Chật vật tìm việc sau dịch

Nguyễn Thắng |

Sau đỉnh dịch COVID-19, những lao động trẻ mất việc đang dần trở lại các khu công nghiệp để tìm việc làm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải chờ việc, bởi các doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại hoặc hoạt động cầm chừng.

Chật vật tìm việc sau dịch - Ảnh 1.

Người lao động tìm việc làm tại Khu công nghiệp Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thắng

Chạy ngược xuôi phỏng vấn xin việc

Trong phòng trọ hơn chục mét vuông gần Khu công nghiệp Đình Trám (huyện Việt Yên, Bắc Giang), anh Triệu Văn Hà (19 tuổi, ở huyện Na Hang, Tuyên Quang) ăn vội bát mì tôm vào bữa trưa, rồi lại tất bật đi tìm việc làm.

“Tôi đã đến phỏng vấn một vài công ty trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, nhưng chưa có kết quả. Tôi sẽ tiếp tục tìm thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội của các công ty khác”, anh Hà nói.

4 tháng trước, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, anh Triệu Văn Hà nghỉ làm ở một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Đình Trám, trở về quê. Cả gia đình sống phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương công nhân của anh, nên nghỉ làm khiến cuộc sống khó khăn gấp bội.

Những ngày này khi dịch được kiểm soát, anh trở lại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh tìm việc làm thì đều nhận được cái lắc đầu.

Tương tự, hai ngày nay chị Hoàng Thị Mai Hồng (ở xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) xuôi ngược các khu công nghiệp Bắc Giang, rồi Bắc Ninh phỏng vấn xin việc ở một số công ty, nhưng chưa có việc làm phù hợp.

Trước đó chị Hồng làm công nhân ở một công ty điện tử gần thành phố Thái Nguyên. Hai tháng trước, công ty bắt đầu cho công nhân làm việc cầm chừng vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Công nhân chỉ nhận được lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hai tuần nay, công ty cho nhiều công nhân nghỉ việc, trong đó có chị.

“Tôi muốn tìm việc làm ở một công ty tại tỉnh Thái Nguyên để gần nhà. Nhưng không tìm được bởi nhiều công ty cũng gặp khó khăn vì dịch. Do vậy, tôi quyết định đến tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang với hy vọng sớm có việc làm”, chị Hồng nói.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh có khoảng 10.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; trong đó, số lao động phải ngừng việc hơn 8.000 người, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1.500 trường hợp.

Ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang thông tin, tính đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang có gần 7.000 lao động nghỉ việc vì dịch, trong đó có gần 260 công nhân chấm dứt hợp đồng lao động.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoạt động

Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh (KCN) cho hay, ngay sau khi dịch tạm ổn, ban quản lý tiến hành nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo đó, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại.

Đồng thời, tham mưu với cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đề xuất lên Chính phủ và các bộ cho phép các chuyên gia người nước ngoài được nhập cảnh vào làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Ninh.

“Các chuyên gia, kỹ thuật cấp cao người nước ngoài được vào làm việc sẽ giúp các công ty lớn như Samsung, Canon, Foxcom... đẩy mạnh sản xuất. Khi đó các công ty lớn này sẽ có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động”, đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh nói.

“Tỉnh Đoàn Bắc Ninh trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động trong việc giải quyết vấn đề việc làm. Các vị trí việc làm của các doanh nghiệp sẽ được thông tin rộng rãi đến người lao động mất việc”, anh Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, hiện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 7.000 - 10.000 lao động. Ban quản lý các KCN thông báo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đến cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, như Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh để hỗ trợ người lao động tìm việc làm.

Anh Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh cho biết, đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tiến hành hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm online đến các đoàn viên và người lao động bị mất việc bởi dịch. Tỉnh Đoàn Bắc Ninh cũng làm việc với doanh nghiệp trong tỉnh để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động.

Theo anh Chinh, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã liên hệ với 56 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 vị trí việc làm. Chỉ riêng ngày 4/5, tại chương trình tư vấn việc làm online của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh thu hút hơn 10.000 người quan tâm, trong đó có hơn 1.800 người đăng ký vào các vị trí tuyển dụng.

Tại Bắc Giang, ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho hay, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Theo đó, cơ quan này hỗ trợ 300 công nhân mất việc vì COVID - 19, với tổng giá trị 300 triệu đồng trong thời gian tìm việc làm mới. Tuy nhiên, theo ông Cương, việc cần nhất là các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động, hoạt động hết công suất để công nhân có được việc làm, thu nhập.

Chật vật tìm việc sau dịch - Ảnh 5.

Đọc báo mới, xem tin tức mới nhất tại Soha.
Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Ông Donald Trump gửi "tối hậu thư" cho ông Tập Cận Bình: Vùng đất sát biên giới Mỹ bỗng "dậy sóng"

Ông Donald Trump gửi "tối hậu thư" cho ông Tập Cận Bình: Vùng đất sát biên giới Mỹ bỗng "dậy sóng"

23/01/2025 11:28

“Tôi cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình... về Trung Quốc. Tôi nói, chúng tôi không muốn thứ bỏ đi đó ở đất nước mình...", ông Trump nói trong buổi họp báo hôm 21/1.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại