Chỉ cần nhìn vào 3 biểu hiện này của con là biết ngay bố mẹ đang hạnh phúc hay bất ổn, muốn che giấu cũng không được

Thanh Hương |

Con cái chính là tấm gương phản ánh cha mẹ.

Một gia đình có hạnh phúc hay không, nhiều khi có thể nhìn thấy qua cách các thành viên tương tác với nhau. Tương tự, hạnh phúc của một người mẹ không cần phải nói ra, chỉ cần nhìn vào ngoại hình của con cái là có thể đoán đúng tám, chín phần.

Vậy những biểu hiện nào của con cái có thể cho thấy mối quan hệ của cha mẹ như thế nào?

1. Cảm xúc của trẻ

Nhà tâm lý học Winnicott từng nói, khuôn mặt của mẹ là tấm "gương" đầu tiên của con cái. Từ khuôn mặt của mẹ, có thể "phản chiếu" trạng thái cảm xúc bên trong của trẻ.

Một bà mẹ chia sẻ rằng con gái mình rất nhút nhát, khi thấy người khác cãi nhau, bé thường bịt tai và hét lên, thậm chí sợ hãi chạy đi. Có lần bà mẹ này tranh cãi với người khác, con gái đã khóc và kéo mẹ đi, sau đó phải dỗ rất lâu bé mới bình tĩnh lại.

Tại sao bé gái lại sợ hãi khi thấy cãi vã như vậy. Hóa ra bố mẹ của bé hay cãi nhau, và thường cãi rất to trước mặt con gái. Mỗi khi cãi vã xảy ra, bé thường tự nhốt mình trong phòng rất lâu không ra.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "đồng cảm dự đoán". Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ nhìn thấy cảm xúc của mình ở người khác và cảm nhận những cảm xúc đó trong lòng.

Khi mối quan hệ của cha mẹ không tốt, thường xuyên cãi nhau vì những chuyện nhỏ, trẻ sẽ thấy những cảm xúc như tức giận, bức bối, đối đầu hoặc sợ hãi từ cha mẹ. Và trẻ cũng thực sự cảm nhận được những cảm xúc này.

Nhưng trẻ chôn giấu tất cả những cảm xúc này, nén chúng lại trong lòng. Tất cả chúng ta, từ khi sinh ra, đều trải nghiệm cảm xúc từ những gì người khác trải qua. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi trẻ nén những cảm xúc căng thẳng, giận dữ, sợ hãi lại, thì khi thấy người khác cãi nhau, trẻ sẽ nhớ lại trải nghiệm của mình khi chứng kiến cha mẹ cãi vã.

Do đó, chỉ cần thấy người đi đường cãi vã, trẻ có thể cũng sẽ cảm thấy căng thẳng, đối đầu và sợ hãi, từ đó muốn chạy trốn.

Khi mối quan hệ giữa cha mẹ căng thẳng, lạnh nhạt, và mẹ thường xuyên có tâm trạng không ổn định, buồn bã, trẻ cũng cảm nhận được những cảm xúc này và thể hiện ra sự bất an, lo lắng, dễ cáu gắt.

Còn nếu một gia đình hòa thuận, mẹ hạnh phúc, luôn mỉm cười mỗi ngày, thì không khí trong nhà cũng sẽ thoải mái, nhẹ nhàng khi mẹ con tương tác. Trẻ thường sẽ có tâm lý lạc quan, tích cực.

2 . Khả năng giao tiếp xã hội của trẻ

Ngoài yếu tố tính cách bẩm sinh, tình trạng giao tiếp xã hội của trẻ cũng phản ánh phần nào mối quan hệ của cha mẹ. Đó là vì, mối quan hệ của trẻ với cha mẹ chính là mối quan hệ của trẻ với thế giới.

Khi mối quan hệ giữa cha mẹ ổn định, hòa thuận, tâm trạng của mẹ cũng vui vẻ và cảm xúc cũng ổn định hơn. Mẹ có tâm trạng ổn định sẽ kiên nhẫn, dịu dàng và bao dung hơn khi ở bên con. Những bà mẹ như vậy thường nuôi dưỡng những đứa trẻ có cảm giác an toàn.

Trẻ khi bắt đầu các mối quan hệ xã hội, nếu đã trải nghiệm được sự tốt lành, thoải mái, tự do, thì khi giao tiếp với người khác, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, an toàn và đáng mong đợi.

Khi gặp gỡ các bạn, trẻ sẽ sẵn sàng hòa nhập và phát triển các mối quan hệ bạn bè.

Còn nếu một bà mẹ không chỉ phải chăm con, lo việc nhà mà còn phải đối mặt với mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và mối quan hệ vợ chồng không tốt, thì cảm xúc của bà thường sẽ dễ bị kích động, dễ nổi giận. Vì mẹ là người thường xuyên ở bên con, nên sự bực bội và tức giận của mẹ sẽ vô tình lan tỏa sang con.

Trẻ em sống trong một bầu không khí căng thẳng, áp lực lâu dài sẽ trở nên cẩn thận, dè dặt, hoặc cũng dễ bị mất kiểm soát cảm xúc, dễ nổi giận chỉ vì một chuyện nhỏ.

Những đứa trẻ như vậy thường nghĩ rằng giao tiếp với người khác là không an toàn, có thể bị tổn thương. Trẻ hoặc là sợ giao tiếp, không dám tham gia vào các trò chơi cùng bạn bè; hoặc là không biết cách hòa đồng với bạn bè, dễ nổi giận, thậm chí có thể đánh bạn.

3. Hành vi của trẻ

Tại công viên, có một cô bé cứ như cái đuôi, lẽo đẽo đi theo một cô bé lớn hơn. Bất kể cô bé lớn làm gì, cô bé nhỏ cũng làm theo. Cô bé lớn thấy một con chó và nói: "Tránh ra, con chó hôi thối."

Cô bé nhỏ thấy vậy liền tiến tới xua chó đi, bịt mũi và nói: "Tránh ra, con chó hôi thối." Sau đó, cô bé không quên quay đầu tìm sự công nhận từ cô bé lớn: "Con chó này vừa bẩn vừa hôi, đúng không"?

Khi nhận được cái gật đầu cười lớn của cô bé lớn, cô bé nhỏ rõ ràng thở phào nhẹ nhõm và cũng cười theo. Được biết trong gia đình, bố của bé là người rất mạnh mẽ, và vì bố là trụ cột gia đình nên mọi người trong nhà hầu như phải nghe lời ông. Người mẹ không có tiếng nói mấy.

Cách học đầu tiên của trẻ là thông qua việc bắt chước. Trẻ không chỉ bắt chước biểu cảm, hành động của chúng ta mà còn bắt chước cả cách cư xử của chúng ta.

Khi trong gia đình, mối quan hệ giữa vợ chồng giống như mối quan hệ "trên-dưới", một người có quyền tuyệt đối, thì mẹ khi nuôi dạy con sẽ có nhiều ràng buộc và đặt ra nhiều cấm đoán.

Trẻ lớn lên trong một môi trường gia đình như vậy sẽ dần dần trở thành "cấp dưới" trong mối quan hệ "trên-dưới". Trẻ sẽ vô thức tìm một người mạnh mẽ hơn để "lãnh đạo" mình và cũng vô thức tìm kiếm sự công nhận trong quá trình "bị lãnh đạo".

Nhưng nếu mối quan hệ giữa cha mẹ là tôn trọng lẫn nhau, thân thiện và hợp tác, thì trẻ cũng sẽ học cách tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình trong giao tiếp bình đẳng này.

Trẻ sẽ trở nên độc lập và tự tin hơn vì không cần phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ. Trẻ cũng sẽ có dũng khí thử nghiệm những điều mới, tập trung phát triển bản thân thay vì bận tâm đến việc người khác có công nhận mình hay không.

Do đó, cách hành xử của trẻ có thể phản ánh tình trạng mối quan hệ của cha mẹ. Bạn có thể nhìn vào những biểu hiện nào của con để nhận biết mối quan hệ của cha mẹ ra sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại