Công trình cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân tại xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dù đã khởi công xây dựng từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng và đang hư hỏng, xuống cấp.
Hệ thống bể chứa, ống dẫn lâu ngày không được quan tâm duy tu bảo dưỡng.
Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân các xóm trung tâm của xã Đàm Thủy do huyện Trùng Khánh làm chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2010 với mục tiêu ban đầu cấp nước cho khoảng hơn 400 hộ gia đình.
Thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã cho lắp đặt máy bơm để hút nước từ sông Quây Sơn lên một hệ thống bể chứa trên núi cao và từ bể này cấp đến từng xóm qua hệ thống ống dẫn. Tuy vậy, cho đến nay, chưa có bất cứ hộ gia đình nào được sử dụng nước sạch từ công trình này.
Dù đường ống đã lắp đặt nhưng người dân Đàm Thủy vẫn phải dùng nước sông, kênh mương hoặc tự đào giếng để phục vụ sinh hoạt. |
Anh Triệu Ích Nghiệp, xóm Đồng Tâm- Bản Rạ cho biết, khoảng 3-4 năm trước, gia đình anh đã được lắp vòi dẫn, đồng hồ đo nước đến tận góc sân, nhưng gia đình vẫn đang phải dùng nước sông bằng cách tự bắc vòi dẫn từ đập thủy điện về.
"Chúng tôi chỉ được cấp đồng hồ mới, không có nước về. Bể trên kia cũng không có nước, người dân mới thử vòi đã hết"- anh Nghiệp cho biết.
Người dân ở đây cũng cho biết thêm, do chờ quá lâu nên phần lớn các hộ dân đã tự đào giếng hoặc bắc trực tiếp ống dẫn nước từ công trình thủy điện gần đó về sinh hoạt.
Hệ thống bể chứa trên núi cao đã bị cây cỏ dại um tùm che phủ, ống dẫn cũng có dấu hiệu cho thấy đã lâu thiếu đi sự bảo trì cần thiết.
"Họ lắp đồng hồ đo nước nhưng lâu không có nước bơm về, gần đường xe đi lại nhiều nên giờ cũng không thấy cả đồng hồ nước"- anh Mã Ích Trần, người dân xã Đàm Thủy nói.
Ông Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết thêm, hiện công trình vẫn chưa hoàn thành do mới chỉ lắp đặt được hệ thống ống dẫn, đồng hồ đo cho 2 xóm trung tâm là Đồng Tâm – Bản Rạ và Bản Mom với khoảng trên 300 hộ dân, 1 xóm còn lại vẫn đang phải chờ cấp trên đầu tư tiếp.
Tuy nhiên, từ năm 2019, huyện Trùng Khánh đã tiến hành bàn giao phần công trình đã hoàn thành cho xã quản lý, sử dụng. Địa phương cũng đã lập Ban quản lý công trình nước sạch, tuy nhiên để sử dụng công trình cũng phát sinh nhiều bất cập nên đến nay chưa thể hoạt động.
"Công trình đã làm lâu nên một số hạng mục xuống cấp, như bể đã nứt nẻ, rò rỉ nhiều. Đập thủy điện lại ở bên dưới, khi bơm nước mà nhà máy thủy điện cho nước chạy máy thì nước rút xuống, thấp hơn chỗ đặt máy bơm nên không đảm bảo lượng nước cung cấp lên bể.
Ngoài ra, hiện nhà nước quy định thu 5.000 đ/m3 nước, nhưng do bể rò rỉ, hệ thống dẫn không đảm bảo nên phải bơm nhiều lần, mất rất nhiều điện, nên đối chiếu ra thu tiền thực tế sẽ cao hơn giá nhà nước quy định, rất khó cho công tác quản lý, điều hành"- ông Mê Văn Đạt cho biết.
Hệ thống nước sạch không chỉ phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu của người dân xã biên giới này mà còn có thể phục vụ cho mục tiêu xa hơn đó là góp phần phát triển du lịch Thác Bản Giốc.
Do đó, các cấp chính quyền cần sớm hoàn thành các hạng mục còn lại cũng như có biện pháp sử dụng hiệu quả để công trình không bị hư hỏng, lãng phí đáng tiếc./.