Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm

Duy Anh |

Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành công an và người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất.

Tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội

Nghị quyết bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được Quốc hội thông qua trong phiên làm việc sáng 22/5. Với việc đa số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

9h sáng, tân Chủ tịch nước Tô Lâm bước lên bục thực hiện nghi lễ tuyên thệ.

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ.

Sau nghi thức tuyên thệ, tân Chủ tịch nước Tô Lâm cũng có bài phát biểu chứa nhiều thông điệp, trong đó ông nhấn mạnh, "sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm lễ tuyên thệ. Ảnh: VGP

Ông Tô Lâm, 67 tuổi, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội các khóa XIV, XV.

Sự nghiệp của ông gắn liền với ngành công an. Từ năm 1979 đến năm 2016, ông Tô Lâm đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành công an như: Phó Trưởng phòng Tổng cục An ninh – Bộ Công an; Trưởng phòng Tổng cục An ninh - Bộ Công an; Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I; Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị III; Phó Tổng cục trưởng; Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương; và từ năm 2016 đến nay, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.

Ông Tô Lâm được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng (2007); Được thăng cấp bậc hàm Trung tướng (7/2010); Được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng (9/2014). Vào tháng 2/2019, ông được thăng cấp bậc hàm Đại tướng, trở thành người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất.

Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 2.

Ông Tô Lâm khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: VGP

Bộ Công an thay đổi mọi mặt công tác

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, những năm qua, Đại tướng Tô Lâm đã có nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều mặt trận như đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh trật tự; về cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục; đi đầu về chuyển đổi số...

Đặc biệt trong đấu tranh với các loại tội phạm, với cương vị người đứng đầu Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo triệt phá nhiều vụ đại án như: Kít test Việt Á; Vụ án chuyến bay giải cứu; vụ án tại tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh và gần đây là Vạn Thịnh Phát...

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ Công an liên tiếp điều tra, phá án nhiều đường dây tội phạm tham nhũng, kinh tế lớn xử lý với hơn 4.400 vụ, hơn 6.300 đối tượng phạm tội về kinh tế; hơn 800 vụ, gần 2.300 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ, tăng cả về số vụ và số đối tượng so với năm 2022. Qua đó thu hồi được nhiều hơn tài sản cho Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội.

"Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra đưa ra nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng bị xử lý. Người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, khắc phục hiệu quả, nếu không sẽ bị xử lý", ông Tô Lâm từng nhấn mạnh khi phát biểu tại Quốc hội.

Ngoài việc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao. Bộ Công an còn gương mẫu, đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thành 224/224 dịch vụ công, tỷ lệ hồ sơ xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 85%, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 3.

Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Công tác hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, tạo dấu ấn đột phá, vượt chỉ tiêu pháp lệnh của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao. Trong lịch sử Quốc hội, Bộ Công an là Bộ đầu tiên tham mưu trình Quốc hội thông qua 5 luật trong 1 năm, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách, phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức tinh gọn bộ máy khi tiếp tục giảm 300 đơn vị cấp phòng, 1.300 đơn vị cấp đội; đồng thời nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là tại cơ sở.

Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 4.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại