Chết vì bị sỉ nhục: Những câu chuyện đau thương do văn hóa phân biệt ngành nghề tại Hàn Quốc

BANG BANG |

Mọi công việc làm ăn chân chính đều đáng quý trọng, thế nhưng tại sao xã hội Hàn Quốc lại phân biệt, coi thường những người lao động cổ cồn xanh?

Theo tờ The Korea Herald, người Hàn Quốc thường nói rằng mọi nghề chân chính đều đáng quý và đáng được trân trọng, qua đó tránh đối xử khác biệt dựa trên công việc kiếm sống của từng người. Thế nhưng, thực trạng tại Hàn Quốc lại khác xa hoàn toàn.

Khảo sát của hãng nghiên cứu Saramin cho thấy hơn một nửa số người dân Hàn Quốc muốn trở thành quản lý hay làm những công việc văn phòng, sang chảnh hơn là các công việc tay chân như lao công, công nhân... Lý do chính cho sự lựa chọn này chủ yếu nằm ở 2 yếu tố: Thu nhập và định kiến xã hội về nghề.

Lao động cổ cồn xanh (Blue Collar Worker) là lớp người lao động làm công việc tay chân hay công việc cần trực tiếp dùng sức lực để hoàn thành. Tên gọi "cổ cồn xanh" xuất phát từ màu áo xanh dương của các công nhân xây dựng, kỹ thuật. Người lao động nhóm này có thể không cần qua đào tạo hay rèn luyện một kỹ năng nào cụ thể. Họ thường làm những việc như xây dựng, lao công, sản xuất trong nhà máy, tài xế xe công cộng...

Trái lại với lao động cổ cồn xanh là lao động cổ cồn trắng (White Collar Worker), họ làm việc trong môi trường văn phòng, với bàn làm việc và máy tính.

Còn có một nhóm lao động nữa là cổ cồn hồng (Pink Collar), họ làm việc liên quán đến dịch vụ khách hàng, giải trí, kinh doanh.

Nhìn chung, nhiều công việc ngày nay cần sự tổng hòa chung giữa cả ba nhóm lao động này, với những kỹ năng từ dùng sức lực chân tay cho đến trí tuệ.

Cuộc khảo sát của Saramin cũng cho thấy hơn 60% số người chọn nghề chịu ảnh hưởng từ định kiến xã hội khi cho rằng chỉ có người học dốt, có gia cảnh thấp mới đi học nghề hoặc làm lao động cấp thấp.

Tương tự, một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi Seoul Metropolitan Government tại thủ đô Seoul cho thấy 39,1% số người được hỏi có sự phân biệt đẳng cấp con người dựa trên nghề nghiệp, có 50,8% cho rằng dựa trên thu nhập và 43,5% dựa trên trình độ giáo dục.

Chính định kiến tai hại này đang khiến cho nền kinh tế cũng như xã hội Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng khi giới trẻ từ chối các công việc nặng nhọc để rồi thất vọng vì không đủ việc "sang chảnh" cho họ làm. Thế rồi giới trẻ bắt đầu chán nản, than vãn không có cơ hội lập nghiệp, làm giàu...

"Tất cả các ngành nghề đều cần thiết để thúc đẩy sự đi lên của kinh tế cũng như xã hội. Bởi vậy chúng ta cần trân trọng giá trị thực sự của mỗi nghề khác nhau. Bất kể bạn được trả bao nhiêu, ở vị trí nào đi chăng nữa thì chúng ta cùng cần mọi tầng lớp lao động. Nếu không xã hội cũng như nền kinh tế sẽ lâm vào khủng hoảng. Vậy nhưng giới trẻ Hàn Quốc giờ đây chỉ thích làm sếp chứ không thích làm nhân viên quèn", giáo sư Lee Byoung Hoon của trường đại học Chung Ang nói.

Chết vì bị sỉ nhục: Những câu chuyện đau thương do văn hóa phân biệt ngành nghề tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Theo giáo sư Lee, một số nghề tại Hàn Quốc được trả lương cao vì sự khan hiếm hoặc do trình độ chuyên môn đòi hỏi mức lương tương ứng. Thế nhưng sự phân biệt này đã bị coi trọng thái quá dẫn đến sự coi thường những lao động trình độ thấp.

Việc coi thường này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực ở những ngành nghề kém thu hút, dẫn đến năng suất kém và gây xung đột trong xã hội. Tệ hơn, việc giới trẻ từ chối các cơ hội công việc không sang chảnh sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như con đường sự nghiệp của cả một thế hệ.

"Những nhà quản lý cần thay đổi cách tư duy trước tiên khi giúp người lao động cấp thấp cảm thấy tự hào về việc mình làm, qua đó nâng cao được năng suất. Những lao động cấp thấp nên được hỗ trợ bởi một hệ thống cho phép họ lên tiếng đòi quyền lợi cho riêng mình", giáo sư Lee nhận định.

Chết vì bị sỉ nhục

Tháng 6/2021, ca tử vong của một lao công tại trường đại học quốc gia Seoul đã làm dậy sóng dư luận Hàn Quốc. Người phụ nữ này được tìm thấy đã chết trong phòng nghỉ của trường đại học mà không có dấu hiệu bị giết hay tự sát. Công đoàn cho biết cô đã bị stress nặng do người quản lý tại trường sỉ nhục, mạt sát thường xuyên.

Một cuộc điều tra của Bộ lao động Hàn Quốc cho thấy trường đại học quốc gia Seoul thường xuyên sỉ nhục các lao công bằng những bài thi viết chẳng liên quan đến công việc của họ dù biết rằng những nhân viên này có trình độ học vấn thấp.

Tồi tệ hơn, cuộc điều tra cũng phát hiện người quản lý đã yêu cầu các lao công phải mặc đồng phục và liên tục đánh giá cách ăn mặc của mỗi người dù nhà trường không có quy định về điều khoản này.

Theo tờ Korea Herald, trường hợp tử vong trên chỉ là một trong vô số những ca thương tâm khi người lao động tầng dưới bị phân biệt đối xử tại Hàn Quốc.

Chết vì bị sỉ nhục: Những câu chuyện đau thương do văn hóa phân biệt ngành nghề tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Năm 2020, một bảo vệ của một tòa nhà tại Hàn Quốc đã tự tử sau khi bị cư dân tại đây xúc phạm, qua đó làm dấy lên tranh cãi nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Tại Hàn Quốc, việc những lao công, bảo vệ, lái xe hay các nghề được cho là "hạ đẳng" khác luôn bị đối xử tệ hại và sỉ nhục. Người dân nơi đây coi chuyện đó là điều bình thường và chỉ lên tiếng khi có người chết, thế rồi đâu lại vào đó.

Cải thiện nhờ Internet

May mắn thay, sự phân biệt đối xử về ngành nghề đang dần suy giảm tại Hàn Quốc. Nghiên cứu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc (KOS) cho thấy những lao động cổ xanh như công nhân xây dựng hay thợ hàn bắt đầu nhận được sự kính trọng hơn của xã hội.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhờ Internet khi mọi người có thể hiểu rõ hơn về khó khăn và phẩm chất cao quý của những người lao động ở bất kỳ ngành nghề nào.

Anh Kim Jin Seong là một lái xe buýt và đồng thời cũng xây dựng một trang Youtube nói về chuyện nghề của mình. Kênh Youtube của anh hiện đã có gần 70.000 người theo dõi.

"Khi tôi mới vào làm, có rất nhiều người coi thường nghề này, nhất là những người già. Họ nói rằng tài xế thì cũng chỉ là người lái xe chứ chẳng tốt hơn được. Thế nhưng xã hội giờ đây đã hiểu rõ hơn về nghề lái xe buýt chúng tôi. Các tài xế cũng được trả lương cao hơn. Trước đây chúng tôi sẽ phải thanh toán chi phí nếu gây hư hỏng xe vì tai nạn, giờ thì công ty sẽ đứng ra trả", anh Kim cho biết.

Tài xế Kim cho hay dù không có sự phân biệt đẳng cấp về ngành nghề nhưng đạo đức làm nghề thì có sự khác biệt. Rất nhiều lái xe không thèm bật đèn xi nhan xin đường khi rẽ và cũng rất nhiều người làm nghề không có "tâm".

"Nghề này có thể trở thành nguồn thu nhập ổn định cho gia đình nếu bạn làm đủ lâu và không gây ra tai nạn nào. Cuối cùng thì cũng phải có ai đó làm nghề này để phục vụ xã hội chứ", anh Kim cười nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại