Trung Quốc muốn đặt luật chơi
"Các bạn, châu Á - Thái Bình Dương là ngôi nhà chung của chúng ta", ông Tập Cận Bình phát biểu hôm thứ Năm tuần trước tại hội nghị kinh tế APEC.
Đầu năm 2017, ông Tập từng nói: "Chúng tôi hoan nghênh hợp tác với mọi khu vực, hay nước khác muốn hợp tác", thể hiện vai trò toàn cầu khi ông phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, hồi tháng 1/2017.
Trong một động thái dường như nhắm vào Mỹ, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, "chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và bắt nạt cũng như chống lại toàn cầu hóa kinh tế đã tạo ra thêm nguy hiểm và bất ổn trong kinh tế thế giới".
Bài phát biểu của ông Tập ở diễn đàn APEC tuần trước càng nhấn mạnh thêm sự sẵn sàng của Bắc Kinh để thế vào khoảng trống về kinh tế mà Mỹ để lại.
Hôm thứ Sáu, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc tích cực xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định dưới thời Tổng thống Trump.
Công ty nghiên cứu Eurasia Group gọi CPTPP là hiệp định thương mại tham vọng hơn (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) RCEP và vẫn là mục tiêu dài hạn mà Trung Quốc muốn tham gia sớm.
CPTPP đưa ra các rào cản thấp hơn trong một số các lĩnh vực như thông tin và cũng nghiêm cấm đối xử ưu tiên với các công ty nhà nước.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được dự đoán sẽ tiếp tục căng thẳng dưới thời của người kế nhiệm Tổng thống Trump, Bắc Kinh muốn chắc chắn rằng, nước này, chứ không phải Washington sẽ giành lấy vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập quy tắc cho thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng
Trong khi kêu gọi một mặt trận thống nhất chống lại các hành vi của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định TPP và thiên về các chính sách bảo hộ.
Quan điểm này không được sự tán đồng từ các đồng minh và đối tác châu Á.
"Thái độ của chính quyền Tổng thống Trump là mệnh đề thắng - thua: Nếu tôi có thặng dư thương mại với bạn, điều đó tốt cho tôi. Nếu tôi có thâm hụt thương mại với bạn, điều đó tồi tệ", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói tại một phiên thảo luận ở APEC.
"Và thương mại không giống như thế. Thương mại là cùng thắng. Tôi có thể có thặng dư thương mại với bạn, tôi có thâm hụt thương mại với một người khác nhưng điều này không vấn đề gì khi cân bằng về tổng thể", ông Lý Hiển Long nói thêm.
Nhật rất kỳ vọng Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP dưới thời ông Biden. Nhưng với Thượng viện với đảng Cộng hòa nhiều khả năng chiếm đa số, điều này sẽ vô cùng khó khăn.
Thủ tướng Singapore cho biết, ông không chắc chắn liệu Mỹ có hào hứng với việc gia nhập CPTPP hay không bởi vì điều đó phụ thuộc vào chính trị nội bộ.
Eurasia Group lưu ý rằng, nếu Trung Quốc nghiêm túc về việc gia nhập TPP, có thể Washington sẽ cân nhắc ý định tìm cách gia nhập lại hiệp định mặc dù điều này vẫn còn là một bước dài trong bối cảnh phe dân túy phản đối các hiệp định thương mại đa phương.
Trung Quốc hiện đứng ngang hàng với Mỹ với tư cách là một điểm đến xuất khẩu. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc từ 18 thành viên APEC khác ngoài Mỹ và Papua New Guinea, đạt 1,07 nghìn tỷ USD vào năm 2019, tương đương 90% của Mỹ.
Sự hiện diện của Trung Quốc tăng nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chương trình kích cầu trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (585 tỷ USD) của chính phủ vào thời điểm đó đã kích thích nhu cầu trong nước, dẫn đến nhập khẩu tăng vọt.
Trong khi đó, Trung Quốc không ngại sử dụng lợi thế của mình trong thương mại để gây áp lực với các nước khác. Một thập kỷ trước, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật do liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.
Hiện nay, việc trừng phạt Australia bằng các biện pháp kinh tế sau khi 2 nước có các tranh cãi về việc điều tra nguồn gốc của virus Corona.
"Thỏa thuận đáng lưu ý tiếp theo là các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc", Eurasia Group dự báo. Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản và giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm đình trệ tiến trình, nhưng cả 3 nước đều tham gia RCEP.
Các thỏa thuận thương mại sẽ đưa Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và khiến Mỹ khó có thể tạo sức ép với Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm thương mại với Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm như chất bán dẫn và công cụ sản xuất chip, Eurasia Group lý giải.