Các tàu hải quân Úc và Mỹ trên biển Đông trong tháng 4. Ảnh: Reuters
Theo Tạp chí Nikkei Asian Review, cả 3 quốc châu Âu vừa nêu đã gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, khẳng định các tuyên bố chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc ở biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đồng thời, "nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc ngày 12-7-2016 xác nhận rõ ràng điểm này".
Công hàm nhấn mạnh: "Không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để các nước lục địa nhìn nhận quần đảo và cấu trúc ở biển như một thực thể thống nhất".
Công hàm cũng nêu rõ: "Lập trường này được tái khẳng định mà không ảnh hưởng đến các tuyên bố của các quốc gia ven biển có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể đất liền được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở biển Đông. Mọi tuyên bố biển trên biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình theo đúng những nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS".
Máy bay trực thăng của Hải quân Hoàng gia Anh bay cùng tàu khu trục phòng không HMS Defender ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Các quốc gia châu Âu từ lâu vẫn hạn chế thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, do mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng như khoảng cách xa về mặt địa lý đối với vùng biển này.
Tuy nhiên gần đây, họ bắt đầu gia tăng sức ép không chỉ với vấn đề biển Đông, mà còn nhiều vấn đề khác như mức độ minh bạch của Bắc Kinh trong ứng phó dịch Covid-19 hay luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Vào tháng 5, Indonesia gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Indonesia khẳng định bản đồ "đường 9 đoạn" Trung Quốc dùng cho yêu sách chủ quyền ở biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.
Tiếp đến vào tháng 7, Úc gửi công hàm lên LHQ, bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Theo Nikkei Asian Review, Úc và Mỹ đều không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhưng đều gửi công hàm phản đối lập trường của Bắc Kinh tại vùng biển.
Trong tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai nhận định những tuyên bố của Bắc Kinh ở biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật". Ông Joe Biden thời gian qua cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng đồng minh và đối tác trên phương diện an ninh để đối phó thách thức từ Trung Quốc.
Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) công khai kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông.
Theo Awani Irewati, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, việc các nước ngày một quan ngại về Trung Quốc có thể ngăn cản Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này, với tham vọng xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên Á - Âu với Bắc Kinh giữ vị trí trung tâm.
Chuyên gia Irewati đánh giá việc nhiều nước không có tranh chấp biển với Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ sẽ kiềm chế Trung Quốc hiệu quả hơn cả sức ép quân sự từ Mỹ.
Trong khi đó, tờ Global Times hôm 1-12 đưa ra bài xã luận cảnh báo các tàu chiến của Úc tuần tra ở biển Đông sẽ có nguy cơ bị tấn công. Bài xã luận có đoạn: "Úc nên kiềm chế sự kiêu ngạo của mình. Nhất là các tàu chiến Úc không nên tiếp cận các vùng ven biển của Trung Quốc để phô diễn sức mạnh quân sự, nếu không thì sẽ nuốt phải viên thuốc đắng".
Bài xã luận còn chỉ trích Thủ tướng Úc Scott Morrison bỏ qua quy tắc ngoại giao liên quan đến vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải trên trang Twitter của mình bức ảnh giả mạo dàn dựng cảnh một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Úc cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan.