Xét nghiệm "dòng máu hoàng tộc" với mức giá trong tầm tay: Dân TQ ồ ạt đăng kí, nhưng kết quả liệu có đáng tin?

Hồng Anh |

Một công ty xét nghiệm di truyền của Trung Quốc khẳng định họ có thể xác định xem liệu một người có phải là con cháu hoàng tộc hay không... chỉ với mức giá 64 USD.

Chỉ với 449 nhân dân tệ (64 USD) và một mẫu nước bọt, công ty startup về xét nghiệm di truyền của Trung Quốc có tên là 23Mofang có thể trích xuất DNA và phân tích mẫu gen di truyền của một người, sau đó cung cấp các thông tin toàn diện về nguồn gốc tổ tiên, các nguy cơ về bệnh di truyền và thậm chí là tửu lượng của người đó.

Với mức giá trong tầm tay, đó quả là một xét nghiệm rất thú vị. Thế nhưng, điều khiến 23Mofang khác biệt so với các công ty xét nghiệm di truyền khác trên thị trường là họ còn có thể cho biết liệu một người có phải là dòng dõi hoàng gia hay không.

23Mofang ước tính có khoảng 1,81% dân số Trung Quốc - tương đương khoảng 25,3 triệu người dân nước này là hậu duệ của Hán Cao Tổ Lưu Bang - hoàng đế khai quốc nhà Hán có triều đại hơn 4 thế kỷ.

"Khi chúng tôi thực hiện khảo sát thị trường lần đầu về nhu cầu xét nghiệm gen di truyền của người Trung Quốc, phần lớn mọi người đều cho rằng việc xét nghiệm gen chủ yếu là để xác định quan hệ huyết thống cha-con", ông Zhou Kun, nhà đồng sáng lập và đồng thời là giám đốc điều hành của 23Mofang, trả lời báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) tại trụ sở của công ty này ở Thành Đô, thủ phủ của tính Tứ Xuyên, Trung Quốc.

"Hiện nay việc xét nghiệm gen ngày càng phổ biến hơn... và các khách hàng cũng nhận ra rằng việc hiểu biết hơn về sức khỏe và tổ tiên cũng có lợi cho họ", ông Zhou nói.

Xét nghiệm dòng máu hoàng tộc với mức giá trong tầm tay: Dân TQ ồ ạt đăng kí, nhưng kết quả liệu có đáng tin? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh với các công ty Mỹ bằng cách nào?

Thị trường xét nghiệm gen di truyền đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, cùng với đó là sự cạnh tranh giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Giá thành xét nghiệm gen trên mặt bằng chung đã giảm tương đối nhiều trong những năm gần đây, và một số công ty Mỹ như 23andMe và AncestryDNA cũng đưa ra mức giá ưu đãi là 99 USD cho một bộ dụng cụ xét nghiệm.

Vào đầu năm nay, có khoảng 26 triệu khách hàng đã sử dụng dịch vụ xét nghiệm gen, theo một báo cáo của MIT Technology Review. Được biết, chỉ trong năm 2018, số người mua dịch vụ này đã nhiều hơn tất cả khách hàng của những năm trước cộng lại.

Với mức giá cạnh tranh như vậy, các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xét nghiệm gen, trong đó có 23Mofang và công ty WeGene ở Thâm Quyến, cũng gặp không ít thách thức khi quyết định bước vào thị trường này.

So với Mỹ, Trung Quốc vẫn là một thị trường non trẻ. Ví dụ, ra mắt vào năm 2015, 23Mofang mới chỉ phục vụ khoảng 500.000 khách hàng trong số 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Trong khi đó, công ty 23andMe của Mỹ đã phục vụ hơn 10 triệu khách hàng.

Tuy nhiên các công ty của Trung Quốc vẫn có thể tận dụng lượng nhu cầu ngày càng tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được dự kiến sẽ đạt mức 4,3 triệu USD vào năm 2023, cùng với đó là tập trung vào các khách hàng ở khu vực Đông Nam Á - nơi các cơ sở dữ liệu của phương Tây vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết.

Các công ty của Mỹ như AncestryDNA chỉ tập trung vào một số thị trường nhất định bao gồm Trung Quốc, Trung Á, Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc đối với 23andMe là khu vực Đông Á (Trung Quốc, dân tộc Thái ở Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Do đó, nếu người Trung Quốc sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ, thì họ sẽ chỉ biết được họ có phần lớn gen là người Trung Quốc - điều mà họ vốn đã biết trước khi làm xét nghiệm.

Khác biệt trong dữ liệu của các công ty như 23Mofang là họ tập trung hơn và thị trường Đông Á và đặc biệt là Trung Quốc. Ví dụ, các công ty này có thể xác định gen của một người Trung Quốc thuộc Bắc Hán hay Nam Hán, hoặc thậm chí là các dân tộc thiểu số như Miêu, Chuang, Thái, Duy Ngô Nhĩ...

"Trước đây người Trung Quốc từng nhận được những báo cáo rấ hài hước với kết luận rằng họ thực sự là người Trung Quốc", ông Zhou nói. "Chuyện thật như đùa phải không? Ý tôi là, chỉ cần nhìn vào vẻ bề ngoài thì mọi người cũng biết tôi là người Trung Quốc rồi, tôi không cần phải xét nghiệm để biết được điều đó".

"Ở Trung Quốc, mọi người muốn tìm hiểu sâu hơn để xem mình mang dòng máu của dân tộc nào", theo ông Zhou. "Điều đó khác so với ở Mỹ - quốc gia của những người nhập cư - nơi mọi người chỉ muốn tìm hiểu xem họ đến từ quốc gia châu Âu nào mà thôi".

Theo lời nhà sáng lập của 23Mofang, người Trung Quốc thường tò mò liệu họ có phải là dòng dõi hoàng tộc, đặc biệt là liên quan tới các hoàng đế và nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc như Hán Cao Tổ hay nhà sử học thời Tống Tư Mã Quang hay không.

Ví dụ, công ty này đã phát hiện ra rằng rất nhiều người có họ Lưu ở Trung Quốc là hậu duệ Hán Cao Tổ (vốn tên là Lưu Bang).

23Mofang thậm chí còn cung cấp các xét nghiệm để xác định lòng vị tha, khả năng chịu đựng áp lực của mỗi người, hay việc da của người đó có dễ nổi mụn hay không. Ngoài ra, công ty này còn có những xét nghiệm về các loại bệnh như tiểu đường, tăng nhãn áp hay viên khớp.

"Chúng tôi không cố gắng chẩn đoán khách hàng qua những xét nghiệm này, mà chỉ là một chỉ dẫn để khách hàng có thể sống một cuộc sống tốt hơn hoặc thay đổi lối sống để giảm thiểu rủi ro [từ các bệnh di truyền]", ông Zhou khẳng định.

Xét nghiệm dòng máu hoàng tộc với mức giá trong tầm tay: Dân TQ ồ ạt đăng kí, nhưng kết quả liệu có đáng tin? - Ảnh 3.

Ông Zhou Kun, nhà đồng sáng lập và đồng thời là giám đốc điều hành của 23Mofang. Ảnh: SCMP

Giá rẻ bất ngờ, liệu có đáng tin?

Phần lớn các khách hàng của 23Mofang hiện nay đến từ các thành phố lớn của Trung Quốc, và thường là những nhân viên văn phòng, giới tri thức có thu nhập khá giả. Họ cũng mua dịch vụ này cho các thành viên trong gia đình mình.

Trong khi đó, một số chuyên gia như ông Zheng Chaogu, giáo sư dự khuyết tại Đại học Hong Kong về lĩnh vực khoa học thần kinh và di truyền học, cho rằng mọi người chỉ nên xem các kết quả xét nghiệm gen là thông tin tham khảo.

Thực chất, nhiều nghiên cứu khoa học được 23Mofang lấy làm cơ sở cho các kết quả xét nghiệm của mình lại không phải là các nghiên cứu có tính kết luận.

Chẳng hạn, để xác định một người thuộc tộc Bắc hay Nam Hán, 23Mofang dựa trên kết luận của một nghiên cứu trên 1.700 người Trung Quốc từ 26 tỉnh, nhưng lại loại trừ các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải vì các thành phố này thường có một lượng lớn người nhập cư từ các nơi khác.

Ông Zheng cho rằng với tập mẫu nghiên cứu quá ít so với dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, kết luận của 23Mofang chưa thực sự thuyết phục và đáng tin cậy.

Còn đối với các xét nghiệm "vui" như gen di truyền về lòng vị tha, ông Zheng cho biết kết quả của 23Mofang được lấy dựa trên một nghiên cứu về đột biến gen của người Đức, trong đó các nhà khoa học đã lấy mẫu gen từ trên má của người tham gia nghiên cứu và hỏi họ rằng liệu họ có sẵn sàng quyên tiền hay không.

Tuy nhiên, những người thực hiện nghiên cứu này cũng đã nêu rõ rằng kết quả chỉ mang tính chất "thăm dò", bởi các nhà nghiên cứu đã không tính đến những yếu tố khác như điều kiện kinh tế của các đối tượng tham gia.

"Nhìn từ góc độ của một nhà khoa học, thì rất nhiều nghiên cứu trong số đó là bước đầu cho loạt nghiên cứu sâu hơn về các loại gen có liên quan tới một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên anh chưa thể đưa ra kết luận nếu chưa tái tạo được đột biến tương tự trên gen động vật để xác nhận điều đó", ông Zheng nói.

Trong khi đó, nhiều loại xét nghiệm gen để phát hiện bệnh di truyền, như bệnh phenylketon niệu (PKU) - một rối loạn hiếm gặp khiến cơ thể người không thể phá vỡ một chất gọi là phenylalanine, được tìm thấy trong protein và một số chất làm ngọt nhân tạo như aspartame - có thể được thực hiện ngay ở các bệnh viện, thậm chí với chi phí rẻ hơn và đáng tin cậy hơn.

Nhiều khách hàng cũng bắt đầu lo ngại về quyền riêng tư khi làm các xét nghiệm này, bởi DNA về cơ bản là bản sắc sinh học của một người, việc cung cấp cho các công ty tư nhân dữ liệu để đổi lấy một số thông tin thú vị về đặc điểm di truyền có thể coi là một sự đánh đổi lớn.

"Bạn nhận được hàng trăm kết quả xét nghiệm, nhưng bạn không biết họ sẽ làm gì với DNA của bạn", ông Zheng cho biết. "Điều đáng sợ là họ có thể xâm phạm quyền riêng tư của bạn".

Ngoài ra, ông Zheng cũng suy luận rằng nhiều công ty xét nghiệm gen hiện nay không thực sự kiếm ra tiền - vì chi phí xét nghiệm quá rẻ - mà thay vào đó, họ đang "đốt tiền" để phục vụ mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu.

Theo chuyên gia này, để bảo vệ bản thân và những người trong gia đình, mọi người cần có trách nhiệm đọc kĩ các điều khoản dịch vụ từ nhà cung cấp để đảm bảo họ biết được các thông tin di truyền của họ sẽ được sử dụng như thế nào.

Chẳng hạn, điều khoản dịch vụ của 23Mofang có nêu rằng thông tin di truyền được thu thập sẽ được sử dụng cho nghiên cứu khoa học tiếp theo nếu người dùng đồng ý tham gia vào các nghiên cứu khác. Người dùng cũng có thể lựa chọn tiêu hủy mẫu DNA của họ.

"Đây chính là một hình thức đánh đổi," ông Zheng nói. "Nếu bạn muốn làm xét nghiệm để cải thiện chất lượng cuộc sống, bạn sẽ phải từ bỏ một phần riêng tư của mình."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại