Chỉ đạo mới nhất về tăng giá điện của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Lương Bằng |

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.

Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký công văn 496/TB-BCĐĐHG thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7/2017.

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như giá điện , Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại phương án điều chỉnh giá điện tính đến tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đề xuất kịch bản điều hành giá điện trong năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

“Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát.

Với giá than, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ trì hiệp thương giá than cho sản xuất điện nếu các bên không thỏa thuận được mức giá than bán cho sản xuất điện khi hết thời gian thực hiện mức giá tạm thời (ngày 31/8/2017) tại Quyết định số 699/QĐ-BTC ngày 20/4/2017 của Bộ Tài chính.

Thông báo cũng nêu rõ phương án điều hành giá cụ thể đối với một số mặt hàng khác như: Giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế; Giá dịch vụ đào tạo; Giá dịch vụ hàng không; Giá dịch vụ tại cảng biển; Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; Giá thuốc chữa bệnh cho người; Giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, tổ điều hành kinh tế vĩ mô (Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường khả năng dự báo, tiếp tục chủ động trong việc xây dựng các kịch bản điều hành giá và tính toán tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế để kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, đạt mục tiêu quản lý giá trong 6 tháng cuối năm 2017 đã đề ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại