1. Hẳn nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu với chữ "tranh" trong lời dẫn của bài viết, mà nghĩ rằng nó phải là "chanh" chứ. Thực ra, "tranh" ở đây là cỏ tranh - một trong những vật liệu lợp nhà, lợp vách từ thời xưa. "Nhà tranh vách đất", hay "tam cố thảo lư" - chỉ việc Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Khổng Minh, là nó.
Và "vắt" cũng không phải bóp, ép cho ra nước như "vắt chanh, vắt cam", mà đấy là một công đoạn trong quá trình lợp mái nhà bằng cỏ tranh. Và khi lợp mái bằng cỏ tranh ấy, một trong những yếu tố tiên quyết là phải rất đều, thì mới tránh được dột. Chứ vắt nước chanh, thì đều làm sao được.
Dĩ nhiên, cái sự đúng, chưa hẳn đã được dùng nhiều. Thử tìm cụm từ "đều như vắt chanh" trên Google, lập tức được ngay gần 100.000 kết quả, trong khi "đều như vắt tranh", chỉ vỏn vẹn 1.350 kết quả. Cái sự sai - đúng ấy gấp nhau đến hơn 70 lần.
Đấy cũng là cái cách mà HLV Park Hang-seo dùng để khuất phục Philippines ngay tại Bacolod. Trong khi tất cả đều nghĩ rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ cho các học trò của mình chơi một trận phòng ngự chặt chẽ, trước khi tìm đường phản công để ăn bàn như vẫn từng là, dựa vào hàng thủ chưa để lọt lưới suốt từ đầu giải, thì thầy Park làm điều ngược lại.
Bán kết AFF Cup 2018: Philippines 1-2 Việt Nam (nguồn: Next Media)
Dĩ nhiên là HLV Sven-Goran Eriksson nhận ra điều đó ngay khi trận đấu bắt đầu được có vài phút, nhưng nhận ra là một chuyện, đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của nó, để triển khai phương án đối phó lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Ngay cả sau trận đấu, đến như những chuyên gia lão luyện trong làng bóng đá Việt Nam như ông Vũ Mạnh Hải, hay BLV Quang Huy vẫn còn lớn tiếng chê bai Quang Hải đá kém, chuyền bóng hỏng, thì rõ ràng HLV Park Hang-seo đã thành công trong việc che mắt đối phương, để nhiều người chỉ thấy "vắt chanh", mà chẳng thể nhìn ra "vắt tranh".
Là bởi thầy Park đâu có dùng Quang Hải để làm nhân tố đột biến, sáng tạo, là kiến trúc sư cho những đường bóng tìm vào khung thành đối phương như người ta vẫn mặc định. Ông dùng tiền vệ sáng tạo này như một chiến binh, thu hút sự va chạm, cũng như đeo bám của đối phương, để mở ra cánh cửa khác vào khung thành Philippines, từ Anh Đức, từ Văn Đức.
Lối chơi mạnh mẽ, chấp nhận va chạm ấy, với sự hỗ trợ từ hai tiền vệ trung tâm đầy sức mạnh là Hùng Dũng và Đức Huy đã giúp đội tuyển Việt Nam vắt kiệt sức đối phương, thay vì ngược lại - như cái cách mà Philippines từng khiến Thái Lan phải quay cuồng ở vòng đấu bảng.
Để rồi khi Hà Đức Chinh hay Công Phượng được tung vào sân, cả hai chân sút này đều có được những cơ hội cực kỳ ngon ăn của mình. HLV Eriksson biết, các cầu thủ Philippines biết mình sẽ "ăn đòn", nhưng chẳng thế làm thế nào khác được. Chỉ tiếc là Hà Đức Chinh quá nôn nóng, còn Công Phượng quá đen đủi. Nhược bằng không, trận đấu trên sân Mỹ Đình chỉ còn là thủ tục.
2. Cho đến tận ngày hôm nay, Mỹ Đình vẫn là nỗi đau của bóng đá Việt Nam ở đấu trường AFF Cup. Hình ảnh huy hoàng 10 năm về trước đã trôi qua quá xa, mà thất bại của cả HLV Miura lẫn Hữu Thắng ở hai kỳ AFF Cup gần nhất thì vẫn còn lảng vảng đâu đây. Có đâu xa, nó ở chính những cầu thủ sẽ ra sân trong trận đấu tối nay, là Anh Đức, là Công Phượng, là Quế Ngọc Hải, là Trọng Hoàng...
Chắc hẳn, trên Mỹ Đình, trong một trận đấu mà 2 năm trước và 4 năm trước đội tuyển Việt Nam đều đã thất bại đau đớn, những cầu thủ từng tham gia những trận đấu ngày ấy chẳng ít thì nhiều đều mang trong mình nhiều cảm xúc, mà ở đó, có lẽ cảm xúc tiêu cực sẽ ít nhiều lấn át đi sự tích cực đáng ra phải có.
Dẫu cho các nhà cái châu Á đánh giá rằng Việt Nam đủ khả năng chấp Philippines 1 bàn trên sân nhà, thì các học trò của HLV Sven-Goran Eriksson vẫn rõ ràng là không đơn giản.
Bàn thua của đội tuyển Việt Nam trên đất Philippines đến từ một pha bóng nặng tính chuẩn mực.
Nên nhớ, hai bàn thắng của Việt Nam, một đến từ pha kết thúc mang đậm dấu ấn tuyệt phẩm của Anh Đức, bàn còn lại là sự phối hợp cực kỳ chuẩn chỉ giữa Trọng Hoàng và Phan Văn Đức, thì bàn gỡ của Phlippines lại đến từ một pha bóng cực kỳ chuẩn mực, nhưng không thể chống đỡ: một pha xuống biên thành công, căng vào cho tiền đạo đệm bóng tung lưới.
Và ở cuối trận, đối thủ của Việt Nam cũng có một pha bóng chuẩn mực chẳng kém. Một đường phất bóng chéo sân tìm đến chân tiền đạo, trong khi Văn Hậu vẫn đứng ngẩn ngơ, Đặng Văn Lâm chôn chân thì đối phương đã kịp kết thúc. May mắn thay, bóng đi vọt xà ngang.
Có một điểm chung giữa những tình huống trên sân Panaad ở Bacolod ấy, với những bàn thua trên sân Mỹ Đình 2 và 4 năm trước. Nhưng bàn thua ấy đến từ những pha bóng tưởng chừng rất đơn giản, thậm chí là ngớ ngẩn. Cái dớp thua ở bán kết AFF Cup trên Mỹ Đình không quá bí ẩn, mà nó đến từ tâm lý của các tuyển thủ, đặc biệt là các cầu thủ phòng ngự của đội tuyển Việt Nam.
Suốt từ đầu AFF Cup 2018 đến nay, hàng thủ đội tuyển Việt Nam là một khối vững chắc và cực kỳ ăn ý, là điểm tựa đáng tin cậy của cả đội tuyển. Dẫu vậy, họ vẫn có những lúc mất tập trung, như hai tình huống ở trận đấu trước.
Đấy là lúc "phép màu" của thầy Park lên tiếng, như đã không ít lần lên tiếng, mà gần nhất là ngay trận đấu cách đây có 4 ngày. Tạo một hàng phòng ngự "như sắt, như đồng" trước khung thành Đặng Văn Lâm, hay "đánh úp" đối phương bằng những đòn tấn công quyết định, đấy sẽ là quyết định của thầy Park, nhưng hãy tin rằng, nó sẽ hiệu nghiệm, và giúp xóa tan cái dớp đen đủi của Mỹ Đình.
Bởi trong tay thầy Park giờ đây vẫn còn đủ những quân bài để tạo sự đột biến, là Công Phượng, Tiến Linh, là Xuân Trường, Hồng Duy... Trước một Philippines buộc phải thắng trên Mỹ Đình, sẽ thêm lần nữa nhà cầm quân người Hàn Quốc phải làm cho người hâm mộ kinh ngạc, và đối thủ thêm lần kinh sợ lẫn thán phục.
Và còn bởi chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại có một niềm tin lớn đến thế vào một tập thể đầy sức trẻ, gắn kết nhau chẳng khác một gia đình đến thế. Ở đó, là niềm tin tuyệt đối vào bản thân, vào đồng đội và vào người thầy luôn biết cách tạo nên những kỳ tích tuyệt vời đến không thể tin nổi cho bóng đá Việt Nam - Park Hang-seo.