng không chịu quay về nhà.
Nguyên nhân là bởi mấy năm trước trượt tốt nghiệp, không lấy được bằng nên không có mặt mũi quay về nhà.
Vì vậy mà cậu ấy lựa chọn ra ngoài đi làm linh tinh, phiêu bạt tứ phương.
Khi cảnh sát liên lạc với mẹ cậu, mẹ cậu ngay lập tức òa khóc nức nở. Rốt cuộc thì sau 9 năm, bà cũng tìm thấy con trai của mình.
Đối mặt với việc trượt tốt nghiệp, cậu thanh niên lựa chọn từ bỏ, lùi bước, lựa chọn cho mình một cuộc sống vô định, bấp bênh, đồng thời để lại cho gia đình sự đau khổ vì tìm kiếm con trai trong suốt 9 năm trời.
Còn người cắm trại thì sao?
Người cắm trại sau khi có được một vài thành tích nào đó sẽ không còn hứng thú theo đuổi thử thách, lâu dần, thời gian mài mòn đi ý chí chiến đấu của họ, họ bắt đầu công cuộc dậm chân tại chỗ, bị người leo núi vượt qua.
Thực ra, rất nhiều người trên thế gian này đều là người cắm trại, sau khi đã có được một công việc mà họ cho là ổn định, họ dần dần mất đi chí tiến thủ, sự tự giác kỉ luật nỗ lực trước đó biến thành sự buông thả, lười biếng.
Cũng giống như tác giả Romain Rolland viết trong cuốn "Jean-Christophe" rằng:
"Rất nhiều người đều đã chết ở tuổi 20 hoặc 30, một khi đã qua cái tuổi này, họ chỉ còn là cái bóng của chính họ, cuộc sống sau này chẳng qua cũng chỉ dùng để mô phỏng lại chính mình."
Còn người leo núi thì sao?
Người leo núi là người trưởng thành, phát triển suốt đời.
Họ sẵn sàng tiếp nhận những thử thách mới, họ vui vẻ với nghịch cảnh bởi theo họ, đó là cơ hội để họ nâng cao bản thân, phát huy tối đa tiềm năng bản thân.
Họ sống hết mình với cuộc sống, họ không phụ lòng thời gian.
Trong 3 kiểu người này, hầu hết chúng ta đều hi vọng bản thân có thể trở thành người leo núi, nhưng tại sao trong thực tế cuộc sống lại có rất nhiều người lựa chọn từ bỏ khi gặp phải khó khăn?
Nguyên nhân đó là bởi một một hiện tượng tâm lý mang tên "tâm lý bất lực quán tính."
Tâm lý này bắt nguồn từ một thí nghiệm trên động vật do nhà tâm lý học Martin Seligman thực hiện.
Ông nhốt con chó vào trong cái lồng, khi tín hiệu vang lên, ông sẽ lấy điện kích nó.
Trước lần kích điện vòng 2, người làm thí nghiệm sẽ mở cửa lồng, lúc này, con chó không lựa chọn chạy ra ngoài, khi nghe thấy tiếng tín hiệu vang lên, nó sẽ nằm xuống rồi rên rỉ một cách bất lực.
Vốn dĩ có thể lựa chọn làm điều gì đó để có thể tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc, nhưng lại luôn tin rằng làm gì cũng vô dụng, đợi sự đau đớn tìm đến, đây chính là "bất lực quán tính".
Sự bất lực quán tính này sẽ mài mòn động lực của chúng ta, khiến chúng ta ngày một trở nên bi quan, tiêu cực, không tin rằng nỗ lực là có ích.
Vậy tại sao cảm giác bất lực muốn từ bỏ lại xuất hiện?
Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mấu chốt nằm ở cách bạn gán ghép nguyên nhân cho một vấn đề nào đó, khi bạn quy vấn đề về "tự thân hóa, phổ biến hóa và vĩnh cửu hóa", trong bạn sẽ rất dễ nảy sinh ra tâm lý bi quan.
"Tự thân hóa" nghĩa là cho rằng vấn đề nằm ở chính bản thân mình.
"Phố biến hóa" nghĩa là cho rằng vấn đề này ảnh hưởng tới mọi mặt trong cuộc sống của mình.
"Vĩnh cửu hóa" nghĩa là cho rằng vấn đề này sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ có thể thay đổi.
Phương thức tư duy này về lâu về dài sẽ làm giảm sự tự tin của con người và khiến chúng ta nảy sinh ra cảm giác bất lực.
J.K. Rowling, tác giả của bộ truyện "Harry Potter" nổi tiếng nói:
"Mấu chốt không phải năng lực của chúng ta, mà là ở lựa chọn, nó quyết định chúng ta sẽ trở thành một người ra sao."
Vậy làm sao để tránh những suy nghĩ bi quan, sự bất lực, nâng cao AQ của bản thân?
Trước tiên, nâng cao khả năng nhận biết
Hãy quan sát xem khi nghịch cảnh xảy đến, bản thân chúng ta thường sẽ có phản ứng ra sao.
Chẳng hạn như khi công việc không thuận lợi, hãy quan sát xem bản thân sẽ trở nên thất vọng, lạc lõng, hiệu suất công việc thấp; hay là cảm thấy tức giận, vô thức đùn đẩy hết trách nhiệm cho người khác; hay là cứ bị động ở đó oán than, không muốn làm gì…
Dũng cảm đối mặt với suy nghĩ thật của nội tâm, khi bạn nắm bắt được phản ứng của bản thân khi đối mặt với nghịch cảnh, bạn mới biết được nghịch cảnh nó ảnh hưởng tới hành động của mình ra sao.
Tiếp theo, hoài nghi
Hãy tự hỏi mình một số câu hỏi:
Tôi không thể kiểm soát được việc này ư?
Việc này sẽ ảnh hưởng tới mọi phương diện trong cuộc sống của tôi ư?
Việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài ư?
Những câu hỏi này là để bác bỏ những niềm tin tiêu cực trong tâm trí và kiểm tra từng thứ một với tư duy lý trí để xem liệu bạn có đang phóng đại những khó khăn hay không.
Rất nhiều khi, con người ta chỉ là đang bị đại não của mình dọa sợ thôi chứ thực ra sự việc nó cũng không hề to tát tới mức như vậy. Giống như một câu nói trong cuốn sách mang tên "Sức mạnh của hiện tại" rằng:
"Hãy quan sát suy nghĩ của bạn, nhưng đừng đồng ý với nó, có như vậy bạn mới không bị những suy nghĩ ảo tưởng trong đầu dắt mũi kéo đi."
Cuối cùng, dùng hành động thay đổi nhận thức
Sau khi bộ não trở lại trạng thái lý trí, bước tiếp theo là liệt kê ra kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề và liệt kê tất cả những việc bạn có thể làm.
Hãy tin rằng hành động luôn là liều thuốc giải tuyệt vời nhất cho mọi lo lắng và muộn phiền.
Đừng dễ dàng đóng tất cả các khả năng của bạn, bạn có thể thay đổi bất cứ lúc nào để cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn.
Năm 2002, Chử Thời Kiện, người được mệnh danh là "vua cam của Trung Quốc" khi đó đã 74 tuổi đã đi vay hơn 10 triệu tệ để cải tạo một vùng núi cằn cỗi để trồng cam.
Mọi người ai cũng khuyên ông đừng làm khổ mình nữa, ở nhà yên tâm dưỡng bệnh, dưỡng già, nhưng Chử Thời Kiện lại không muốn mình nhàn rỗi, không muốn cuộc đời mình lắng lại tại đây.
Trong vòng 10 năm ngắn ngủi, lợi nhuận của vườn cam của ông đạt tới hàng triệu tệ.
Khởi nghiệp lần thứ 2 ở tuổi 74, ở tuổi 85, ông một lần nữa trở thành tỷ phú.
Chử Thời Kiện nói:
"Vài người bạn của tôi, cứ gặp phải khó khăn là sẽ trầm lại, không muốn tiến tiếp. Như vậy không được, càng trầm lại càng khó đứng dậy. Sống ở đời đừng quá tính toán, cứ tiến về phía trước thôi, phải tin rằng năm sau nhất định sẽ tốt đẹp hơn năm nay."
Hành động, chính là động lực to lớn thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến về phía trước.
Lời kết:
Không ai đẻ ra đã mạnh mẽ cả, chúng ta phải chủ động nâng cao AQ của mình, khơi dậy tinh thần chiến đấu kiên cường khi đối mặt với khó khăn, chứ không phải lùi bước hay lảng tránh.
Bởi lẽ, cuộc đời, thăng thăng trầm trầm là thường thái.
Người có AQ cao giống như một quả bóng tennis vậy, có độ đàn hồi, rơi xuống thấp bao nhiêu nảy lên càng mạnh bấy nhiêu.
Ngược lại, người có AQ thấp lại giống như một quả bóng thủy tinh, không cẩn thận làm rơi, kết cục chỉ có thể là vỡ tan thành từng mảnh.
Mong rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành người có AQ cao, càng khó khăn càng dũng cảm.
AQ không chỉ đơn thuần là một công cụ có thể đo lường khả năng chống lại áp lực, khó khăn mà còn là một tập hợp các triết lý sống và lối sống có thể học được và áp dụng để giúp bạn vượt qua, bùng nổ và học hỏi từ nghịch cảnh.