Shin-Okubo, Phố Hàn Quốc ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, đang trải qua giai đoạn bị "xâu xé, tranh cướp địa bàn". Nổi lên giữa dãy nhà hàng thịt nướng và những cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc da của người Hàn, là những nhà hàng ăn uống của người Nepal với nhấp nhánh ánh đèn và ầm ĩ tiếng nhạc.
Với khoảng 3.000 người Nepal đang sinh sống ở khu Shinjuku, Shin-Okubo đang nhanh chóng trở thành Phố Nepal, thậm chí có phần lấn át cả cộng đồng người Hàn.
Theo Nikkei Asian Review, "cuộc nổi dậy" này do một thanh niên Nepal 36 tuổi dẫn dắt. Anh Thapa Puskar là quản lý của một quán rượu có bán kèm thức ăn Nepal có tên Solmari. Nhà hàng của anh thu hút rất đông những người Nepal xa xứ muốn được nếm lại hương vị món ăn quê nhà, cũng như muốn tìm lời khuyên về cuộc sống, cơ hội việc làm... ở những thành phố lớn của nước Nhật.
Puskar đại diện cho một thế hệ người di cư mới trên thế giới đang hướng về các nước phương Đông thay vì phương Tây để tìm kiếm một cuộc sống mới ở một chân trời mới bên ngoài quê hương của mình. Mặc dù Mỹ vẫn thu hút số lượng người nhập cư lớn nhất, thế nhưng châu Á đang nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn.
Puskar đến Nhật năm 2004. Sau khi hoàn tất khóa học tiếng Nhật, Puskar theo học chuyên ngành quản lý quốc tế với hy vọng có thể mở được công ty. Trong thời gian làm thêm ở tiệm canh bò, Puskar lại nung náu giấc mơ tham gia ngành kinh doanh nhà hàng.
Với tham vọng mãnh liệt đó, Puskar đã mở được một nhà hàng nổi tiếng thu hút hàng trăm thực khách mỗi ngày, và có những ngày chỉ toàn khách Nepal và không có lấy một người Nhật bước vào tiệm. Nhà hàng Solmari trang bị máy chiếu, hệ thống âm thanh và một sân khấu trình diễn nhạc sống, đôi khi cũng được cho mướn để tổ chức các buộc tiệc sôi đọng.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong năm 2017 có khoảng 258 triệu người trên thế giới đang sống ở một đất nước khác không phải là nơi họ đã được sinh ra, con số này tăng 50% so với năm 2000. Mỹ dẫn đầu với 50 triệu người nhập cư. Tuy nhiên, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ cũng là những quốc gia đón tiếp nhiều người nhập cư.
Châu Á, kể cả Trung Đông, có đến 80 triệu người nhập cư, khoảng 30% tổng số người di cư. Năm 2015, châu Á đã vượt qua châu Âu để trở thành điểm thu hút người di cư nhiều nhất thế giới.
Liên Hợp Quốc định nghĩa "người di cư" là những người sống ở một nước hoặc một khu vực khác ngoài nước mà họ được sinh ra. Người di cư để chỉ chung những người rời bỏ quê hương vì mục đích kinh tế, để tị nạn, để du học hoặc đi theo người thân làm việc ở nước ngoài. Trong nhóm này không bao gồm du khách hay những người sống ở nước ngoài chỉ vài tháng.
Trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng nhận ít người nhập cư hơn. Trong những năm 1990, Mỹ nhận khoảng 11,6 triệu người nhập cư mỗi năm, gần 60% tổng số người di cư trên toàn thế giới. Thế nhưng trong những năm 2000, con số này giảm xuống chỉ còn 9,4 triệu người/năm, và đến những năm 2010 thì chỉ còn 5,6 triệu người/năm.
Ngược lại, trong những năm 2000, các quốc gia châu Á nhận 16,7 triệu người nhập cư/năm, đến những năm 2010 con số đó là 13,7 triệu người/năm, so với chỉ trên 1 triệu người/năm trong những năm 1990.
Trong khi 36% người di cư mới trên thế giới chuyển hướng đến các nước châu Á, thì tỷ lệ đó giảm xuống còn 20% đối với Mỹ và các nước châu Âu.
Ở khu vực Đông Á, Thái Lan thu hút nhiều người nhập cư nhất từ năm 2000 với 2,3 triệu người nhập cư/năm, tiếp theo là Malaysia và Hàn Quốc. Việc Thái Lan và Hàn Quốc nhận nhiều người nhập cư phản ánh chính sách bù đắp thiếu hụt lao động bằng người lao động nước ngoài, do số dân trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 của hai nước này được dự báo sẽ bắt đầu giảm sút từ năm 2020.
Tính đến cuối năm 2017, Nhật đang có 2,56 triệu người nước ngoài, tăng gần 500 nghìn người so với một thập niên trước. Ngành dịch vụ và xây dựng đang có nhu cầu lao động nước ngoài rất cao.
Ở chiều ngược lại, các nước châu Á cũng có rất nhiều người ra nước ngoài sinh sống và làm việc, dẫn đầu là Ấn Độ. Tiếp theo là Trung Quốc, Bangladesh và Syria, rồi đến nhóm các nước Pakistan và Philippines. Châu Á có đến 6 quốc gia trong Top 10 nước có số người sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều nhất thế giới.