Chân dung tân Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình

Trang Anh |

Trong nhiều năm làm tư lệnh ngành tòa án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có nhiều dấu ấn đậm nét.

Nội dung chính

  • Tiểu sử tân Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình
  • Những kết quả tích cực của ngành tòa án trong thời gian qua

Ngày 26/8, kỳ họp bất thường lần thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua các nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Hồ Đức Phớc, ông Bùi Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình sinh ngày 24/5/1958, quê tại Xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học An Ninh nhân dân, ông có nhiều năm công tác trong lực lượng CAND và giữ các chức vụ như: Đội trưởng Văn phòng Công an huyện Tam Kỳ, Phó Văn phòng tổng hợp, Phó Phòng nghiên cứu khoa học Công an tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng rồi đi học nghiên cứu sinh Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô.

Sau khi đi học ở Liên Xô về, ông Nguyễn Hòa Bình đảm nhận công tác tại các vị trí thuộc Bộ Công an như: Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng , Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy C15- Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Năm 2007 ông Nguyễn Hòa Bình được phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân và giữ chức Ủy viên thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Phó Tổng cục trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Tháng 5/2008, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong 2 năm đến năm 2010 thì ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015).

Sau 1 năm công tác ở vị trí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đến 8/2011, ông giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trong buổi trả lời chất vấn - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Đầu năm 2016, Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Hòa Bình được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.

Tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIII, tháng 4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình được bầu giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 5 năm sau, tháng 1/2021, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Bộ Chính trị.

Đến tháng 4/2021, ông Nguyễn Hòa Bình được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng.

"Các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được xét xử kịp thời, nghiêm minh"

Trong nhiều năm làm tư lệnh ngành tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có nhiều dấu ấn đậm nét, mang lại những kết quả tích cực.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác của các tòa án 6 tháng đầu năm 2024, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, riêng việc thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các tòa án thụ lý theo thủ tục sơ thẩm với hơn 2.860 vụ, hơn 6.450 bị cáo.

Các tòa án đã xét xử hơn 1.900 vụ, với hơn 3.750 bị cáo. So với cùng kỳ năm trước, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm tăng 841 vụ, với 1.853 bị cáo, xét xử tăng 695 vụ với 1.394 bị cáo.

Đặc biệt, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 69 vụ, với 216 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 1.660 tỷ đồng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, tòa cũng phối hợp với liên ngành tố tụng ở trung ương chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như: Vụ Việt Á, vụ án Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Tại kỳ họp Quốc hội ngày 21/8 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, "ngành tòa án có chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng cao. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh".

Tòa án cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc để quá thời hạn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai hiệu quả. Tiến độ giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan và xử lý người thi hành công vụ làm oan người vô tội được đẩy nhanh.

Chân dung ông Nguyễn Hòa Bình - Ảnh 3.Chân dung Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, tân Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ

Trong nhiều năm làm giám đốc công an các tỉnh, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi đã để lại dấu ấn đặc biệt.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại