Chàng sinh viên Ấn Độ áp dụng kiến thức học đường để cứu mạng người ngay giữa chuyến bay

Oct |

Câu chuyện cũng cho ta thấy rằng sự sáng tạo có thể tồn tại ở bất kỳ đâu.

Karttikeya Mangalam - 21 tuổi - là một sinh viên đang theo học tại IIT - Kanpur (Học viện Kỹ thuật Ấn Độ). Mangalam đã ở trên chuyến bay từ Geneva đến New Delhi. Đó là một chuyến bay rất dài, và rồi đột nhiên tiếp viên phát đi một thông báo đáng sợ: "Có ai là bác sĩ ở đây không?"

Chàng sinh viên Ấn Độ áp dụng kiến thức học đường để cứu mạng người ngay giữa chuyến bay - Ảnh 1.

Đổ bệnh giữa một chuyến bay quả là một trải nghiệm hết sức nguy hiểm

Câu hỏi này đồng nghĩa với việc có người đang gặp rắc rối về sức khỏe trên chuyến bay. Theo những gì Mangalam kể lại, thì đó là Thomas, một hành khách người Hà Lan. Người này vốn bị tiểu đường Type-1, nhưng bệnh đột nhiên bùng phát, khiến đường huyết trong máu anh tăng lên rất cao, đến mức đáng báo động.

Thomas gục ngã, mồ hôi vã như tắm, miệng chỉ chực nôn ra. Anh thông báo cho tiếp viên rằng bản thân đã không có thuốc trong vòng hơn 5h rồi. Bút tiêm insulin của anh đã bị giữ lại từ cổng an ninh.

May mắn cho anh, trên chuyến bay có một bác sĩ người Nga. May mắn hơn nữa, vị bác sĩ này cũng bị tiểu đường, nên có trang bị loại bút chuyên dụng để tiêm thuốc.

Chàng sinh viên Ấn Độ áp dụng kiến thức học đường để cứu mạng người ngay giữa chuyến bay - Ảnh 2.

Bút insulin (Ảnh minh họa)

Nhưng may mắn ấy nhanh chóng bị dập tắt. Hóa ra cây bút của vị bác sĩ lại sử dụng ống insulin tác dụng chậm, hoàn toàn khác so với loại insulin cần trong trường hợp của Thomas. Kích cỡ của chúng cũng không hề tương khớp với nhau.

Ở thời điểm này, Thomas đã hoàn toàn bất tỉnh, miệng co giật. Còn máy bay dù đã phát lệnh hạ cánh khẩn cấp thì cũng không thể xuống mặt đất trong vòng 1,5h kế tiếp. Lúc đó thì mọi chuyện đã muộn rồi.

Và rồi chàng sinh viên của chúng ta xuất hiện

Karttikeya đến bên vị bác sĩ, hỏi về việc có thể sửa được chiếc bút và loại ống giữ insulin này không. Vị bác sĩ cho biết ông đã thử làm điều đó, bằng cách thay đổi đường kính ống giữ insulin. Nhưng sau khi thay đổi thì mũi kim bên trong cây bút lại không hoạt động.

Chàng sinh viên sau đó đề nghị được sử dụng Wifi máy bay, tìm kiếm thông tin về cấu tạo chiếc bút. Anh nhanh chóng phát hiện ra rằng chiếc bút của vị bác sĩ sau đã thiếu đi một bộ phận hết sức quan trọng: chiếc lò xo.

Chàng sinh viên Ấn Độ áp dụng kiến thức học đường để cứu mạng người ngay giữa chuyến bay - Ảnh 3.

Karttikeya Mangalam - vị cứu tinh trẻ người Ấn Độ

"Cố bình tĩnh, tôi nhắn cho phi hành đoàn về việc hỏi mượn vài chiếc bút bi của hành khách. Sau vài phút, tôi có 4 - 5 cây bút liền." - Karttikeya chia sẻ.

Chỉ một chiếc bút có lò xo phù hợp với cây bút của bác sĩ. Họ lắp chúng lại với nhau, và Thomas cuối cùng cũng được tiêm thuốc. Trong vòng 15 phút, đường huyết của anh ngưng tăng và dần trở lại ổn định.

"Ông ý cảm ơn tôi tưởng chết, lại còn mời tôi đến nhà hàng của ổng tại Amsterdam. Muốn ăn hay uống gì cũng được, ổng đãi." - Karttikeya kể lại.

Mọi chiếc bút muốn hoạt động thì phải có lò xo, và bút insulin cũng tương tự như vậy. Câu chuyện cho ta thấy rằng đôi khi những kiến thức đời thường như vậy lại được áp dụng để cứu sống một mạng người. Mấu chốt ở đây là sự sáng tạo của con người mà thôi.

Tham khảo: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại