Điểm số tốt nhưng khó xin việc
Bố mẹ của Tề Khắc tuy thuộc tầng lớp bình dân nhưng rất quan tâm đến việc học của con, thậm chí ngay từ nhỏ bố mẹ Tề Khắc đã rất nghiêm khắc với con trong việc học tập. Chẳng hạn, vì muốn con tập trung vào việc học, mẹ cậu nghiêm cấm con không được kết bạn với các bạn học khác.
Tuy nhiên, điều này khiến cậu con trai cảm thấy rụt rè, e sợ mẹ, không dám nói lên những suy nghĩ thật của mình đối với bố mẹ mà chỉ dám im lặng làm theo.
Đồng thời, bố mẹ của Tề Khắc cũng muốn con cứ dành thời gian vào việc học tập nên tất cả việc nhà đều do bố mẹ làm hết. Vì thế, Tề Khắc không có kĩ năng chăm sóc bản thân. Ở trên trường, dù điểm số đứng top đầu của trường nhưng cậu chẳng có một người bạn thân nào cả, lúc nào cũng thu mình vào một góc.
Năm 1994, Tề Khắc trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa và đã chọn ngành vật lý kỹ thuật theo lời bố mẹ. Tuy nhiên, kì học đầu tiên, cậu không thi qua môn. Thêm nữa, việc dựa dẫm vào bố mẹ khiến cuộc sống của cậu gặp nhiều khó khăn. Kì thi tốt nghiệp ra trường của Tề Khắc cũng bị trì hoãn nhiều lần.
Năm 2000, Tề Khắc cuối cùng cũng ra trường và cầm hồ sơ đi xin việc. Công việc đầu tiên tại Viện Vật lý cao cấp của Học viện Khoa học Trung Quốc, cậu sớm bị đuổi việc vì lười biếng, thái độ không nghiêm túc. Công việc thứ hai tại công ty phát triển phần mềm đồ chơi, Tề Khắc cũng không thể theo kịp vì không hợp với chuyên ngành học, vả lại cũng không chịu học hỏi.
Kể cả khi tới công trường xây dựng, họ cũng không nhận cậu vì chưa từng làm công việc tay chân, trình độ học vấn quá cao, không phù hợp.
Chiều chuộng thái quá tạo ra những người lớn không trưởng thành
"Một người bạn Trung Quốc của tôi bị ung thư cổ tử cung, cần phải tiến hành phẫu thuật sớm. Cả nhà ai nấy đều lo lắng, ra vào bệnh viện tấp nập để chăm sóc cô ấy, chỉ trừ mỗi cô con gái 22 tuổi. Thật ngây ngô, khi vào viện thăm mẹ, cô con gái đã hỏi: "Con có phải bác sĩ đâu, làm sao con có thể ở bệnh viện được? Ở bệnh viện rồi, con phải làm gì?". Điều gây bất bình nhất là cô gái bình thản hỏi mẹ: "Mẹ nằm viện thì ai ở nhà nấu cơm cho con?".
Đó là câu chuyện của Cựu Bộ trưởng năng lượng Mỹ Steven Chu về gia đình một người bạn Trung Quốc. Cô gái 22 tuổi trong câu chuyện trên không hề tỏ ra lo lắng sức khỏe mẹ mình ra sao mà chỉ băn khoăn ai sẽ nấu cơm hằng ngày cho mình. Lý do là vì từ bé, cô gái không được dạy điều đó.
Trái với suy nghĩ sợ con vất vả khi làm việc nhà từ nhỏ, Steven Chu lại cho rằng những kĩ năng sinh tồn đơn giản như nấu ăn, quét dọn là cần thiết đối với việc giáo dục một đứa trẻ.
Theo ông, nấu ăn không chỉ giúp trẻ luyện tập được sự khéo léo mà còn giúp rèn giũa được khả năng tập trung và giải quyết vấn đề. Sắp xếp và thu gọn quần áo cũng giúp trẻ tăng khả năng lưu trữ và phân loại.
Theo dõi bố mẹ nấu nướng và tự nấu nướng giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và kĩ năng bắt chước hành động. Hay đơn giản như việc tưới cây mỗi ngày cũng là một phương pháp để trẻ rèn luyện gu thẩm mĩ.
Một câu cay đắng mà Steven Chu buông ra khi kết thúc câu chuyện nhưng cũng là lời khẳng định không sai về vấn đề giáo dục con cái: "Thất bại lớn nhất của những người làm cha làm mẹ là cung cấp cho con cái đầy đủ mọi thứ mà ‘quên’ không dạy chúng cách trở thành người độc lập".
Giáo dục con là một hành trình dài
Với nhiều phụ huynh, nuôi dạy con là một trọng trách khó khăn bởi họ luôn sợ những lần sai phạm, những lần vượt quan điểm của những bậc phụ huynh xung quanh. Vì thế, trong thâm tâm nhiều bố mẹ, "con nhà người ta" luôn là chuẩn mực, là cái gương để con mình soi vào để noi theo.
Một đứa trẻ từ nhỏ được đối xử dễ dàng, khiến chúng sớm ỷ lại, không muốn cố gắng. Về phía bố mẹ lại luôn muốn bao bọc, che chở, không muốn con phải khổ cực. Nhưng càng sợ con đau, càng phải đồng hành cùng con để con biết cuộc sống thực ra có nhiều điều bất biến, không giống như những khi bố mẹ ở bên cạnh con, để con biết chấp nhận và không lùi bước trước thử thách.
Giáo dục con chưa bao giờ là dễ dàng đối với các phụ huynh. Chắc hẳn trên hành trình nuôi dạy con nên người, không ít bà mẹ đã phải rơi nước mắt, không ít ông bố đã phải đau đầu suy nghĩ. Nhưng có khó khăn, mới có thành công. Dạy con cần nhiều tình yêu thương nhưng cũng cần nhiều sự kiên trì, nhẫn nại.