Để trở thành một phi công, ngoài tiêu chí thể chất, học vấn, nền tảng tài chính vững vàng là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn biến ước mơ được bay khắp thế giới trở thành hiện thực.
Quá trình đào tạo phi công khá phức tạp khi học viên phải hoàn thành hai chương trình đào tạo: dưới đất và trên không, cùng với đó là khoản chi phí vô cùng tốn kém.
Chi phí đắt đỏ đào tạo một phi công
Theo số liệu năm 2017, chi phí trung bình để đào tạo một phi công dao động từ khoảng hơn 50.000 đến 160.000 USD tùy thuộc vào các trường cũng như khóa đào tạo khác nhau. Phần lớn số học phí này do người học tự chi trả.
Chi phí đào tạo phi công dao động từ 50.000 đến 160.000 USD - một con số không hề nhỏ.
Trên thế giới hiện nay có 2 hình thức đào tạo phổ biến, theo Fightdeckfriend.com:
Chương trình học tích hợp (toàn thời gian): Toàn bộ khóa học diễn ra tại một trung tâm/trường học nhất định và có thể được hoàn thành trong khoảng từ 14 - 18 tháng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cũng như khả năng tiến bộ của người học.
Chi phí trung bình tại châu Âu: 100.000 - 160.000 USD (tương đương 2,3 - 3,6 tỷ VND).
Chương trình học theo bán thời gian: Linh hoạt, tùy vào thời gian biểu cá nhân cũng như điều kiện kinh tế cho phép của người học và có thể hoàn thành tại nhiều tổ chức đào tạo khác nhau. Chi phí trung bình: 50.000 - 80.000 USD (1,13 - 1,8 tỷ VND).
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép trở thành một phi công, bạn vẫn chưa đủ điều kiện để làm việc ngay. Các phi công mới tốt nghiệp cần có thời gian luyện tập bay và cần đào tạo thêm nhiều khóa huấn luyện khác mới có thể được một hãng hàng không nhận vào làm.
Khủng hoảng thiếu phi công, nhiều hãng hàng không tăng lương nhân viên
Trong một báo cáo năm 2016, hãng sản xuất máy bay Boeing dự đoán, ngành hàng không sẽ cần thêm khoảng 620.000 phi công trong khoảng 2 thập kỷ tới.
Trong khi đó, theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các hãng hàng không trên thế giới sẽ thiếu hụt 620.000 phi công mới từ nay đến năm 2036. Con số này liên quan đến sự bùng nổ lưu thông hàng không, dự kiến sẽ tăng từ 4,1 tỷ lượt hành khách mỗi năm lên con số 7,8 tỷ lượt hành khách vào năm 2036.
Tại châu Á, khi thu nhập sau thuế của người dân ngày càng cao, nhu cầu cho những chuyến công tác, du lịch bằng máy bay cũng tăng, dẫn đến tình trạng nhiều hãng hàng không đã không có đủ khả năng đáp ứng.
Ngành hàng không thế giới đang đứng giữa khủng hoảng thiếu phi công nghiêm trọng.
Theo BBC, để có thể thu hút được thêm nhiều phi công, hiện nay một số hãng hàng không Trung Quốc đưa ra mức thu nhập miễn thuế hấp dẫn lên tới 500.000 USD.
Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được xem xét như trợ cấp chi phí đào tạo, tuyển thêm nữ phi công (hiện nay số phi công nữ trên toàn thế giới chỉ chiếm 3%).
Như đã đề cập ở trên, để có thể hoàn thành một chương trình đào tạo và trở thành phi công, người học phải chi trả toàn bộ chi phí khoảng hơn 50.000 đến 160.000 USD/khóa.
Anh Patrick Smith, sở hữu blog cá nhân Ask the Pilot (Hỏi đáp cùng phi công), viết: “Mặc dù hiện nay phi công được nhận mức lương cao hơn, chất lượng cuộc sống nhìn chung không được cải thiện đáng kể”.
“Ngành hàng không đang đưa ra những giải pháp một cách bị động mà đáng lẽ ra nên được thực hiện một cách chủ động từ nhiều năm trước. Nhưng họ đã không làm vậy, để bây giờ nhiều hãng hàng không rơi vào cảnh thiếu hụt nhân lực trầm trọng, khiến những phi công hiện tại phải làm việc với lịch trình dày đặc và áp lực hơn, có rất ít thời gian nghỉ ngơi”.
Năm ngoái, hãng hàng không giá rẻ Ryanair tại Anh, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu đã phải hủy 20.000 chuyến bay với lý do không có đủ phi công. Ryanair hứa hẹn sẽ trả phi công lương cao hơn và có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn so với các hãng đối thủ.
Hãng hàng không Ryanair phải hủy hàng nghìn chuyến bay vì không có đủ nhân lực.
Hãng tuyên bố: “Ryanair sẽ tiếp tục hợp tác với Hội đồng Quan hệ Lao động tại Sân bay Stansted, London để có thể đưa ra những giải pháp kịp thời, đặc biệt là khi hãng sẽ tuyển thêm nhiều phi công mới tại Stansted và trả mức lương cao như đã hứa”.