Châu Âu ‘nín thở trong hỏa ngục’

Thế Tuấn |

Các cơ quan dự báo thời tiết đều đã sai khi cho rằng nắng nóng sẽ chấm dứt vào tuần đầu tháng 8, nhất là ở châu Âu. Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mọi quy luật, khiến hàng loạt quốc gia phải “báo động đỏ”. Một mùa hè thật khó khăn khi người châu Âu phải “sống trong hỏa ngục”. Thông tin từ trang UN News của Liên hợp quốc, mùa hè năm nay châu Âu sẽ đi vào lịch sử khi mặt đất “bốc cháy”, cùng với làn sóng Covid-19 quay trở lại và dịch bệnh đậu mùa khỉ cùng một lúc tấn công.

Tuy nhiên, không chỉ có châu Âu nắng cháy. Ngày 4/8, thành phố Boston (Mỹ) ghi nhận mức nhiệt 37,7 độ C, cao nhất trong vòng 89 năm. Còn tại Trung Quốc, hơn 900 triệu dân, đặc biệt người dân sống ở lưu vực sông Dương Tử, phải chịu đựng nắng nóng bất thường.

Nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu đã phải chịu cái nóng kéo dài với nền nhiệt có khi lên tới 44 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1873. Cuối tuần qua, Chiết Giang và Phúc Kiến ghi nhận mức nhiệt trên 41 độ C, cao nhất từ trước tới nay tại 2 tỉnh miền đông này. Trong khi đó, 71 trạm thời tiết quốc gia trên cả nước Trung Quốc đều ghi nhận các mức nhiệt phá mọi kỷ lục.

Còn tại Nhật Bản, người dân Tokyo đã phải chịu đựng cái nóng 35 độ C, cao nhất kể từ năm 1875, theo đài NHK.

Châu Âu ‘nín thở trong hỏa ngục’ - Ảnh 1.

Nắng nóng như đổ lửa kéo dài, nhiều cánh rừng ở châu Âu có thể bốc cháy.


Không phải mùa hè mà là hỏa ngục

Nhưng, châu Âu vẫn "khủng khiếp nhất". Đợt nắng nóng ở châu Âu "không phải là mùa hè mà là hỏa ngục và sẽ sớm thành dấu chấm hết cho loài người nếu chúng ta không hành động chống biến đổi khí hậu"- Thượng nghị sĩ Pháp Melanie Vogel viết trên Twitter

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối tháng 7, đã có hơn 1.700 người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chết do nguyên nhân trực tiếp từ nắng nóng. Nắng nóng còn gián tiếp gây ra những sự cố thương tâm, như việc 13 người Anh chết đuối khi ngâm mình trong nước để làm mát.

Cơ sở hạ tầng chịu tác động nặng do nắng nóng, đặc biệt ở những nước châu Âu, bởi kiến trúc khu vực này chỉ chịu được trong thời tiết lạnh. Tại Anh, sức nóng làm đường tàu biến dạng hoặc cháy, đường băng chảy nhựa.

Một hệ lụy nguy hiểm nữa là cháy rừng. Theo hệ thống thông tin về cháy rừng châu Âu (EFFIS), 19 nước trong khu vực ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm do cháy rừng, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hy Lạp.

"Nắng nóng có lẽ là dạng thảm họa tiềm tàng bị đánh giá thấp nhiều nhất. Nó gây ra cái chết cho rất nhiều người nhưng không phải kiểu chết hàng loạt đáng sợ, do đó chúng ta trở nên lơ là" - Tiến sĩ Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học London (Anh), lý giải.

Ông Swain cũng cho rằng, châu Âu đang nín thở chờ đợi một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện, trong bối cảnh một đợt nắng nóng chưa từng thấy biến nhiều khu vực ở châu lục thành "chảo lửa", làm tăng nhu cầu sử dụng điện để làm mát của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

"Bảng điện tử trên một chiếc xe buýt ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hiển thị nhiệt độ ngoài trời lên đến 49 độ C vào ngày 4/8 khiến ai nấy cùng khiếp sợ. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì chuyện gì cũng có thể xảy ra"- ông Swain nói.

Nhiệt độ tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện để chạy điều hòa và các thiết bị làm mát. Enagas, nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha cho hay, nhu cầu khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ở nước này đã đạt mức kỷ lục "so với bất kỳ giai đoạn nào".

Financial Times dẫn một dự thảo nghị quyết của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khối này sẽ yêu cầu các nước thành viên ngay lập tức cắt giảm tiêu thụ khí đốt để tránh kịch bản thiếu nhiên liệu tồi tệ vào mùa đông. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng yêu cầu này sẽ khó được thực hiện nếu châu Âu tiếp tục hứng chịu nắng nóng và nhiệt độ cao, khiến người dân vốn quen với khí hậu ôn đới không thể thích nghi ngay lập tức.

Đợt nắng nóng kéo dài đã giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực tiết kiệm năng lượng của châu Âu. Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế, lưu ý, châu Âu vẫn có thể "sống sót" qua mùa hè này nhưng rất có thể tình hình sẽ còn lặp lại do thời tiết ngày một cực đoan hơn.

Nắng nóng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế

Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện, nhiệt độ 25 độ C giúp cho người ta làm việc với nhịp độ bình thường, nhưng nếu mức nhiệt lên đến hơn 40 độ C như tại châu Âu thì vấn đề rất khác. Nắng nóng khủng khiếp không chỉ đe dọa sức khỏe người dân và môi trường, gây thiệt hại lớn về con người, mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), trong khi thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn gây ra được công bố rõ ràng và các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng định lượng chính xác, thì việc đánh giá thiệt hại của các đợt nắng nóng lại chỉ có thể được thống kê đầy đủ thông qua những con số mất mát về người.

Thiệt hại về kinh tế do nắng nóng gây ra là rất lớn, nhưng lại khó đong đếm và thường thông qua các chỉ số gián tiếp như sản lượng, năng suất, hoặc là những chi phí vô hình như ảnh hưởng về sức khỏe và thể chất.

Tại Pháp, theo một nghiên cứu do Cơ quan Y tế công cộng quốc gia (SPF), nắng nóng tác động xấu tới thể trạng sức khỏe con người cùng đó còn dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Nhiệt độ tăng cao khiến người ta buộc phải hạn chế một số hoạt động đi lại, dẫn đến giảm giờ lao động cũng như năng suất lao động.

Theo ILO, với châu Âu, nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30 độ C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 đến 40%. Ở 33-34 độ C, một công nhân trung bình mất 50% khả năng lao động. Khi nhiệt độ của hàn thử biểu càng tăng, thì năng suất lao động càng giảm, kéo theo chỉ số kinh tế sa sút. ILO ước tính đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian. Cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng "bốc hơi" 2.400 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Đây thực sự là một mức tăng đáng kể so với con số 208 tỷ USD thiệt hại do nắng nóng được đánh giá vào năm 1995.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho biết, các đợt nắng nóng ở châu Âu đã khiến năng suất lao động giảm, tước đi của nền kinh tế châu Âu ước 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 72 tỷ euro, thậm chí có thể làm giảm khoảng 2% GDP quốc gia.

Vốn nhạy cảm với khí hậu, ngành nông nghiệp cũng bị đe dọa bởi những đợt nắng nóng hiện nay. Ngay cả khi nhiệt độ cao trong thời gian ngắn không ảnh hưởng đến cây trồng, thì tình trạng nắng nóng cũng vẫn làm cho đất khô cằn, hạn hán, tác động đến sản lượng nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực.

Tại Pháp, đợt nắng nóng được dự tính sản lượng ngô giảm 9% và sản lượng lúa mỳ giảm 10%. Khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với các đợt nắng nóng, và có lẽ đối với các hiện tượng khí hậu đặc biệt, vẫn còn là một thách thức lớn.

Tương tự, nông dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... cũng đang phải trải qua những ngày hè dữ dội, khi mà trong nhiều ngày không thể ra đồng. Gia súc phải nhốt trong những khu chuồng trại phủ kín và phải bố trí hệ thống quạt gió chạy tới 14 giờ mỗi ngày.

Cũng ít ai ngờ rằng, nắng nóng khiến lượng tiêu thụ thực phẩm ở châu Âu giảm sút. Người dân ít tới các cửa hàng để mua thực phẩm, thay vào đó là uống nhiều nước hơn. Tính chung các cửa hàng ở Milan (Italy), trong 3 ngày đầu tháng 8, lượng thực phẩm bán ra đã giảm 16%.

Chuyên gia công nghệ người Mỹ Mark Lewis lấy hình tượng "con ếch trong nước sôi" để ví với loài người trước "cái chết từ từ" của Trái đất. "Bạn cho một con ếch vào nước sôi, nó sẽ nhảy ra ngay lập tức để không bị bỏng. Nhưng nếu bạn cho con ếch vào nước ấm và từ từ tăng nhiệt độ nước, nó sẽ không cảm thấy nguy hiểm và bị nấu chín. Cũng giống như con ếch, chúng ta cần nhận ra rằng có thể sẽ không có thời điểm nước sôi trước khi mọi thứ trở nên quá muộn" - ông Lewis nói.

Biểu nhiệt độ khiến những hình dung về châu Âu trong quá khứ trở nên kỳ lạ. "Nhiệt độ cao, gió mạnh góp phần thổi bùng ngọn lửa thiêu đốt châu Âu trong khi còn hơn 1 tháng nữa mùa hè mới chia tay châu lục này. Sóng nhiệt ở châu Âu đang gia tăng về tần suất và cường độ với tốc độ nhanh hơn hầu hết khu vực khác trên Trái đất" - Tiến sĩ Levis nói.

"Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra" - bà Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol, cho hay. Trong khi đó, theo Ủy ban châu Âu, với xu hướng hiện tại và nếu khả năng thích ứng ở châu Âu không được cải thiện, số người chết hàng năm liên quan nắng nóng tại các quốc gia EU có thể tăng từ mức 2.700 người/năm lên 30.000 - 50.000 người vào năm 2050.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại