Đầu tiên, hãy nhìn vào công thức: Dòng tiền = Tiền thu vào - Tiền chi ra .
Với công thức này, không khó nhận ra chúng ta có 3 cách để tối ưu dòng tiền hàng tháng:
- - Tăng tiền thu vào và giữ nguyên khoản tiền chi ra.
- - Giảm tiền chi ra và giữ nguyên tiền thu vào.
- - Tăng tiền thu vào và giảm tiền chi ra.
Trong đó, phương án cuối cùng là điều lý tưởng nhất. Sự thật này, có lẽ, tất cả chúng ta đều đã biết, nhưng không phải ai cũng tường tận đường đi nước bước, vì “kiếm nhiều tiêu ít”, nghe sao mà chung chung quá.
Việc đầu tiên cần làm có lẽ vẫn là nhìn lại các khoản chi, để tìm ra những gạch đầu dòng gây tốn kém mà chẳng mang lại nhiều giá trị. Đã từng chi tới hơn 35 triệu đồng nhưng không thu về được gì, Sophie - Chủ kênh Youtube Clever Girls hơn 38,5 nghìn người theo dõi, đã chỉ ra 5 thứ bạn không nên mua nếu muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn.
1 - Các khóa học tiếng Anh
Sophie khẳng định việc trang bị kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trên hành trình phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc đi học tiếng Anh cũng là khoản đầu tư đúng đắn, hiệu quả. Bản thân Sophie là một ví dụ.
“Để phục vụ mục đích cải thiện vốn tiếng Anh, mình đã từng đăng ký 4 khóa học Ielts, trong đó có 3 khóa học offline và 1 khóa học online. Sau khi học 4 khóa học này, trình độ tiếng Anh của mình không có gì cải thiện, và mình tốn tổng cộng 25 triệu đồng cho 4 khóa học” - Sophie kể lại.
Cô cũng chỉ ra sai lầm của bản thân trong việc “ném 25 triệu đồng qua cửa sổ” khi đăng ký đi học Ielts: Chọn khóa học không phù hợp với mục đích cá nhân.
Ielts vốn là chứng chỉ phục vụ cho việc nộp hồ sơ đi du học; hoặc không, nó cũng là chứng chỉ phục vụ cho các công việc có tính học thuật cao, nhiều từ vựng mới và khó, không tập trung vào việc giao tiếp với những từ vựng đơn giản, dễ hiểu như trong cuộc sống thường ngày.
Chi tiền sai mục đích từ bước đầu, không có gì khó hiểu khi Sophie gần như chẳng thu được gì sau 4 khóa học với mức học phí 25 triệu đồng.
Sau khi kể lại trải nghiệm của bản thân, Sophie cũng đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn đơn thuần chỉ muốn học để cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, bạn có thể tham khảo các khóa học online trên Udemy, Coursera hoặc Skill Share; học phí đâu đó chỉ khoảng vài trăm ngàn thôi” .
2 - Các gói tập gym
Hay nói cách khác chính là việc đăng ký thẻ tập gym. Xuất phát từ nhu cầu cải thiện vóc dáng và sức khỏe, Sophie đã quyết định mua thẻ tập gym thời hạn 1 năm với mức phí 10 triệu đồng.
“Mình chỉ đến phòng tập gym được đúng 2 tuần, sau đó thì mình nghỉ. Khoản tiền còn lại của thẻ tập, mình không được hoàn trả nên thực sự rất lãng phí” - Sophie kể và thừa nhận bản thân cũng có chút “ảo tưởng sức mạnh” khi nghĩ rằng mình có thể đi tập 3-4 buổi/tuần, mỗi buổi 1-2 tiếng.
Vì động lực không đủ mạnh, cộng thêm những trở ngại khác như thời tiết, vị trí khoảng cách, cuối cùng, Sophie cũng đành để khoản tiền 10 triệu trở nên đổ sông đổ bể.
“Để không rơi vào tình trạng giống như mình, trước khi đăng ký các gói tập gym, bạn có thể lựa chọn các giải pháp thay thế tạm thời để tạo cho bản thân thói quen tập luyện trước” - Sophie chia sẻ.
3 - Các sản phẩm công nghệ đời mới nhất
“May mắn, mình không phải là một fan công nghệ nhưng mình lại biết rất rõ điều mình muốn ở một sản phẩm công nghệ. Ví dụ như điện thoại, mình hay dùng để quay chụp nên mình sẽ lựa chọn sản phẩm có tính năng quay chụp tốt nhất; hay như laptop, mình làm freelance nên cần pin khỏe và máy nhẹ để tiện mang theo.
Mình dựa vào nhu cầu của bản thân để tìm mua các sản phẩm công nghệ phù hợp, chứ không chạy theo những thứ mới nhất, tân tiến nhất vì đồ công nghệ thì bạn biết đấy, rất đắt” - Sophie khẳng định.
Trong trường hợp bạn đang cần đổi điện thoại/laptop/máy ảnh,... để phục vụ cho công việc, Sophie khuyên bạn nên lựa chọn mua đồ “like new” (các sản phẩm đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới đến 98-99%), hơn là mua đồ nguyên seal (mới 100%), vì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều.
4 - Các gói làm đẹp ở Spa
Sophie từng là “cô gái dùng cả thanh xuân để đi trị mụn”, tốn không biết bao nhiêu tiền cho các spa làm đẹp nhưng hiện tại, Sophie gần như không còn mặn mà với việc này nữa. Đương nhiên, vì giá trị cô nhận được không tương xứng với số tiền đã bỏ ra.
“Hiện tại, mình chỉ tìm tới bác sĩ da liễu và mỗi khi họ gợi ý mình sử dụng bất cứ liệu trình nào, mình cũng đều tìm hiểu rất kỹ xem phương pháp đó hoạt động như thế nào, có hiệu quả ra sao với vấn đề trên da của mình, các sản phẩm họ kê cho mình đã được kiểm nghiệm rộng rãi hay chưa” .
Sophie chia sẻ và không quên nhấn mạnh làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Tuy nhiên, đừng vì ham muốn đẹp nhanh mà trở nên quá cả tin, người ta nói gì cũng răm rắp nghe theo.
5 - Các món đồ lưu niệm
Đồ lưu niệm mà Sophie đề cập có thể hiểu theo 2 cách: Quà tặng vào các dịp lễ đặc biệt, hoặc những thứ bạn mua khi đi du lịch để làm kỷ niệm.
“Khoảng 10 năm rồi, mình không mua món đồ lưu niệm nào cả vì chúng chỉ có giá trị cảm xúc trong nhất thời, chứ không có nhiều công năng. Mỗi khi tặng quà cho ai đó, mình cũng ưu tiên các món đồ mà người nhận thích và thường xuyên sử dụng. Trong trường hợp bạn đi du lịch và muốn lưu giữ lại kỷ niệm, mình gợi ý cho bạn một phương pháp hay và tiết kiệm hơn, đó chính là chụp ảnh hoặc viết nhật ký” - Sophie chia sẻ.