Châu Âu 'càng cai càng nghiện' khí đốt của Nga

Khánh Minh |

Trong tháng 2/2024, Liên minh Châu Âu đã mua gần một nửa tổng lượng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Nga.

Châu Âu 'càng cai càng nghiện' khí đốt của Nga- Ảnh 1.

Liên minh Châu Âu đã thay thế việc nhập khẩu khí đốt của Nga bằng một dạng khác. Thay vì nhận khí đốt qua đường ống từ Nga ở phía Đông, châu Âu hiện đang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga nhập khẩu tại các cảng ở phía Tây.

EU đã chứng kiến lượng nhập khẩu LNG từ Nga tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột của Nga với Ukraine xảy ra và sự sụt giảm đáng kể lưu lượng khí đường ống từ Nga vào năm 2022.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), mặc dù khối lượng LNG không nhiều bằng lượng khí đốt qua đường ống từ Nga tới châu Âu trước cuộc xung đột, nhưng EU là nhà mua LNG lớn nhất của Nga. EU đã mua gần một nửa tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga vào tháng 2/2024, trong khi Trung Quốc xếp thứ hai, với sức mua chiếm 21% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga.

Một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy, hơn 1/10 lượng khí đốt Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới EU đã được thay thế bằng LNG của Nga nhập khẩu thông qua các cảng ở Tây Âu, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.

Sự thay đổi trong dòng khí đốt của Nga cho thấy trong khi nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đã chậm lại – và có thể giảm hơn nữa khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine kết thúc vào cuối năm 2024 – LNG từ Nga đang thay thế ít nhất một phần khí đốt thông qua đường ống xuất khẩu đã bị mất ở Moscow.

Điều này cũng cho thấy rằng hiện tại, châu Âu không đủ khả năng để loại bỏ khí đốt của Nga, ít nhất là cho đến khi nước này có thể đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng và khí đốt để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác

Thực tế là cả khí qua đường ống lẫn LNG của Nga đều không bị cấm vận sau hai năm kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho thấy sự bất ổn của EU khi mất đi bất kỳ nguồn cung cấp khí đốt nào.

EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027.

Các quan chức EU đã kêu gọi hành động phối hợp nhằm giảm nhập khẩu LNG của Nga và không một quốc gia thành viên nào có động thái cấm điều trên.

Nhập khẩu LNG tăng vọt

Xuất khẩu LNG của Nga vào EU đã tăng vọt trong hai năm qua kể từ khi Nga cắt bỏ đường ống khí đốt của một số nước EU vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, cũng như đợt tháng 9 cùng năm trong vụ nổ đường ống Nord Stream.

Dựa theo ước tính của công ty phân tích dữ liệu Kpler được Reuters trích dẫn, các cảng EU đã nhập khẩu 15,6 triệu tấn LNG của Nga vào năm ngoái. Con số này nhỉnh hơn chút so với năm 2022 nhưng tăng 37,7% so với năm 2021 trước khi xảy ra chiến tranh xung đột giữa Nga-Ukraine.

Trong khi việc nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống giảm xuống dưới 9% từ mức trên 35% trước đó, thì việc nhập khẩu LNG của Nga đã tăng lên khoảng 15%, theo số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters.

Châu Âu 'càng cai càng nghiện' khí đốt của Nga- Ảnh 2.

Các nguồn cung cấp LNG cho Liên minh Châu Âu trong năm 2023.

Từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 11%, trong đó nguồn cung sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi và sang Bỉ tăng gấp ba, theo dữ liệu do Viện Phân tích Tài chính & Kinh tế Năng lượng (IEEFA) tổng hợp.

Dữ liệu từ Kpler cho thấy, các cảng châu Âu nhập khẩu lượng LNG của Nga lớn nhất từ năm 2021 đến 2023 lần lượt là Zeebrugge ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp, Bilbao ở Tây Ban Nha, Gate ở Hà Lan, Dunkerque ở Pháp và Mugardos ở Tây Ban Nha.

Theo phân tích của CREA dựa trên dữ liệu tháng 2/2024 về xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, phần lớn trong các thương vụ nhập khẩu của Nga, đặc biệt ở Bỉ, đều sẽ được tái nhập khẩu sang Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Cũng theo CREA, “Trong khi tổng lượng nhập khẩu LNG của Bỉ trong tháng 2 chỉ tăng 4% thì lượng nhập khẩu từ Nga lại tăng đến 44%. Đồng thời, việc tái xuất khẩu LNG của Bỉ đã tăng tới 81% - một phần đáng kể trong số đó được chuyển đến Tây Ban Nha và Trung Quốc - cho thấy vai trò của nước này trong việc vận chuyển khí đốt của Nga trên toàn cầu”.

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đã ghi nhận vào cuối năm ngoái, khoảng 21% tổng lượng LNG của Nga đã được chuyển giao đến Liên minh châu Âu dưới dạng các lô hàng trung chuyển và không được tính vào số liệu nhập khẩu chính thức. Do đó chúng đã bị bỏ qua bởi các nhà hoạch định chính sách của EU.

EU rối bời

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Bỉ đã nói với tờ Financial Times vào tháng 11 rằng Bỉ đang xem xét các biện pháp để giải quyết vấn đề trung chuyển mà không đẩy an ninh nguồn cung của châu Âu vào nguy cơ.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã thảo luận với tờ Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng về phần mình, Tây Ban Nha đang tìm kiếm một sự phối hợp mạnh mẽ hơn của toàn Liên minh châu Âu trong việc xử lý việc nhập khẩu LNG của Nga.

Châu Âu 'càng cai càng nghiện' khí đốt của Nga- Ảnh 3.

Các quốc gia thuộc EU nhập khẩu nhiều LNG nhất từ Nga trong năm 2022 và 2023.

Liên minh châu Âu sắp tới sẽ cho phép các quốc gia thành viên ngăn chặn việc nhập khẩu LNG từ Nga mà không cần sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Ribera cho hay, Tây Ban Nha muốn EU đảm bảo rằng một quốc gia thành viên nào đó có thể chặn các lô hàng nhập khẩu mà không để chúng bị chuyển hướng sang các quốc gia láng giềng.

“Sẽ ra sao nếu tôi áp đặt lệnh cấm một cách đơn phương và chúng có thể đến tay Pháp?" Ribera nói với Reuters.

Ủy viên năng lượng châu Âu, Kadri Simson đang thúc đẩy cho một số hành động ở cấp độ toàn khối EU.

Simson đã cho biết trong tháng trước: “Tôi đã nhắc lại rằng chúng ta không đủ khả năng để khiến Nga phải đền bù một phần lượng khí đã cắt giảm thông qua việc xuất khẩu qua đường ống một cách đơn phương”.

Không rõ EU có thể thực hiện điều này trong tương lai gần mà không làm xáo trộn thị trường khí đốt, đặc biệt là khi giá khí đã giảm xuống mức trước cuộc xung đột và đã vượt qua được mùa đông với lượng khí đốt tự nhiên được lưu trữ ở mức kỷ lục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại