'Chết yểu' quy hoạch ngành công nghiệp ôtô

Nguyên Mẫn |

Thực tế, bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xứng đáng được... "chết yểu".

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời năm 2014 nay đã hết hiệu lực theo một nghị quyết vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Đây là một trong 24 quy hoạch "chết yểu" khi Chính phủ triển khai Luật Quy hoạch.

Thực tế, bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xứng đáng được... "chết yểu" bởi 5 năm trước, ngay khi ra mắt, nhiều người trong giới chuyên gia khi tiếp cận bản quy hoạch này đều phải đặt ra câu hỏi là không biết Chính phủ muốn gì ở ngành công nghiệp ôtô khi vừa muốn phát triển, vừa sợ hạ tầng giao thông quá tải!?

Bản quy hoạch năm 2014 đặt ra những con số dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa; dự kiến sản lượng xe; dự kiến xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng.

Cụ thể như, xe ôtô đến 9 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 60%; đến năm 2025 chiếm 65% và đến năm 2030 chiếm 70%.

Xe ôtô trên 10 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 90% và đến 2030 chiếm 92%. Xe ôtô tải đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 78% và đến năm 2030 chiếm 80%. Xe chuyên dùng đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 15% và đến năm 2030 chiếm 20%.

Về dự kiến sản lượng xe, dự kiến đến năm 2020 đạt hơn 227.000 chiếc; đến năm 2025 là hơn 466.000 chiếc và đến năm 2030 là gần 863.000 chiếc (trong đó ôtô dưới 9 chỗ ngồi hơn 452.000 chiếc, ôtô tải hơn 356.000 chiếc)...

Mới chỉ sau 5 năm đã thấy quy hoạch một đằng thực tế một nẻo, có hay không có quy hoạch cũng... không để làm gì.

Theo các số liệu thống kê thì cả nước đã có khoảng 3 triệu xe ôtô. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ôtô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô...

Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.

Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tăng 51% so với 2014.

Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp đạt 258,7 ngàn xe, giảm 9% so với năm 2016; năm 2018 đạt 250 ngàn xe, giảm khoảng 3% so với năm 2017.

Hiện, Chính phủ muốn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp ôtô trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song, sự phát triển của ngành này phải theo hướng có ôtô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới.

Phát huy năng lực của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước gắn với khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ôtô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và uy tín hợp tác với các đối tác chiến lược trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp ôtô đạt mục tiêu trên.

Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà tiếp tục lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất, đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô toàn cầu trên cơ sở đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Nhân rộng một số trung tâm/cụm công nghiệp ôtô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Để bảo hộ cho ngành sản xuất ôtô trong nước, vào tháng 11 năm 2016, mặc dù vấp phải nhiều phản ứng nhưng Chính phủ vẫn bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuyết phục được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn non trẻ so với các nước, do đó quan điểm của Bộ khi đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào nhóm kinh doanh có điều kiện là nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, không chỉ để bảo vệ cho sản xuất ôtô trong nước mà còn để ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác ôtô cũ, ôtô kém chất lượng.

Nếu Việt Nam không nỗ lực, sẽ mất ngành sản xuất ôtô trong nước và phải hoàn toàn phụ thuộc vào ôtô nhập khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại