Cấy gen người vào não khỉ gây tranh cãi, nhà khoa học Trung Quốc nói gì?

PHƯƠNG ANH |

Nhà khoa học Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế tranh cãi khi cải thiện chức năng nhận thức ở khỉ bằng cách cấy gen người vào não loài vật này.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều trường đại học và do Viện Động vật học Côn Minh, phía Tây Nam Trung Quốc thực hiện, nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn về quá trình tiến hóa thông minh của con người.

"Kích thước não và kỹ năng nhận thức là những đặc điểm thay đổi đáng kể nhất ở con người trong quá trình tiến hóa, và các cơ chế di truyền đằng sau những thay đổi đặc thù này của con người vẫn còn khó nắm bắt", báo cáo được công bố vào ngày 27/3 trên tạp chí National Science Review. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu trong lĩnh vực này được thực hiện.

Một trong những nhà nghiên cứu chính, Su Bing, từ Viện Động vật học Côn Minh của Học viện Trung Quốc, cho biết thí nghiệm đã được xem xét bởi hội đồng đạo đức của trường đại học và tuân theo các thực hành khoa học tốt nhất của Trung Quốc và quốc tế, tuân thủ các tiêu chuẩn về quyền động vật quốc tế.

"Về lâu dài, nghiên cứu cơ bản như vậy cũng sẽ cung cấp thông tin có giá trị để phân tích nguyên nhân và điều trị các bệnh não người (như tự kỷ) do sự phát triển não bất thường", ông nói trong email gửi tới CNN.

Nhưng các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận về đạo đức của các thí nghiệm chuyển đổi gen trên khỉ và vượn - họ nói rằng thí nghiệm này dẫn các nhà nghiên cứu đến một "con đường đầy rủi ro".

Đây là tranh cãi liên quan đến gen thứ hai nhắm đến các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Trong nghiên cứu năm 2019 của Su, 11 con khỉ Rhesus được cấy thành công các bản sao của gen MCPH1 ở người, một chỉ dấu quan trọng cho "sự phát triển não bộ và tiến hóa não bộ". Phân tích hành vi và sinh lý của các con khỉ cho thấy chúng phát triển theo kiểu giống con người hơn, với trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và thời gian phản ứng nhanh hơn so với một nhóm được kiểm soát.

Bộ não của chúng cũng mất nhiều thời gian hơn để phát triển, theo kiểu tương tự như con người.

Nghiên cứu đã bị một số nhà khoa học phương Tây chỉ trích. Nhà di truyền học James Sikela của Đại học Colorado cho biết đây là một "con đường rất mạo hiểm".

Sikela và các đồng nghiệp lập luận trong một bài báo xuất bản năm 2010 rằng các thí nghiệm biến đổi gen trên các loài linh trưởng không phải người đã đặt ra các vấn đề đạo đức phức tạp và các loài linh trưởng được tăng cường khả năng sẽ có nguy cơ bị khai thác và gây hại nhiều hơn.

"Những tác hại này khiến cho loại nghiên cứu này không thể chấp nhận được về mặt đạo đức đối với loài vượn, hay xóa bỏ rào cản pháp lý với các loài này và tất cả các loài linh trưởng không phải người khác cho nghiên cứu chuyển gen", bài báo năm 2010 cho biết. Tuy nhiên, bài báo thừa nhận nghiên cứu có thể có giá trị trong một số tình huống.

Trong Tạp chí Công nghệ MIT, nhà sinh vật học Jacqueline Glover của Đại học Colorado đã so sánh thí nghiệm này với bộ phim khoa học giả tưởng "Planet of the Apes", trong đó linh trưởng siêu thông minh lật đổ con người.

"Nhân cách hóa chúng là gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu và họ sẽ làm gì? Đừng tạo ra một sinh vật không thể có một cuộc sống có ý nghĩa trong bất kỳ bối cảnh nào", Glover nói.

Nhưng nhà khoa học Trung Quốc Su đã cáo buộc các nhà phê bình phương Tây và đặc biệt là Sikela về sự giả nhân nghĩa và thiếu thận trọng, nói rằng dự án đã bị đánh giá không công bằng bởi các "định kiến khuôn mẫu" về nghiên cứu Trung Quốc.

"Khám phá cơ chế di truyền của sự tiến hóa não người là một vấn đề lớn trong khoa học tự nhiên và chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại