Tôi đến cửa hàng bán đồ chạy của Nông Văn Chuyền trong một con ngõ trên đường Đào Tấn. Từ một thanh niên học hết cấp III ở vùng biên Tràng Định, Lạng Sơn phải vào Nam mưu sinh với nghề bốc vác, chạy đã biến chàng trai người Tày thành một ông chủ, một HLV có thể sống bằng nghề chạy.
Nhìn cơ ngơi của Nông Văn Chuyền, tôi gật gùi mãi rồi mới hỏi:
Đây có phải là thứ lớn nhất anh có được từ chạy?
Nông Văn Chuyền: Không! Kỷ luật mới là thứ quan trọng nhất mà chạy mang lại cho tôi!
Chạy giúp tôi sống có kỷ luật trong sinh hoạt, giống như đi bộ đội. Tôi chăm chút cho bản thân hơn, để ý tới sức khỏe hơn, sống biết điều gì cần thiết hơn thay vì "nô lệ" cho đồng tiền. Khi kỷ luật tốt lên, con người sẽ thay đổi. Sự chịu đựng cao hơn, sự kiên nhẫn cũng nâng lên và làm việc sẽ cố gắng từng tí một để có thành quả.
Trước đây khi chưa có kỷ luật, tôi làm việc gì cũng thiếu kiên nhẫn, hay bỏ giữa chừng và hay thất bại.
Khi còn học cấp III, tôi nghiện game và hay uống rượu cùng bạn bè. Ở quê tôi, thanh niên uống rượu là thực trạng. Họ uống rong ruổi 2 đến 3 ngày, có khi là cả tuần. Nhưng tôi đi chạy đã bỏ được rượu. Tôi gặp được nhiều người văn minh dậy cho cách xử lý trong các tình huống, cách từ chối khéo léo. Bây giờ về quê hầu như không ai mời được tôi uống rượu. Nhiều lúc ngồi trong mâm nhậu, tôi thấy mình bị kỳ thị vì không uống rượu.
Nghe anh kể thì đúng là kỷ luật làm anh thay đổi rất nhiều. Nhưng những ngày đầu mới đi chạy, anh có lần nào bỏ cuộc không?
Chưa bao giờ tôi bỏ cuộc trên đường chạy trong gần 100 giải chạy trong vòng 6 năm trở lại đây. Kể cả lê lết đi bộ về nhưng chưa bao giờ tôi bỏ cuộc. Nguyên tắc trên đường chạy của tôi là không bao giờ bỏ cuộc. Và điều này áp dụng được trên mọi phương diện của đời sống. Ngoài ra, tôi còn có nguyên tắc phải cố gắng hết mình. Bất kỳ giải đấu nào dù lớn hay nhỏ, đã tham gia là tôi chơi hết mình chứ không chơi cho có.
Khi chạy tôi thường tập trung cao độ và ít biểu lộ cảm xúc. Khuôn mặt khi biểu hiện nhiều cảm xúc sẽ kéo theo sự mệt mọi, đì mình đi xuống. Các VĐV hàng đầu thế giới luôn giữ 1 trạng thái khuôn mặt từ đầu đến cuối. Không nhăn mặt, không cười đùa. Chỉ khi nào gần cán đích mới vỡ òa. Nhiều lúc, có thể bên trong mình đang mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng không biểu hiện ra ngoài sẽ giúp mình chạy thêm được lâu hơn nữa.
6 năm chạy gần 100 giải nghĩa là anh chạy gần hết các giải của Việt Nam rồi. Vậy năm ngoái anh chạy giải VPBank Hà Nội Marathon như thế nào?
Năm ngoái tôi không có nhiều thời gian để tập luyện. Tôi có nguyên tắc khi đã tham gia chạy phải đạt được một điều gì đó, phải có động lực và phải hoàn thành thật tốt. Còn khi không đủ tự tin sẽ không tham gia.
Tuy nhiên, VPBank Hà Nội Marathon 2018 là giải đấu rất thú vị, lần đầu tiên được tổ chức chạy qua các phố cổ của Hà Nội và điều này khiến tôi không thể ngồi yên. Mặt khác, chạy ở Hà Nội luôn lôi cuốn tôi bởi đường chạy xanh, mát. Tôi luôn giành được kết quả tốt mỗi khi thi đấu tại Hà Nội. Vì thế tôi quyết định đăng ký thi cự ly 10km.
Tôi về thứ 3 với thành tích 39 phút 10 giây. Kết quả này khiến tôi hơi thất vọng. Trên đường chạy tôi "không có đối" theo cách dân chạy hay nói. Nghĩa là hai bạn chạy trước tôi ở khá xa và các bạn chạy sau tôi cũng ở khá xa.
Ở mùa giải thứ 2, chắc chắn quy mô giải đấu sẽ lớn hơn, áp lực cũng lớn hơn nên tôi cũng lo mình không thể giành được thứ hạng cao hơn. Mục tiêu cự ly 10km của tôi hiện tại là 35 phút và để hoàn thành mục tiêu này cần phải nỗ lực rất nhiều.
Anh chưa bao giờ bỏ cuộc nhưng chấn thương thì chắc phải có chứ?
Có nhiều là đằng khác. Thậm chí một vài năm trước tôi còn cố tình chấn thương để tìm ra cách xử lý tốt nhất cho những người bị chấn thương. Ví dụ, tôi cố tình tập quá tải. Tôi chạy 2 buổi liền nhau với cường đội cao, một buổi chạy 30km, một buổi chạy 12km để xem khi chạy quá tải, tình trạng của một người chạy phong trào sẽ như thế nào, chấn thương có thể xảy ra làm sao. Nó giống như một thí nghiệm nhỏ nhỏ. Kết quả tôi bị chấn thương cơ trong mấy tháng liền.
Hiện nay phong trào chạy đang lên cao nhưng nhiều người khi tham gia chạy lại đốt cháy giai đoạn. Điều này có ảnh hưởng như thế nào?
Chạy đốt cháy giai đoạn khiến mọi người sẽ phải kết thúc sớm. Cái gì cũng có quá trình. Bắt đầu nhanh sẽ kết thúc nhanh. Khi mới chạy, mọi người thường theo hứng, đi đua theo giải mà không định hình được mục tiêu cho mình.
Ví dụ, mọi người sẽ phải trải qua quá trình 3km, 5km, 10km, 21km, 42km. Nhưng tôi thấy nhiều người chạy 10km xong chạy 42km luôn. Đó là quá trình đốt cháy giai đoạn lớn. Từ 10km lên 42km là gấp 4 lần và người ta phải tập luyện trong cả năm mới có khả năng chạy hết quãng đường đó. Nhiều người đốt cháy giai đoạn vì cảm thấy lê lết được. Nhưng sau đó mọi người sẽ chán nản rất nhanh khi không đạt được mục tiêu đề ra, không có động lực chạy tiếp, không tin tưởng vào bản thân mình nữa.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là chấn thương. Khi chạy đốt cháy giai đoạn quá nhanh, phần khớp không kịp tiết dịch nhờn dễ dẫn đến khô khớp, đau khớp, nặng hơn là đau cuộc sống. Chạy là một chuỗi liên kết từ cổ, lưng, tay, hông, đùi, gối, chân. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong các phần này cũng dễ dính chấn thương.
Vậy một người mới chạy cần chuẩn bị những gì?
Đầu tiên là tâm lý. Tâm lý từ giường bước ra đôi giày chạy, từ nhà bước ra đường chạy. Đó là quãng đường còn dài hơn cả đường chạy. Họ phải thay đổi thói quen dậy sớm để đi chạy, phải bỏ bạn bè, bỏ bia bỏ rượu... Tâm lý là yếu tố quyết định mọi người có chạy được hay không, có tạo đủ động lưc cho bản thân chạy hay không?
Thứ hai, mọi người phải chuẩn bị cho mình các phụ kiện cần thiết để chạy như giày, bộ quần áo…
Thứ ba là chuẩn bị kiến thức. Thay vì chạy tự phát. Nếu có kiến thức mình chạy sẽ chạy bài bản hơn, nâng khả năng chạy nhanh hơn. Ví dụ, một người tập được 1 năm mới chạy được 10km trong 60 phút nhưng khi có kiến thức, có bài bản thì 1 năm sẽ tập chạy được 50 phút. Có kiến thức đi chạy cũng hạn chế được chấn thương. Biết tập cái gì trước, cái gì sau, cái gì nên tập, cái gì không nên tập.
Và thứ tư là sức khỏe. Nếu không có sức khỏe, chắc chắn không chạy được!
Anh nói, quãng đường từ giường ra đôi giày chạy còn dài hơn cả đường chạy nghĩa là sao?
Nghĩa là nó rất xa trong ý chí của mình. Tôi chiến đấu với nó hàng ngày. Tôi phải dậy lúc 4h30. Anh nghĩ xem, đang ngủ trong điều hòa rất mát, mở cửa ra hơi nóng ập vào, không chịu được. Lúc đó chỉ muốn quay lại giường nằm tiếp và bảo với lòng mình, thôi ngày mai đi chạy. Cứ ngày mai, ngày mai sẽ là một tuần, một tháng, một năm rồi cuối cùng chẳng tập được gì. Đó là quãng đường rất xa.
80% người chạy có thói quen không tập luyện đều. Thường trước mỗi giải đấu họ mới đi tập nhiều hơn. Để chạy được dài thì phải duy trì được sự tập luyện đều đặn. Nói cách khác nó vẫn là kỷ luật. Chỉ cần xây mỗi ngày một viên gạch nó sẽ tự cao. Còn anh tập mà bỏ bài liên tục cuối cùng không xây được gì cả. Tôi biết một vài VĐV quốc gia rất chăm chỉ. Họ đi lên từ sự chăm chỉ chứ không hẳn họ là người có tố chất 100%. Nhiều người có tố chất hơn họ nhưng không chăm chỉ cuối cùng đã bỏ cuộc. Mọi thứ do khổ luyện mà thành công, tố chất chỉ là một phần.
Vậy theo anh, những người khổ luyện để về đích khác những người cố lê lết về đích chỉ vì muốn trải nghiệm như thế nào?
Những người về sau và phải hết sức cố gắng để hoàn thành cuộc thi là những người nghị lực. Nhưng nghị lực ở đây cũng cần phải hiểu rõ hơn. Có những người không tập luyện cả năm mà cố gắng đi chạy, cố gắng hoàn thành một cự ly dài vượt qua ngưỡng của họ mà họ chưa bao giờ nghĩ họ có thể làm được chỉ là 50-50 cộng một chút liều lĩnh. Trong lòng họ có thể rất vui khi hoàn thành quãng đường đó nhưng so với người khổ luyện để đạt được khác nhau một trời một vực. Những người cố gắng tập luyện hàng ngày mà họ chiến thắng được bản thân mình, vượt qua chính mình để đạt được cái ngưỡng họ đặt ra mới thực sự là những người hạnh phúc!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!