Chỉ một câu nói, một người lao công đã khiến nữ giám đốc mất việc

Vĩnh Trinh |

Dù bạn có là ai, địa vị xã hội như thế nào, cũng đừng quên cẩn trọng trong lời nói và học cách tôn trọng những người xung quanh.

Bạn có thể dễ dàng gặp câu chuyện nhỏ dưới đây trong cuộc sống thường nhật, quan trọng là bạn có thật sự để tâm đến nó, rút ra được bài học cuộc sống sâu sắc đằng sau nó cho mình hay không mà thôi.

Bà ấy là hình tượng phụ nữ thành đạt điển hình của thế kỉ 21 - 40 tuổi, vừa trúng tuyển vào một công ty danh tiếng với mức thù lao đáng mơ ước, có văn phòng nằm trong một tòa cao ốc sang trọng ngay khu trung tâm.

Hôm nhận việc, bà dắt đứa con trai nhỏ đến nơi làm việc của mình. Do đến sớm hơn giờ hẹn, bà mua thức ăn mang đi và rồi hai mẹ con ngồi thong thả ăn trong khu vườn nhỏ tuyệt đẹp thuộc khuôn viên tòa nhà.

Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài lịch sự, sang trọng, người phụ nữ nọ liên tục vứt rác ngay xuống đất. Thấy mẹ làm vậy, cậu con trai cũng bắt chước làm theo.

Một người đàn ông đứng tuổi cách đó không xa đang cần mẫn tỉa cây, thấy cảnh như vậy, ông chỉ lặng lẽ nhặt rác do hai mẹ con nọ vứt xuống và bỏ vào thùng rác.

Về phần hai mẹ con "người phụ nữ thành đạt" nọ, chẳng những không xấu hổ về hành vi không đẹp của mình, mà còn tiếp tục vô tư xả rác.

Còn người đàn ông tỉa cây nọ vẫn tiếp tục nhặt rác, không phàn nàn hay nói một tiếng nào.

Chỉ một câu nói, một người lao công đã khiến nữ giám đốc mất việc - Ảnh 1.

Hãy tôn trọng để được tôn trọng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Bỗng dưng, người phụ nữ nọ chỉ vào người đàn ông nhặt rác và nói với con: “Con thấy chưa, nếu con không học giỏi thì sau này sẽ giống ông ấy, tương lai mờ mịt, vì là đàn ông mà phải đi nhặt rác thế kia”.

Những lời khó nghe ấy lọt vào tai người đàn ông nọ. Ông dừng tay, đặt cây kéo xuống và hỏi:

“Xin chào chị, đây là khuôn viên của doanh nghiệp, không rõ chị tới đây làm gì?”.

Bằng tất cả sự tự hào và kiêu hãnh nhất, người phụ nữ nọ đáp:

“Tôi vừa trúng tuyển đến đây chờ giám đốc nhân sự để lên nhận việc”.

Đúng lúc ấy, một nhân viên ăn mặc lịch sự đi ra từ bên trong tòa nhà, bất ngờ gập người cúi chào... người đàn ông đang tỉa cây và nói:

“Thưa chủ tịch, cuộc họp sắp bắt đầu, mời chủ tịch lên ạ”.

Người đàn ông nói với cậu nhân viên:

“Cảm ơn, tôi quyết định không tuyển mới vị trí đang trống nữa, hãy để một nhân viên bộ phận khác sang thay thế”.

Người nhân viên nhanh nhẹn đáp:

“Vâng, tôi sẽ đi thông báo ngay bây giờ".

Và rồi, người đàn ông tưởng chừng là lao công nọ, tiến đến gần với cậu bé và từ tốn:

“Bác hi vọng cháu sau này sẽ hiểu được rằng, điều cần học đầu tiên chính là biết tôn trọng người khác, rồi cháu mới có thể thành đạt”.

Nói đoạn, người đàn ông thong thả rời đi, để lại người phụ nữ sững sờ với sự thật khó tin đang diễn ra trước mắt mình: người lao công chính là chủ tịch của công ty mình vừa ứng tuyển. Bà cũng đau đớn nhận ra mình lại vừa mất một công việc đáng mơ ước trong giây phút.

Có lẽ đây sẽ là bài học lớn, không chỉ cho cậu bé con mà còn cho chính người phụ nữ nọ - một người có tuổi, từng trải nhưng vẫn chưa học được điều quan trọng nhất trong cuộc đời: tôn trọng người khác.

Tôn trọng là một hành vi xã hội có tính chất hai chiều. Điều này có nghĩa là mọi người trong xã hội đều nên học cách tôn trọng để nhận được sự tôn trọng.

Đồng thời, tôn trọng người khác cũng là cách ta thể hiện sự tôn trọng đối với chính mình, bởi sự tôn trọng sẽ tạo nên cái tầm của một con người.

Đừng nhìn bề nổi để phán xét và phân biệt đối xử với người khác, bởi ta không biết được rằng mình đang tự giới hạn bản thân đến với những cơ hội khi phân biệt đối xử như thế nào đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại