Thành tích đối nội và đối ngoại của Tổng thống Trump
Chỉ cách đây vài ngày, những người bạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nói với ông một cách chân thành rằng, xét trên mọi phương diện, ông đã có một kết quả bầu cử khá tốt.
Ông Trump đạt tỉ lệ tín nhiệm lớn hơn nhiều so với kết quả các cuộc khảo sát và với chính tỉ lệ tín nhiệm của ông trong cuộc bầu cử 4 năm trước. Ông đã giành được sự ủng hộ từ các cộng đồng thiểu số.
Tổng thống Trump đã hoàn thành mục tiêu này một cách ấn tượng mà không cần nhượng bộ trong vấn đề nhập cư, không có chiến dịch ca ngợi cộng đồng La tinh và không cần lôi kéo các nhà hoạt động dân tộc chuyên nghiệp. Coi cộng đồng Latinh như những cử tri trung thành tiềm năng, quan tâm đến cải thiện kinh tế, kiểm soát biên giới và luật pháp và trật tự, dường như đều là chiến thuật rất phù hợp.
Và nước Mỹ hiện tại có thể chưa nhận ra điều này, nhưng đến một ngày mọi người đều sẽ biết: Chính chiến dịch Operation Warp Speed của ông Trump đã mang đến sự ra đời của hai loại vaccine COVID-19 cộng dụng rất hiệu quả, sớm hơn nhiều tháng so với dự báo của các chuyên gia y tế.
Tất nhiên, chính các nhà khoa học và cơ sở hạ tầng của nước Mỹ đã hiện thực hóa mục tiêu này, nhưng chính người đứng đầu Nhà Trắng mới là "người hùng" đánh bay các trở ngại và đảm bảo nguồn tài chính cần thiết. Đây chính xác là kĩ năng mà ông Trump thành thục trong sự nghiệp phát triển bất động sản, tìm mọi cách vượt qua các trở ngại nhanh nhất có thể. Liệu các tổng thống khác có làm như vậy? Có thể, nhưng ông Trump đã làm điều này – làm chính xác những gì ông đã nói. Trong các điều kiện bình thường, chúng ta sẽ không thể phủ nhận công lao của ông Trump và chính ông cũng tuyên bố như vậy.
Thành tích chính sách đối ngoại của chính quyền Trump khá đa chiều. Ông không phát động cuộc chiến mới nào và tạo ra ảnh hưởng lớn với nghị sĩ GOP trong cách đánh giá vấn đề chiến tranh và hòa bình. Đây là một thành tựu lịch sử.
Người ta có thể tranh luận về những đóng góp của Tổng thống Trump đối với nền kinh tế bùng nổ trước khi dịch COVID xảy ra, nhưng chắc chắn ông không làm gì gây tổn hại cho kinh tế cả. Về đại dịch COVID-19, nước Mỹ đang lâm vào tình trạng tồi tệ giống như tất cả các nền dân chủ lớn khác ở phương Tây. Ví dụ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không giúp đất nước tránh được những thiệt hại to lớn do dịch bệnh.
Về cơ bản, người đứng đầu Nhà Trắng đã trao quyền quyết định quan trọng cho các thống đốc của Đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể không phải là chính sách hiệu quả nhất, nhưng nó rất phù hợp với các đặc điểm của văn hóa chính trị Mỹ.
Rốt cuộc, việc đập tan những dự báo của các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử và sức mạnh ngoài dự kiến của ông tại các khu vực bầu cử mới ủng hộ GOP đã đánh tan mọi quan điểm rằng bất kỳ ai muốn sớm thành công trong đảng Cộng hòa (GOP) cần cự tuyệt "Chủ nghĩa Trump". Mặc dù đã nhiều tuổi nhưng không khó để tưởng tượng khả năng ông Trump sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Trở thành kẻ thua cuộc đầy tai tiếng?
Tuy nhiên nếu những nỗ lực phủ nhận thua cuộc của Tổng thống Trump vẫn tiếp diễn thì những giả định trên sẽ nhanh chóng mất đi. Không thể đánh giá một cách công bằng kết quả bầu cử của ông Trump mà không lưu ý rằng hầu hết phương tiện truyền thông và tầng lớp chính trị của Mỹ đã từng phủ nhận tính hợp pháp của chiến thắng của ông cách đây 4 năm thông qua cáo buộc chiến thắng của ông là nhờ có sự can thiệp của Nga.
Mặc dù người đứng đầu Nhà Trắng cuối cùng đã vượt qua cáo buộc này, nhưng nó vẫn luôn là một nỗi đau âm ỉ. Những nỗ lực to lớn của phe Dân chủ nhằm phản đối chiến thắng của ông Trump 4 năm trước là không công bằng đối với ông.
Nhưng việc trở thành một kẻ thua cuộc sít sao sẽ phá hỏng các kế hoạch hậu tổng thống của ông Trump. Cho đến nay, không có bằng chứng nào chứng minh những gian dối trong kết quả bầu cử, nhưng việc bỏ phiếu qua thư chắc chắn làm tăng khả năng gian lận kết quả.
Đối với nhiều người ủng hộ ông Trump, những giả thuyết của luật sư Rudy Giuliani về một âm mưu gian lận quy mô lớn liên quan đến cả tổng thống Venezuela Hugo Chavez và tỉ phú George Soros đơn giản là không có tính thuyết phục.
Việc đương kim tổng thống đến hiện tại vẫn không chịu thừa nhận chiến thắng của ông Biden đã làm mất đi sự ủng hộ bấy lâu nay của MC danh tiếng kênh truyền hình Fox News Tucker Carlson.
Vào tối thứ Năm, ông Carlson nhấn mạnh việc bà Sidney Powell, một luật sư chủ chốt trong nhóm pháp lý của ông Giuliani, đã từ chối đưa ra bằng chứng thực tế hoặc chỉ ra chỗ có thể tìm thấy các bằng chứng này.
Vì Carlson là nhân vật truyền thông quan trọng nhất trong giới bảo thủ của nước Mỹ, đồng thời là bạn lâu năm và người ủng hộ ông Trump hết lòng, diễn biến này thực sự là một "cú đánh mạnh" cho ông Trump. Ông Mark Krikorian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, tổ chức tư vấn nhập cư quan trọng nhất trong giới bảo thủ vốn ủng hộ Tổng thống Trump, đã kêu gọi người đứng đầu Nhà Trắng cần phải kiềm chế luật sư cá nhân Giuliani.
Ông Jonathan Turley, một trong những giáo sư luật hiến pháp được kính trọng nhất và là người ủng hộ ông Trump trên các phương tiện truyền thông, đã đăng bài trên Twitter hôm thứ Năm, dội gáo nước lạnh vào những tuyên bố kỳ quặc của ông Giuliani và bà Sidney Powell. Danh sách những nhân vật đáng chú ý rời bỏ phe ông Trump, những cử tri độc lập ủng hộ ông vì các chính sách ông áp dụng, đang tăng lên từng giờ.
Tổng thống Trump sẽ không thể giành chiến thắng bằng cách thuyết phục các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa ở các bang đưa ra tuyên bố chưa từng có trong lịch sử nhằm vô hiệu hóa các lá phiếu của bang đó. Nếu ông làm vậy, ông sẽ mất quyền điều hành đất nước. Nhưng nếu tiếp tục từ chối nhận thua, ông sẽ đánh mất tương lai một thời kỳ hậu tổng thống đầy hứa hẹn. Không việc gì xấu hổ khi thua cuộc giữa một đại dịch chưa từng có trong lịch sử, nhưng ông sẽ trở thành một kẻ thua cuộc đầy tai tiếng nếu không chịu thay đổi.