Được các nhà kinh tế mệnh danh là “Sư tử châu Phi”, Ethiopia hiện là nơi có nền công nghiệp bùng nổ, cơ sở hạ tầng mới và đang trở thành một hình mẫu lý tưởng. Quốc gia này sẽ trở thành một thế lực mạnh mẽ trong khu vực.
Để duy trì thời kỳ vàng son này, quốc gia Đông Phi đang đón đầu với nhiều kế hoạch phát triển đầy tham vọng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo là một nhiệm vụ cốt lõi.
Ethiopia là một trong số các quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, họ cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 64% vào năm 2030.
Chính phủ nước này đã rót xuống hàng tỷ USD vào các siêu dự án thủy điện như Đập Grand Renaissance - khi hoàn thành đây sẽ trở thành con đập lớn nhất ở châu Phi - và cũng mới khánh thành Đập Gibe III. Mục tiêu tiếp theo của Ethiopia là trở thành thủ phủ về điện gió ở châu Phi.
Những con lạc đà đi trên con đường gần những tuabin gió tại trang trại gió Ashegoda
Ethiopia đã khánh thành một trong những trang trại gió lớn nhất châu lục vào năm 2013, kế hoạch Ashedoga này có trị giá lên tới 290 triệu USD, công suất 120 MW. Đây là công trình tiền đề cho một dự án thậm chí còn lớn hơn, Adama II với công suất 153 MW.
Tuy nhiên, điện gió mới chỉ chiếm 324 MW trong toàn bộ sản lượng điện năm 2015 là 4.180 MW, phần lớn trong số đó đến từ thủy điện.
Bức tranh năng lượng này sẽ được chính phủ thay đổi bằng kế hoạch “Tăng trưởng và Thay đổi” thứ hai, mục tiêu của nó là nâng tổng sản lượng điện lên vượt mức 17.000 MW vào năm 2020, và phần lớn mức tăng này sẽ đến từ điện gió.
Chính phủ có kế hoạch mở thêm ít nhất là 5 trang trại gió nữa, nhằm cung cấp lên đến 5.200 MW trong vòng 4 năm. Các khoản chi phí chính thức vào khoảng 3,1 triệu USD, mặc dù một số dự đoán khác vào khoảng 6 triệu USD.
“Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và phân tích dữ liệu để xem số lượng các kế hoạch mà chúng tôi có thể kết nối vào điện lưới quốc gia” Misikir Negash, giám đốc truyền thông của công ty Năng lượng Điện Ethiopia.
“Điều quan trọng là chúng ta phải có nhiều nguồn năng lượng khác nhau để trở thành một hệ thống đáng tin cậy. Gió là một mục tiêu lớn và chúng ta cần nó.”
Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện gió lên mức 1000% trong vòng 4 năm được chào đón với thái độ hoài nghi ở một số vùng, nhưng có một số lý do để tin tưởng.
“Chính phủ hiện nay đã và đang thực hiện các dự án điện gió lớn tiếp theo”, Zekarias Amsalu, giám đốc của Ethiopia Operations trong việc nghiên cứu thị trường Asoko Insight, nhắc lại dự án Đập Grand Renaissance trị giá 6 triệu USD. “Tôi không nghi ngờ việc mục tiêu này có thể đạt được”.
Amsalu nói rằng có ba yếu tố đang giúp Ethiopia làm chủ những cơn gió; ảnh hưởng của hạn hán đã làm giảm đi giá trị của thủy điện, các chi phí đầu tư cho công nghệ điện gió đang giảm xuống, và ngày càng nhiều các bằng chứng cho rằng Ethiopia là quốc gia lý tưởng cho việc thu hoạch gió.
Chính phủ đã tham gia cùng Cơ quan Năng lượng Đan Mạch như một đối tác, cơ quan này hoạt động như một cửa hàng đối với các dự án điện gió có quy mô lớn trên toàn thế giới, và cố vấn đặc biệt Henrik Breum cũng đồng ý rằng Ethiopia có tiềm năng to lớn.
“Năng lực sản xuất sẽ biến họ trở thành một quốc gia gió trọng yếu trong khu vực”, ông nói. “Họ có những cơn gió rất tốt vào mùa khô, đây là thứ bạn cần nếu muốn có sản lượng điện gió đứng đầu... Từ góc độ về gió thì đây là một trong những quốc gia triển vọng nhất châu lục”.
Mặc dù ôm ấp những kế hoạch lớn nhưng Ethiopia vẫn là quốc gia phát triển chậm.
Chỉ 26.6% dân số được sử dụng điện, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới.
Negash phản đối con số này và khẳng định không có sự mâu thuẫn giữa việc tiếp cận với công nghệ sản xuất điện mới và hỗ trợ sử dụng điện rộng rãi.
“Chúng tôi có các bộ phận khác nhau làm việc hướng đến các mục tiêu song song”, ông nói. “Chúng tôi có chương trình để cung cấp điện tới 90% dân số trong vòng 5 năm”.
Điện gió cũng được kỳ vọng sẽ mang tới những lợi ích to lớn trong việc tạo cơ hội nghề nghiệp ở quanh những khu vực mới.
Hơn nữa, những kế hoạch này giúp tăng cường vị thế của Ethiopia thông qua thương mại. Đất nước này hiện đang là quốc gia xuất khẩu năng lượng đến các quốc gia láng giềng như Sudan và Kenya, và điện gió sẽ đem đến cho họ những lựa chọn mới.
“Họ có thể sử dụng điện gió để cung cấp vào lưới điện quốc gia và sử dụng thủy điện để xuất khẩu”, Amsalu nói. “Phần lớn các nhà máy này nằm ở biên giới nên họ có thể xuất khẩu và thu về ngoại tệ”.
Đối tác của Ethiopia đang hi vọng rằng việc ứng dụng thành công điện gió sẽ tạo thành một xu hướng sản xuất năng lượng tái tạo trong khu vực.
“Tôi nghĩ Ethiopia có thể trở thành một hình mẫu lý tưởng trong sản xuất năng lượng tái tạo”, Breum nói.
Tham khảo CNN