Như đã đưa tin thì mới đây, hơn 500 sinh viên của Viện Công nghệ hoàng gia Melbourne (RMIT) của Úc đã phải di tản vì một thứ mùi lạ tưởng như khí ga bị rò rỉ . Tuy nhiên sau khi điều tra kỹ thì chẳng có lỗ ga nào rỉ ra cả.
Nguồn gốc của thứ mùi đó là một trái... sầu riêng.
Quả thực, sầu riêng là cái tên chỉ nghe thôi cũng đã thấy bốc mùi. Nữa là khi tại đây lại là một trái sầu riêng bị bỏ quên trong ngăn tủ, đang trong tình trạng thối rữa nữa.
Sự kiện xảy ra đã khiến cho cộng đồng người nước ngoài trên thế giới phải đặt câu hỏi, rằng tại sao có người lại thích ăn thứ quả với mùi hương được ví với mùi tất thối đến thế?
Nguồn gốc của thứ mùi gây ám ảnh
Thực ra sầu riêng không chỉ được ví với mùi tất thối. Một số người cho rằng nó giống mùi tỏi rữa, mùi pho-mai thối, hoặc thậm chí là mùi... người chết.
Nguồn gốc của mùi này được tiết lộ vào năm 2012, khi một nhóm chuyên gia tiến hành phân tích mùi hương trong những trái sầu riêng Thái Lan. Kết quả, họ nhận ra mùi hương ấy đến từ 50 hợp chất, trong đó có 4 chưa từng được khoa học biết đến.
Vấn đề là 50 hợp chất này khi đứng riêng lẻ thì chẳng có gì liên quan đến mùi sầu riêng cả. Chỉ khi kết hợp lại, chúng tạo ra một thứ mùi khiến cả thế giới phải lo sợ mà thôi.
Tại sao có người thích, người ghét?
Quả thực, sầu riêng đúng là thức quả gây chia rẽ bậc nhất vũ trụ này. Có những người sợ sầu riêng đến mức ám ảnh. Đây cũng là thức quả bị cấm trong hành lý xách tay trên máy bay.
Sầu riêng là một trong những vật bị cấm mang lên máy bay
Nhưng đồng thời, có những người lại si mê, tôn thờ thứ mùi này.
Theo một số chuyên gia, có lẽ một phần là vì vị của sầu riêng. Nếu bỏ qua mùi hương, thì vị của sầu riêng rất xứng đáng với danh xưng "vua của các loại quả". Ruột sầu riêng rất ngậy, béo, ngọt, khi ăn vị như kem bơ tan chảy trong miệng, lại có gia trị dinh dưỡng cao.
Một lý do khác có thể đến từ các thành phần ADN. Theo Darren Logan - chuyên gia thần kinh học người Đức cho rằng mỗi người các thụ thể cảm nhận khứu giác khác nhau.
Tổng cộng có 1000 gene quy định điều này, trong đó, 400 hoạt động, 600 còn lại hoặc vô dụng, hoặc chưa được kích hoạt.
Nhưng quan trọng hơn, giữa mỗi người lại có sự sai khác khoảng 100 gene. Và Logan cho rằng chính sự khác biệt này đã tạo ra sự tranh cãi nơi mùi sầu riêng. Người thích, người sợ là điều bình thường.
Tham khảo: IFL Science, Huff Post