Một nghiên cứu được cho là toàn diện nhất về sinh khối của mọi sinh vật sống trên hành tinh xanh đã phát hiện ra rằng loài người chúng ta chỉ chiếm 0,01% sự sống trên Trái Đất, nhưng dù cho kích cỡ vô cùng tầm thường khi so với toàn bộ số sinh vật khác gộp lại, lịch sử cho thấy không gì có thể nghi ngờ sự thống trị của chúng ta.
"Tôi hi vọng điều này sẽ cho mọi người thấy một viễn cảnh về vai trò thống trị tuyệt đối mà loài người đang nắm giữ trên Trái Đất" - nhà sinh vật học Ron Milo từ Viện khoa học Weizmann (Israel) cho hay.
Milo và các đồng sự đã dành 3 năm trời để nghiên cứu các tài liệu khoa học hiện có về sinh khối của Trái Đất, nhằm tìm ra kết quả ước tính mới nhất và toàn diện nhất về số lượng cư dân trên hành tinh của chúng ta.
Về mặt hàm lượng carbon - nghĩa là chúng ta không cần phải tính đến sự khác biệt về khối lượng nước giữa các loài động vật, thực vật, và các dạng sống khác - cuộc điều tra dân số của nhóm nghiên cứu cho thấy tổng sinh khối trên hành tinh là xấp xỉ 550 giga tấn carbon (Gt C).
Trong số này, xấp xỉ 450 Gt C, hay 80% của tổng sinh khối, xuất phát từ các loại thực vật, tức lớn hơn bất kỳ thứ gì khác sinh sống trên hành tinh; vi khuẩn chiếm vị trí thứ hai với khoảng 70 GtC (tức 15%.
Sau đó là các loài nấm. Với khoảng 12 Gt C, sinh khối các loài nấm cao hơn 6 lần so với tổng số mọi loài sinh vật trên hành tinh, theo sau là các loài vi khuẩn cổ (7 Gt C) và protist (4Gt C).
Trên thực tế, các loài động vật chỉ chiếm gần 2 Gt C, và con người chỉ chiếm một phần rất nhỏ của con số này. Thế nhưng, toàn bộ bối cảnh sinh vật trên Trái Đất đều phải chịu sự biến đổi do con người thực hiện.
Dù sinh khối của con người chỉ khoảng 0,06 Gt C, chúng ta vẫn đông hơn gấp 10 lần so với các loài động vật có vú hoang dã, chỉ 0,007 Gt C.
Nhưng có một loại sinh vật có vú khác, vốn tồn tại chỉ để phục vụ cho nhu cầu con người, cũng chiếm vị trí thống trị phần còn lại của vương quốc động vật: gia súc.
Gia súc - phần lớn là các loại trâu, bò, ngựa, và heo - chiếm 60% tất cả các loài có vú trên Trái Đất (khoảng 0,1 Gt C).
Đối với loài chim, bức tranh cũng tương tự, khi sinh khối của các loài chim nuôi được thuần hoá gấp 3 lần so với các loài chim hoang dã.
"Khi tôi làm một bài tính với con gái mình, thường thường người ta sẽ nhắc đến voi, rồi đến hươu cao cổ, rồi đến tê giác" - Milo nói - "Nhưng nếu tôi thực tế một chút, thì đó sẽ là bò, rồi đến bò, rồi đến bò, và cuối cùng là gà".
Tất nhiên, trước đây mọi thứ không như vậy.
Trước khi con người thuần hoá vật nuôi và cải cách nông nghiệp - và trước cách mạng công nghiệp - bối cảnh tự nhiên khác lúc này rất nhiều.
Các nhà nghiên cứu biết khó có thể ước tính chính xác sinh khối của các loài động vật thời kỳ tiền con người, nhưng phân tích của họ cho thấy nền văn minh loài người đã tiêu diệt đến 85% tổng số sinh khối của các động vật có vú hoang dã, và 50% tổng sinh khối của các loài thực vật.
Quá trình chọn lọc không cố ý này đã dẫn đến một hiệu ứng cực lớn đối với toàn bộ sinh quyển, khiến chúng ta rơi vào một tình trạng mà các nhà khoa học gọi là "ở lưng chừng một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt" gần như chưa có tiền lệ.
Dù những gì đã xảy ra là vô cùng đáng tiếc, những hành động của chúng ta cũng cho thấy nỗ lực đáng sợ đối với một chủng loài hai chân mảnh khảnh chỉ chiếm 1% của 1% trong số các sinh vật sống.
"Sự thật rằng sinh khối của loài nấm vượt qua mọi loài động vật đã đặt chúng ta vào vị trí hiện tại" - nhà sinh vật học tiến hoá James Hanken từ Đại học Havard nói.
Giá mà điều đó là đúng!
Tham khảo: ScienceAlert