Châu Âu cắt đứt bầu sữa ngoại 300 tỷ euro của Nga

Hoàng Đức |

Giá trị số tài khoản và tài sản của Nga ở nước ngoài bị các nước Liên minh châu Âu đóng băng đã lên đến con số khổng lồ khoảng 300 tỷ euro.

Tờ báo Soir của Bỉ đưa tin, dẫn nguồn từ Bộ Tài chính nước này cho biết, Brussels đã nhận được khoản thu nhập “như trên trời rơi xuống” nhờ thuế đánh vào lãi suất với các tài sản Nga bị đóng băng do lệnh trừng phạt, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo ấn phẩm cho biết, trong lần kiểm soát ngân sách gần đây nhất, chính quyền Brussels “ngỡ ngàng” khi thu hoạch khoản lợi tức bất ngờ là 625 triệu euro (gần 700 triệu USD) nhận được do phần trăm tiền lãi thuế từ các tài khoản và tài sản của Nga bị đóng băng ở nước này.

Soir giải thích, cơ cấu lưu ký quốc tế Euroclear đang hoạt động trên lãnh thổ Bỉ, các khoản thanh toán trên phiếu giảm giá và trái phiếu đang đáo hạn sẽ làm tăng lượng tiền trong cơ cấu tài chính này.

Ngoài ra, Euroclear không chỉ đơn thuần lưu giữ tiền mà còn tham gia đầu tư. Chẳng hạn, chỉ trong năm ngoái các nước châu Âu đã kiếm được một khoản tiền lãi từ cơ cấu này là 821 triệu euro.

Theo giới tài chính, số tiền này sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong năm nay nhưng chậm hơn.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Bỉ, Brussels là nước đứng đầu châu Âu về chỉ số đóng băng tài sản của Nga. Theo thông báo chính thức, đã có tới 250 tỷ euro tài sản của Nga bị chính quyền nước này phong tỏa.

“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã đóng băng 191,9 tỷ euro giao dịch tài chính và 58,7 tỷ euro từ tài sản” - ông Alexandre de Geest - Tổng Quản lý Kho bạc của Bỉ nói với báo Soir.

Ngoài ra, các nước châu Âu khác cũng đã đóng băng khoảng gần 50 tỷ euro tài sản của Nga, nâng tổng số tài sản của Nga bị Liên minh châu Âu đóng băng lên con số 300 tỷ euro.

Theo số liệu tính đến hết năm 2022, Ý đã đóng băng tài sản của Nga và Belarus trị giá 2,3 tỷ euro, Đức - 2,2 tỷ euro, Áo - gần 1,8 tỷ euro, Hungary 870 triệu euro, Bulgaria - 11,3 triệu euro, Cộng hòa Séc - 10,8 triệu euro và Slovakia - 4,9 triệu euro.

Như ông De Geest cho biết, các ngân hàng đang làm rất tốt việc xác định và đóng băng các tài sản của Nga, bởi đã có kinh nghiệm tương tự trước đây với tài sản của các cá nhân và tổ chức trong diện bị trừng phạt từ Iran, Triều Tiên, đến Libya và Syria.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, tổng số tiền bị đóng băng của 4 nước đó ít hơn nhiều so với Nga. Tổng giá trị tài sản bị đóng băng của tất cả các nước này ước tính vào khoảng 17 tỷ euro, trong khi giá trị tài sản của Moscow bị phong tỏa lên tới 250 tỷ euro.

Vị quan chức Bỉ phàn nàn rằng, lẽ ra con số thu được phải lớn hơn nhiều bởi một số đại diện doanh nghiệp Nga đã kịp thời chuyển tài sản của họ cho người thân để tránh bị phong tỏa, sau khi giới truyền thông đưa tin về các cuộc họp của EU liên quan đến trừng phạt Nga vì cuộc xung đột với Ukraine.

Bộ Tài chính Bỉ cũng đã kịp thời rà soát và thông báo điều này với Ủy ban Châu Âu (EC), để EC đã bổ sung thêm các họ tên và tổ chức mới vào danh sách cần phong tỏa tiếp theo.

Trả lời câu hỏi về khả năng chuyển các khoản tiền bị đóng băng cho Ukraine – nước bị thiệt hại nặng do cuộc xung đột với Nga, ông lưu ý rằng, Hiến pháp Bỉ và các hiệp ước châu Âu đang bảo vệ các tài sản bị đóng băng này.

Để đưa ra quyết định chuyển số tiền bị phong tỏa của một nước cho một nước khác là điều không hề đơn giản, bởi nó chưa có trong các quy định của Liên minh châu Âu. Do đó, để làm được điều này, cần phải có những “động thái chuẩn mực pháp lý của các cơ cấu lãnh đạo EU”.

Đáp lại, giới chức Moscow đã gọi việc đóng băng các tài sản của Nga ở châu Âu là “hành vi trộm cắp cấp quốc gia” và điều này diễn ra từ lâu.

Kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014 đến nay, EU đã đưa ra nhiều quyết định bất hợp pháp và không có cơ sở để đóng băng tài sản của các công dân và công ty Nga, giờ đây họ lại tiếp tục nhắm đến các khoản tiền công quỹ quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại