Dù là người trưởng thành, bước chân đã vững vàng nhưng không ai có thể tránh khỏi những lần vấp ngã hoặc trượt chân khi đi cầu thang vì mất tập trung.
Vấp ngã nhẹ không thể làm chúng ta bị thương nặng nhưng nếu bế theo một đứa trẻ thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác.
Ai cũng biết rằng, khi nhà có thêm một đứa trẻ đồng nghĩa với việc, bố mẹ phải vất vả bận rộn lên gập vạn lần. Ngoài bế con thì còn cả một tá các thứ lỉnh kỉnh khác như bỉm, bình pha sữa, khăn lau, quần áo...
Và như vậy thì khả năng bị vấp ngã lại cao hơn rất nhiều và rủi rõ cũng rất lớn vì đứa trẻ không thể chịu được những va đập quá mạnh.
Tai nạn cầu thang rất nguy hiểm nhưng nhiều người lại coi thường.
Câu chuyện của một ông bố ở Puerto Andratx, Tây Ban Nha là bài học sâu sắc dành cho các bậc phụ huynh khi có con nhỏ trong nhà.
Trang theasianparent gọi đó là một tai nạn kỳ quái bởi không ai nghĩ tính mạng của một đứa trẻ lại mong manh đến vậy.
Theo đó, người cha 38 tuổi bế con trai 4 tháng tuổi của mình xuống cầu thang nhưng thật không may anh lại bị trượt chân khiến cậu bé tuột khỏi tay cha và rơi xuống tầng 1.
Khi xảy ra vụ việc, mẹ của bé trai không có ở nhà. Mặc dù, người đàn ông đã lập tức gọi cấp cứu nhưng bé trai bị đập đầu xuống đất nên không thể qua khỏi, bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng vô vọng.
Ảnh minh họa.
Tất nhiên, cảnh sát vẫn tiến hành điều tra nhưng các bằng chứng đều cho thấy đó là một tai nạn không ai mong muốn. Cả gia đình bé trai đều bị sốc và phải tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.
Té ngã là một tai nạn thường gặp nhất ở trẻ em, hầu như đứa trẻ nào trong đời cũng từng té ngã nhiều lần. Nhẹ thì trầy xước ngoài da nhưng cũng có trường hợp bị chấn thương rất nặng nề dẫn đến tử vong.
Theo nhiều cuộc thống kê, bốn khu vực nguy hiểm nhất trong nhà đối với trẻ em là nhà bếp, phòng tắm, phòng khách và cầu thang.
Trong đó, té ngã cầu thang được xếp vào một trong những tai nạn thường xảy ra nhất với trẻ dưới 15 tuổi.
Nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho trẻ như trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, bụng hay nặng hơn là chấn thương sọ não, các cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong.
Vậy nên thay vì đội mũ bảo hiểm quanh nhà, hãy tìm hiểu những rủi ro có thể xảy ra khi em bé ngã và tìm cách ngăn ngừa tai nạn không đáng có xảy ra với con mình.
- Tránh bế con di chuyển lên xuống cầu thang
- Trong trường hợp bạn bế trẻ nhỏ trên tay và bị vấp ngã thì con trẻ sẽ là người bị tổn thương nhiều hơn, đặc biệt là phần đầu và cổ.
- Nếu có thể, đừng bế em bé di chuyển lên xuống cầu thang. Tốt hơn hết là để em bé ở vị trí an toàn như cũi. Nếu có đi đâu đó thì hãy dùng đến chiếc xe đẩy em bé.
Ảnh minh họa.
- Đừng vừa bế con vừa làm việc khác.
- Đừng đi dép trơn hoặc giày cao gót trong nền nhà gạch hoa.
- Cầu thang luôn phải khô ráo, tránh trường hợp trượt chân té ngã, khi cầu thang đang lau chùi hoặc vừa lau chùi, tuyệt đối không nên bế trẻ đi qua hoặc để trẻ đến gần.
- Cầu thang luôn phải thông thoáng, không nên để vật trang trí, vật dụng, tránh trường hợp vấp phải những vật này và té.
- Cầu thang bắt buộc phải có lan can, tay vịn. Chiều cao tối thiểu của lan can là 1,1m.
- Không bao giờ để trẻ nhỏ một mình lên xuống cầu thang. Dạy trẻ hiểu rõ những tai nạn có thể gặp phải nếu bất cẩn, đùa giỡn khi đi cầu thang.
Với những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, 2 đầu cầu thang bắt buộc phải dùng thanh chắn. Thanh chắn này phải cao quá đầu trẻ. Đối với gia đình có trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, khe hở của các thanh lan can không được quá lớn để trẻ không chui qua được.
(Nguồn: Parent)