Đại diện Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc cho biết, từ tháng 5/2020, cơ quan này đã quan trắc 185 điểm quan trắc trên 5 lưu vực sông miền Bắc, miền Trung. Kết quả phân tích cho thấy chất lượng môi trường nước sông ở miền Bắc được cải thiện hơn so với cùng kỳ quan trắc năm 2019.
Trong 185 điểm quan trắc có 131 điểm đạt mức tốt đến rất tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng, tập trung trên lưu vực sông Cầu và lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Với lưu vực sông Hồng – Thái Bình và sông Đà, kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước được đánh giá khá tốt, đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.
Ngoại trừ điểm Làng Chèm (Tp. Hà Nội), nước sông có dấu hiệu bị ô nhiễm do tiếp nhận nước thải sinh hoạt khu vực đô thị, đồng thời, thời gian quan trắc diễn ra vào mùa khô, nước sông cạn, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ- Đáy tiếp tục là điểm đen môi trường, lưu vực sông ô nhiễm nhất miền Bắc. Có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Sông Nhuệ - Sông Đáy vẫn là lưu vực sông ô nhiễm nhất miền Bắc nhiều năm nay.
Đoạn sông Nhuệ chảy qua TP. Hà Nội, ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu do tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề.
Môi trường nước sông được cải thiện dần khi chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam, tại đây, nước sông Nhuệ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Nước sông Đáy có xu hướng tốt dần về phía hạ lưu (đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình), tại đây nước sông Đáy đã có thể sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.
Trong khi đó, tại lưu vực sông Cầu, đoạn chảy qua Bắc Giang – Bắc Ninh, phần lớn các điểm quan trắc, môi trường nước sông ở mức trung bình, trừ các điểm hạ lưu sông Cầu (từ điểm Hiền Lương đến điểm Yên Dũng), môi trường nước sông được cải thiện, nước sông đã có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.
Tại các điểm nóng về môi trường nước trên LVS Cầu (điểm Cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê và (điểm Cầu Bóng Tối) trên suối Bóng Tối, ô nhiễm hữu cơ và các hợp chất chứa nitơ vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được cải thiện do tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của tỉnh Bắc Ninh và TP Thái Nguyên.
Chất lượng nước sông Đào và Sông Hoàng Long khá tốt và được cải thiện so với cùng kỳ năm 2019, nước sông sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
Trên sông Châu Giang, chất lượng nước bị suy giảm mạnh tại điểm Đầm Tái, nước sông bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai.
Trong khi đó, trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn tục bị ô nhiễm nặng, không có dấu hiệu được cải thiện so với đợt quan trắc tháng 5/2019.