Vừa qua, các nhà khoa học đã tìm ra cách để chế tạo trong phòng thí nghiệm một loại khoáng thạch có thể hấp thụ khí CO2 trong bầu khí quyển gọi là Magnesit, thành công này chính là tiền đề cho một hướng đi mới trong việc giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu.
Bằng việc tăng tốc một quá trình tự nhiên vốn phải mất hàng nghìn năm để hoàn thành xuống còn đơn vị ngày, các nhà nghiên cứu có thể thúc đẩy lĩnh vực đang phát triển mạnh là khai thác và lưu trữ các các-bon (CCS).
Không những vậy, trước những khó khăn trong việc cắt giảm khí gas gây hiệu ứng nhà kính, các chuyên gia tin rằng những công nghệ mới với khả năng hút khí CO2 khỏi bầu không khí chính là công cụ đắc lực trong nỗ lực giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.
Magnesit là một loại đá được tìm thấy trong tự nhiên và được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp đá quý và nhiều quá trình công nghiệp khác. Khả năng hấp thụ và lưu trữ các-bon của loại khoáng sản này đã được giới khoa học tìm ra từ trước kia.
Với mỗi tấn magnesit chúng ta có thể loại bỏ khoảng nửa tấn CO2 khỏi không khí. Tuy nhiên, khi mà các nhà khoa học tìm ra được tiềm năng trong việc lưu trữ khí gây ô nhiễm trong quá trình hình thành đá ngầm, họ đã gặp phải vấn đề đó là khoảng thời gian để hình thành các khoáng sản mới.
Giáo sư Ian Power, người đứng đầu nghiên cứu tại đại học Trent giải thích: "Sẽ mất hàng nghìn năm để quá trình này hoàn thành dưới bề mặt Trái đất".
Và để vượt qua vấn đề này, giáo sư Power và các cộng sự đã tìm hiểu quá trình hình thành magnesit tự nhiên ở nhiệt độ thấp, đồng thời sử dụng những kiến thức vốn có để có thể tăng tốc quá trình hình thành tinh thể.
Họ đã sử dụng các hạt polystiren rỗng để làm chất xúc tác cho quá trình này, nhờ vậy quá trình tự nhiên kéo dài hàng ngàn năm đã được rút ngắn còn 72 ngày. Cả quá trình mới này rất tiết kiệm năng lượng bởi vì nó có thể xảy ra ngay trong điều kiện nhiệt độ phòng.
Giáo sư Power cho biết thêm: "Cho tới hiện tại thì đây mới chỉ là quá trình mang tính thử nghiệm và sẽ cần được mở rộng quy mô lên nhiều lần trước khi chúng tôi chắc chắn rằng magnesit có thể được sử dụng với mục đích cô lập vĩnh viễn khí CO2. Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố khác bao gồm chi phí của các-bon và quá trình sàng lọc công nghệ này, nhưng về hiện tại thì chúng ta đều có thể thấy rằng công nghệ này hoàn toàn có thể thực hiện được ".
Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố bởi các nhà khoa học tại Hội nghị địa hóa học Goldschmidt diễn ra tại Boston.
Công nghệ CCS được sử dụng trong nhiều kế hoạch nhắm tới mục tiêu được đặt ra bởi Thỏa thuận chung Paris. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nổi bật lại cho rằng chúng ta đang có những lạc quan quá mức về công nghệ này khi mà quá trình sản xuất chưa được thực hiện trên quy mô công nghiệp.
Tuy vậy, vẫn có những đồng thuận chung rằng chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục phát triển những công nghệ mới song song với việc cắt giảm khí thải các-bon. Công trình nghiên cứu tới từ nhóm của giáo sư Power vẫn sẽ được hoan nghênh bởi các nhà khoa học khác.