Cháu gái đi học bị bạn bè bắt nạt, giáo sư tâm lý học khuyên đối phó bằng 1 hành động: Gia đình nào cũng nên học hỏi

Ánh Lê |

Việc cha mẹ dạy trẻ học cách phản kháng không phải là dạy trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mà là dạy trẻ học cách tự bảo vệ mình.

Đã từng có một chủ đề được các bậc phụ huynh Trung Quốc đem ra mổ xẻ và bàn luận như sau: Nếu con bạn bị đứa trẻ khác đánh, bạn sẽ dạy con làm gì? Nhẫn nhục, chịu đựng để tránh bị tổn hại thêm hay nên mạnh mẽ chống trả?

Vấn đề này đã khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu tìm giải pháp hợp lý nhất, thậm chí gây nên tranh cãi khi đứng ra bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ tham gia bình luận để “góp vui” chứ chưa hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề. Họ không biết rằng thái độ của cha mẹ trong chuyện này có thể hình thành nên tính cách của trẻ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của bé sau này.

Nhiều kênh truyền thông của Trung Quốc từng đưa tin một số trường hợp bắt nạt học đường xảy ra. Trong đó có vụ một nữ sinh trường cấp hai ở tỉnh Hồ Bắc bị bạn tát liên tục 20 cái. Khi bị bạn tác động vật lý, nữ sinh này mặt đỏ bừng, vẻ mặt đờ đẫn và không dám động đậy. Tuy nhiên, nhân viên phòng giáo dục địa phương cho biết đây chỉ là trò đùa giữa các bạn cùng lớp.

Cháu gái đi học bị bạn bè bắt nạt, giáo sư tâm lý học khuyên đối phó bằng 1 hành động: Gia đình nào cũng nên học hỏi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Trong một vụ bắt nạt học đường ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, một nữ sinh bị buộc phải quỳ xuống và bị các bạn khác tác động bằng gậy. Thậm chí, em còn bị buộc phải cởi bỏ quần áo. Sự việc này đã réo lên hồi chuông cảnh báo về tính nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường trong môi trường giáo dục, đòi hỏi những hành động quyết liệt từ phía nhà trường, phụ huynh và xã hội để ngăn chặn kịp thời thực trạng đáng buồn này.

Bàn về vấn đề trên, trong chương trình “Let's Talk”, Giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia về tâm lý học tội phạm tại Đại học Công an Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện của cháu gái bà và gợi ý cách giải quyết vấn đề.

Theo đó, khi cháu gái của giáo sư Lý đi học mẫu giáo, trong vòng một tháng, cô bé đã bị một bạn học trong lớp xô ngã nhiều lần, khiến đầu đập vào vật cứng và sưng tấy. Lúc đó, giáo sư Lý khuyên cháu gái của mình rằng: “Nếu lần sau xảy ra tình huống tương tự, cháu hãy nắm chặt lấy tai của cậu bé đó. Nếu bạn ấy không bỏ cháu ra thì hãy dùng sức véo tai thật mạnh. Khi cậu ấy bị đau sẽ phải bỏ cháu ra.”

Cháu gái đi học bị bạn bè bắt nạt, giáo sư tâm lý học khuyên đối phó bằng 1 hành động: Gia đình nào cũng nên học hỏi- Ảnh 2.

Giáo sư Lý Mai Cẩn

Giáo sư Lý Mai Cẩn giải thích: Những đứa trẻ rụt rè và yếu đuối rất dễ bị bạn cùng lớp bắt nạt. Hầu hết những kẻ bắt nạt muốn cảm thấy mình mạnh mẽ, vì vậy họ thường chọn những đứa trẻ yếu hơn vì dễ thao túng. Nạn nhân càng im lặng, không dám phản kháng thì những đứa trẻ nghịch ngợm sẽ tiếp tục tái diễn hành động của mình.

Bên cạnh cách đối phó tạm thời trên, giáo sư Lý còn khuyên các bậc phụ huynh nên phải trang bị cho con em của mình những hành trang vững chắc để bảo vệ con trước nạn bạo lực học đường. Mọi người có thể tham khảo 3 điều dưới đây:

1. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất 

Theo Giáo sư Lý Mai Cẩn, cách để trẻ không bị bắt nạt và tự bảo vệ chính mình là cha mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thể lực, vóc dáng. Giáo sư cho rằng trẻ dù là con trai hay con gái đều có thể cho trẻ tham gia một số hoạt động thể chất như chạy bộ, kickboxing,... Điều này không chỉ giúp tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn có thể rèn luyện sức mạnh nội lực trong trẻ. Từ đó những kẻ bắt nạt không dám đến gần trẻ.

"Trẻ em phải vận động thể chất, có thể thao thì mới có sức mạnh bùng nổ, có sức mạnh bùng nổ thì sẽ không dễ bị bắt nạt. Những đứa trẻ không bao giờ vận động, thể chất yếu ớt sẽ dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt nhất", giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ.

2. Dặn trẻ kết bạn nhiều hơn

Không chỉ những những đứa trẻ nhút nhát, những đứa trẻ bị cô lập thường là mục tiêu của những kẻ bắt nạt. Một khảo sát đối với 208 người từng bị bắt nạt cho thấy 72% trong số họ đã thoát khỏi sự bắt nạt trong vòng hai năm. Lý do là họ có thêm nhiều bạn mới.

Cháu gái đi học bị bạn bè bắt nạt, giáo sư tâm lý học khuyên đối phó bằng 1 hành động: Gia đình nào cũng nên học hỏi- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Việc kết bạn không chỉ giúp trẻ có thêm bạn bè mà còn có thể hỗ trợ trẻ trong những trường hợp cần thiết như khi bị bắt nạt. Thông thường, kẻ bắt nạt sẽ ỷ mạnh để bắt nạt kẻ yếu hơn, tuy nhiên nếu trẻ có thêm bạn bè, đối phương sẽ có thể từ bỏ ý định đó.

3. Dạy trẻ cách nói "không" và phản kháng

Trong cuộc sống, có những trường hợp chúng ta phải biết nói không và cha mẹ nên dạy trẻ nhận biết điều đó. Từ đó, trẻ sẽ học được cách thể hiện rõ lập trường của bản thân. Thậm chí ngay cả khi trẻ bị bắt nạt, chúng vẫn biết cách thể hiện khí thế, lòng dũng cảm và kiên quyết chống trả để đối phương biết rằng mình không dễ bị bắt nạt. Có như vậy mới tránh được việc bị bắt nạt xảy ra thường xuyên.

(Theo Sina)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại