Chế tạo động cơ máy bay chiến đấu: Vì sao Trung Quốc phải phụ thuộc chặt chẽ vào Nga?

Anh Tú |

Nhiều thông tin cho thấy những động cơ do Trung Quốc chế tạo nội địa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và không cung cấp đủ lực đẩy cho máy bay chiến đấu, so với động cơ của Nga.

PHỤ THUỘC MẠNH MẼ VÀO NGA

Trong hội nghị do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc tổ chức vào ngày 17/5 vừa qua, các chuyên gia dự đoán rằng, do tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine, thời gian tới đây Nga sẽ không thể cung cấp động cơ và linh kiện cho khoảng 40% máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Theo Air Force Magazine, điều này có khả năng ảnh hưởng không nhỏ tới phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong tương lai gần.

Tại hội nghị nêu trên, khi bàn về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã không đủ khả năng phát triển công nghệ động cơ cho riêng mình.

Trước viễn cảnh Nga sẽ phải bận rộn tái trang bị cho quân đội nước này sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc có thể buộc phải tập trung hơn vào việc phát triển năng lực nội tại.

Chuyên gia David R. Markov thuộc Viện Phân tích Quốc phòng nhận định: “Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các thiết bị của Nga và xu hướng này vẫn sẽ diễn ra trong tương lai gần”.

Chế tạo động cơ máy bay chiến đấu: Vì sao Trung Quốc phải phụ thuộc chặt chẽ vào Nga? - Ảnh 1.

J-20 Trung Quốc. Ảnh: News Australia

Việc Nga đã cung cấp khoảng 4.000 động cơ trực thăng cũng như động cơ cho các máy bay quân sự khác của Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1992 - 2019 chứng tỏ công nghệ Nga có tầm quan trọng như thế nào đối với Quân đội Trung Quốc.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ và Châu Âu áp đặt đã cản trở khả năng của Nga trong việc thu mua các công nghệ như chất bán dẫn phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phải mua động cơ từ Nga, mặc dù khả năng đáp ứng của Moscow đến đâu do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt quốc tế vẫn còn phải chờ xem”, chuyên gia Markov dự đoán.

Tình thế này buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh sử dụng các nguồn lực trong nước để “khắc phục sự cố động cơ mà họ đang mắc phải”.

TẠI SAO TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ SẢN XUẤT ĐƯỢC ĐỘNG CƠ ĐỦ MẠNH?

Từ nhiều năm nay vẫn xuất hiện các thông tin cho rằng Trung Quốc rất thành thạo trong việc “nhân bản” công nghệ nước ngoài để sử dụng trong nước. Hầu hết mọi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều được mô phỏng theo thiết kế “đánh cắp” hoặc thông qua giải mã công nghệ (reverse engineering).

Trung Quốc đã làm việc trong nhiều năm để phát triển động cơ nội địa cho máy bay chiến đấu của họ. Chẳng hạn như, nước này đã thay thế động cơ của Nga bằng động cơ WS-10 sản xuất trong nước cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho rằng những động cơ bản địa này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và không cung cấp đủ lực đẩy cho máy bay, so với động cơ của Nga.

Chế tạo động cơ máy bay chiến đấu: Vì sao Trung Quốc phải phụ thuộc chặt chẽ vào Nga? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo. Ảnh: AP

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 thuộc loại vũ khí có giá thành và tính năng cao. Hiện nay, quốc gia có thể nghiên cứu phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 chỉ có 2 nước xứng tầm là Mỹ và Nga. Chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc chỉ là một "hàng mẫu".

Lý do là, Trung Quốc cơ bản không thể nghiên cứu được loại động cơ đủ điều kiện chuyên dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 mà hiện nay cũng chỉ có Mỹ và Nga làm được.

Chuyên gia Markov cho rằng, khả năng chế tạo động cơ phản lực của Trung Quốc vẫn kém hiệu quả do Nga luôn “che giấu bí mật công nghệ”, mặc dù ở một mức độ nào đó Trung Quốc cũng gặt hái được những thành công nhất định với động cơ trang bị cho J-20 và J-31 của họ.

Những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải trong lĩnh vực này chủ yếu là do thiếu năng lực nội địa hơn là thiếu nguồn lực đầu tư. So với Nga, quốc gia được thừa hưởng cơ sở sản xuất quốc phòng từ Liên Xô, thì ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn tương đối mới.

Nhiều nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia thiết kế và quản lý sản xuất của Trung Quốc mới chỉ ở độ tuổi 20, 30. Để giải quyết vấn đề đó, Bắc Kinh đã thuê các chuyên gia Nga làm việc bên trong các nhà máy của Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Markov, Trung Quốc mua máy bay Su-35 từ Nga là nhằm phục vụ mục đích tiếp cận với động cơ phức tạp cũng như hệ thống điều khiển kỹ thuật số của loại máy bay này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại