Founder của Voiz FM là Trần Ngọc Thái. Anh sinh năm 1993, là cựu sinh viên ngành Marketing của Học viện bưu chính viễn thông Tp.HCM, và học viên thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế của ĐH Hồ Nam, Trung Quốc.
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, từ những năm cấp 2, cấp 3, Thái đã đam mê kinh doanh và công nghệ. "Khi còn học lớp 10, mình từng lập website để giúp khách hàng mua bản quyền phần mềm diệt virus. Mình cũng đến các trường cấp hai, cấp 3 ở địa phương để tiếp thị và bán phần mềm cho các thầy, cô giáo", Thái kể.
Tốt nghiệp cấp 3, Thái phân vân giữa theo học ngành lập trình hay kinh doanh. Tham gia một cuộc thi lập trình ở tỉnh, anh nhận ra mình thích lập trình nhưng thế mạnh lại không phải về thuật toán.
"Mình thấy chỉ có phần mềm mới thay đổi được thế giới. Vì vậy, mình quyết định học về kinh doanh nhưng xác định học để sau này sẽ làm gì đó liên quan đến phần mềm," Thái nói.
Năm 2015, Thái nhận được học bổng chính phủ toàn phần để theo học ngành Kinh doanh quốc tế tại đại học Hồ Nam, Trung Quốc. Ngày còn theo học chương trình thạc sĩ, anh được Adidas Trung Quốc tuyển chọn làm trợ lý giám đốc vùng.
Thấy chính sách làm việc không phù hợp với người Việt Nam, Thái quyết định từ bỏ công việc và tự khởi nghiệp bằng 2 công ty: Một công ty về xuất nhập khẩu, một công ty liên quan đến chuỗi bán lẻ.
Bước ngoặt chuyển đổi từ việc kinh doanh bán lẻ và xuất nhập khẩu sang Startup công nghệ của Thái là vào năm 2018. "Mình thấy về vật chất, cuộc sống của mình đã đủ rồi và mình không cần thêm nhiều tiền nữa.
Khi còn ở Việt Nam, mình hay nghe audio book, podcast khi di chuyển – khi đó phần lớn là nội dung "lậu". Khi đó, mình đã muốn làm một ứng dụng âm thanh, nhưng liên hệ các nhà xuất bản thì bị từ chối".
"Năm 2018, mình biết được có một một ứng dụng âm thanh thông tin – sách nói và podcast ở Trung Quốc đã trở thành Unicorn (startup trị giá 1 tỷ USD trở lên) sau rất nhiều nghi ngờ, cộng với cảm thấy thời điểm đã chín muồi ở Việt Nam, mình quyết tâm nhất định phải làm."
Có đối tác nhờ tôn trọng bản quyền, được đầu tư nhờ cả gan đụng "ông lớn"
Nguồn cảm hứng của Thái hầu hết đến từ ứng dụng Ximalaya FM của Trung Quốc. Tuy vậy, để tạo ra Voiz FM, Thái cùng vợ dành nhiều tháng để đọc hết nghiên cứu khoa học và tìm hiểu những ứng dụng tương tự thế giới.
Anh phân tích các tính năng phù hợp với thị trường Việt Nam, vẽ mockup (phác thảo thiết kế phần mềm), rồi tìm đội ngũ viết outsource toàn bộ ứng dụng.
Nói về sự khác biệt giữa người dùng Việt Nam và Trung Quốc, Thái chia sẻ: "Điểm khác biệt giữa thị trường nước ngoài và thị trường Việt Nam đó là giao thông công cộng mình không phát triển, không có ô tô nhiều và sự chuyển đổi, thích nghi với công nghệ của người dùng không quá nhanh."
May mắn của Thái trong giai đoạn đầu làm Startup là ứng dụng đã được làm "out-source" (gia công phần mềm) rất tốt. Anh mời nhà phát triển này vào đội ngũ sáng lập và nhanh chóng tìm được nhà đầu tư thiên thần.
"Sau khi làm được 3 tháng, mình bắt đầu mua bản quyền âm nhạc với mục tiêu muốn làm một nền tảng âm thanh cái gì cũng có. Việc dám mua hàng loạt bản quyền âm nhạc khiến mấy "ông sếp" trong một công ty âm nhạc trực tuyến hàng đầu chú ý vì thấy thằng này dám "láo". Tuy vậy, ông ấy vẫn tìm hiểu rồi và đầu tư vào Voiz FM". Thái kể.
Với việc mua bản quyền từ các công ty xuất bản, Thái chọn cách tiếp cận từ đầu là mua toàn bộ bản quyền nội dung thay vì sử dụng nội dung "lậu" như nhiều ứng dụng khác.
"Ban đầu, số lượng đầu sách của Voiz FM tăng rất chậm so với các đối thủ vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, nhờ vào định hướng "100% bản quyền" mà chỉ trong vòng 6 tháng, Voiz FM đã có thể hợp tác với nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách uy tín, cùng hợp đồng độc quyền khai thác sách nói của hơn 1.000 tựa sách bán chạy nhất".
Tuy vậy, khó lớn nhất với Thái là vẫn việc phát triển người dùng của ứng dụng. Trong đó, anh thừa nhận sai lầm lớn nhất của mình là đã đốt rất nhiều tiền để lấy người dùng. "Với Startup, giữa thực tế và tưởng tượng khác xa nhau rất nhiều. Mình tưởng tưởng chỉ có cái app thôi là mọi người sẽ đón nhận "ồ ồ".
Mình từng làm bán lẻ và thành công trong việc thuyết phục người dùng mua hàng, nhưng việc tìm phát triển người dùng của một ứng dụng di động là hai điều hoàn toàn khác biệt.", anh nói.
Để giải quyết điều này, Thái "chiêu mộ" một giám đốc thương hiệu từ một tập đoàn đa quốc gia trở thành đồng sáng lập.
Chiến lược phát triển người dùng của anh tập trung vào việc hiểu dữ liệu, nghiên cứu hành vi người dùng. Từ đó, đội ngũ của Thái ra quyết định rất chính xác trong việc tìm kiếm người dùng chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Thời điểm ngay trước dịch Covid-19, Voiz FM rơi vào cảnh hết vốn. Đầu năm nay, dịch covd-19 bùng phát ở Việt Nam, công ty lại mất đi một khoản tiền lớn, nhân sự phải giảm đi một nửa, khiến cho cả đội ngũ Voiz FM rơi vào tuyệt vọng, thậm chí muốn bỏ cuộc.
"Khi đó, toàn bộ anh em Founder phải tự vay tiền bỏ lại vào công ty, hi sinh thời gian của mình để "cày ngày cày đêm" bù lại.
May mắn sao thời điểm Covid-19, Voiz FM chứng kiến lượng người dùng tăng trưởng đột phá – gấp đôi, lúc đó ngoài số vốn do quỹ nước ngoài và trong nước cam kết, nhiều nhà đầu tư tự tìm đến, thậm chí tranh giành để để đầu tư vào", Thái kể về giai đoạn khó khăn do Covid-19 vừa qua.
Tính đến nay, Voiz FM đã kết nối 12 nhà xuất bản lớn nhất Việt Nam. Trong đó có NXB Kim Đồng, NXB Tổng Hợp TP.HCM, NXB Trẻ, First News, Saigonbooks, Alphabooks, Quảng Văn, Bách Việt,...
Voiz FM cũng vươn tới, tiếp cận người dùng ở một số trường đại học, phương tiện di chuyển công cộng, chuỗi cà phê. Hiện, ứng dụng có 2.000 đầu sách, 14 triệu podcast và đang trong kế hoạch đạt 2 triệu user trong tháng tới.
Theo Thái, thành công lớn nhất của toàn bộ Voiz FM không phải là những con số mà là sự tự tin trong hiểu biết người dùng, đội ngũ Founder đúng và sự đồng thuận của toàn bộ thành viên.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Thái nói: "Voiz FM sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Trong đó có việc, Voiz FM sẽ nâng cao trải nghiệm nghe của người dùng bằng việc ra mắt thuật toán gợi ý (recommendation) vào đầu tháng 9 dựa trên hành vi nghe của họ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phát triển riêng công cụ Giọng đọc Trí tuệ Nhân tạo (AI Voice) để rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất nội dung, đồng thời phục vụ nhu cầu chọn giọng nói theo sở thích của người dùng."