Bang New South Wales (NSW) và bang Victoria là 2 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với lần lượt 137 và 39 đám cháy đang hoành hành.
Thảm họa tồi tệ
Hỏa hoạn ở Úc luôn nguy hiểm khi các đám cháy rừng "Ngày thứ bảy đen tối" năm 2009 ở Victoria đã cướp đi sinh mạng của 173 người. Đây là thảm họa cháy rừng chết chóc nhất trong lịch sử nước này.
10 năm sau, thời tiết có vẻ còn khắc nghiệt hơn: nắng nóng, hạn hán kỷ lục, gió lớn bất thường thổi khói lửa lan nhanh và xa hơn. Nhiều chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố khiến cháy rừng ở Úc nói riêng và các thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới nói chung trở nên khủng khiếp.
Thiệt hại do cháy rừng sẽ còn tăng cao khi Úc chỉ vừa bước vào mùa hè. Thông thường, nhiệt độ tại quốc gia này đạt đỉnh vào tháng 1 hoặc tháng 2, nghĩa là tình trạng cháy rừng có thể kéo dài thêm nhiều tháng.
Ông Neville Nicholls, Trường ĐH Monash (Úc), cảnh báo các đám cháy có thể là khởi đầu cho những điều kiện thời tiết tồi tệ nhất, bao gồm lũ lụt cực đoan khi cây cối bị thiêu rụi để lộ ra đất trống.
"Vẫn còn 1 tháng nữa mới đến thời điểm nắng nóng khủng khiếp nhất ở miền Nam nước Úc. Điều tồi tệ nhất vẫn còn chờ ở phía trước" - ông Nicholls lo ngại.
Chính phủ Úc triển khai 2.000 lính cứu hỏa đến bang New South Wales - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhấtẢnh: REUTERS
Hôm 6-1, nước Úc thở phào nhẹ nhõm khi mưa lớn trút xuống khu vực bờ Đông, trải dài từ TP Sydney đến TP Melbourne, giúp làm giảm nhiệt độ. Dù vậy, đợt mưa này chưa đủ để dập tắt những đám cháy lớn và nguy hiểm nhất. Tình hình sẽ trở nên khó lường hơn khi các đám cháy ở NSW giao với các đám cháy ở Victoria và tạo nên một quả cầu lửa khổng lồ. Hiện tại, các đám cháy chỉ còn cách nhau khoảng 9 km trong khi nhiệt độ dự kiến tăng trở lại vào ngày 9 và 10-1.
"Thật đáng lo ngại. Điều kiện thời tiết vào ngày 9 và 10-1 sẽ khiến tình trạng cháy rừng phức tạp hơn" - ông David Bruce, Cơ quan Quản lý khẩn cấp Victoria, chia sẻ.
Trong khi đó, ông Shane Fitzsimmons, ủy viên Cơ quan Cứu hỏa Nông thôn NSW, khẳng định cơn mưa vàng cũng mang đến một số thách thức đáng kể cho kế hoạch triển khai các đám cháy chiến thuật cũng như những kỹ thuật chữa cháy khác để dập lửa.
Ảnh chụp cháy rừng từ trên cao ở thị trấn Obrost, bang Victoria, hôm 4-1Ảnh: REUTERS
Chữa cháy bằng mọi giá
Giới chức địa phương và liên bang Úc đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát các đám cháy, kể cả khi họ nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Canada.
Tính đến ngày 6-1, hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 8 triệu ha đất rừng, tàn phá hơn 2.000 căn nhà và đoạt mạng ít nhất 25 người cùng với hơn 480 triệu động vật trên cả nước, theo chuyên gia Chris Dickman của Trường ĐH Sydney (Úc).
Hội đồng Bảo hiểm Úc khẳng định thiệt hại do hỏa hoạn gây ra đã vượt mốc 485 triệu USD. Con số này chắc chắn gia tăng khi "bà hỏa" tiến sang những khu vực khác.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 6-1 tuyên bố sẵn sàng trả "bất cứ giá nào" để giúp cộng đồng hồi phục sau những trận cháy kinh hoàng. Chính phủ nước này sẽ rót thêm 1,4 tỉ USD trong 2 năm để khắc phục hậu quả cháy rừng và sẵn sàng chi thêm trong thời gian tới.
Trước đó, vào ngày 4-1, Thủ tướng Morrison cũng thông báo sẽ triển khai thêm 3.000 binh sĩ từ bộ binh, hải quân và không quân để hỗ trợ công tác chữa cháy, sơ tán, tìm kiếm và cứu trợ cùng với máy bay và tàu quân sự.
Cam kết tăng vĩnh viễn ngân sách phục vụ công tác chữa cháy từ trên không, nhà lãnh đạo Úc tuyên bố sẽ phê duyệt 14 triệu USD để thuê thêm 4 máy bay chữa cháy từ nước ngoài, trong đó có 2 máy bay cánh cố định tầm xa DC-10 với dung tích 30.000 lít.
Bắt giam 24 người cố ý phóng hỏa
Lực lượng Cảnh sát NSW vừa cho hay 24 công dân Úc đã bị bắt giam tại NSW kể từ hồi đầu tháng 11-2019 với cáo buộc cố ý phóng hỏa.
Ngoài ra, còn có 183 người khác bị cáo buộc không tuân thủ luật lệ phòng chống cháy nổ, ném tàn thuốc xuống đất… Khung hình phạt có thể từ "cảnh cáo" đến "cáo buộc hình sự". Những đối tượng cố ý đốt rừng và để lửa lây lan có thể sẽ bị phạt tù cao nhất là 21 năm.