Chân dung người đàn ông gánh trên vai 40.000 tỷ USD đang đảm đương công việc khó nhằn nhất của thế giới tài chính

Thu Hương |

Là người đứng đầu cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc, Guo Shuqing đang được giao nhiệm vụ loại bỏ các rủi ro mà không bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế.

2 tháng sau khi nhậm chức, Guo Shuqing đã làm một điều mà các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ chứng kiến hành động đó từ bất kỳ lãnh đạo cao cấp nào. Phát biểu tại Bắc Kinh, trước các quan chức và lãnh đạo ngành đến từ mọi miền đất nước, ông cam kết sẽ từ chức nếu không thể giảm thiểu tình trạng đòn bẩy quá cao đã tích tụ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc gần 1 thập kỷ qua.

"Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo", ông Guo nói, theo lời kể của những người đã có mặt tại sự kiện hồi tháng 4/2017.

Những câu nói của ông khiến những người ngồi dưới choáng váng. Không phải bởi vì việc 1 quan chức cấp cao thừa nhận khả năng có thể thất bại là chuyện cực hiếm, mà còn bởi họ hiểu rất rõ nhiệm vụ của ông Guo khó khăn đến mức nào.

Lớn nhất thế giới, quy mô 40.000 tỷ USD của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là gấp đôi Mỹ, do đó người giám sát 63 tuổi Guo Shuqing đang phải đảm nhiệm công việc khó nhằn nhất trong thế giới tài chính. Không chỉ có vậy, tình thế ngày càng khó khăn hơn khi mà kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng thấp nhất 3 thập kỷ, trong khi phải đối mặt với 1 cuộc chiến thương mại và cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông.

Chân dung người đàn ông gánh trên vai 40.000 tỷ USD đang đảm đương công việc khó nhằn nhất của thế giới tài chính - Ảnh 1.

Những ưu tiên hàng đầu của Guo - giữ cho hệ thống tài chính ổn định, xóa bỏ quy tắc ngầm là nhà nước sẽ bảo hộ cho mọi thứ, từ các sản phẩm quản lý tài sản cho đến tiền gửi tại ngân hàng – trớ trêu thay lại hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Để tạo ra 1 hệ thống bền vững hơn, ông phải thuyết phục các nhà đầu tư, ngân hàng và cả các chính quyền địa phương rằng Bắc Kinh sẽ không ra tay giải cứu khi giá tài sản lao dốc hoặc người đi vay vỡ nợ. Nhưng loại bỏ sự bảo lãnh của chính phủ sẽ kích hoạt lên làn sóng định giá lại rủi ro, dẫn đến hỗn loạn và thậm chí là khủng hoảng.

"Đi trên dây" đã là quá khó khăn, nhưng Guo phải đương đầu với tình thế này trong khi Mỹ - Trung căng thẳng vì thương chiến và núi nợ cao kỷ lục đang treo lơ lủng trên đầu nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, ông phải hoàn thành nhiệm vụ trước năm 2021, vì thông thường quan chức ở cấp như Guo sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65, dù đôi lúc sẽ có trường hợp ngoại lệ nhưng là rất hiếm.

Kể từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc đầu năm 2017, ông đã ban hành một loạt các quy định mới mà theo đó cấm hoàn toàn hoạt động bảo lãnh cho các sản phẩm quản lý tài sản (có tổng trị giá 14 nghìn tỷ USD), đóng cửa hàng nghìn công ty cho vay ngang hàng đang làm ăn bết bát, cho phép các doanh nghiệp địa phương vỡ nợ và khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng cao kỷ lục.

Mặc dù chiến dịch chưa từng có tiền lệ của ông đã gây ra chút xáo động cho nền tài chính Trung Quốc và cũng góp phần khiến nền kinh tế lớn thế hai thế giới tăng trưởng yếu nhất trong 3 thập kỷ, Trung Quốc vẫn chưa phải trải qua điều gì giống như 1 cuộc khủng hoảng. GDP tăng trưởng 6% trong quý III nhưng vẫn nằm trong mục tiêu.

Tất nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng giảm sâu hơn nữa thì Guo sẽ có ít không gian hơn để hành động, nhưng chí ít thì ở thời điểm hiện tại ông vẫn có thể tung ra thêm các chính sách cải cách. Theo các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu từng làm việc với Guo, công cuộc cải tổ của ông còn lâu mới kết thúc.

Guo sinh ra ở khu tự trị Nội Mông năm 1956, vài năm trước khi cố lãnh đạo Mao Trạch Đông thực hiện chiến dịch Đại Nhảy Vọt. Đến những năm 1970, khi còn niên thiếu, ông tham gia chương trình gửi hàng triệu thanh niên về vùng nông thôn tăng gia sản xuất. Sau đó ông học triết học tại ĐH Nankai ở Thiên Tân, lấy bằng thạc sĩ ngành chủ nghĩa Marxist và Leninist tại Viện khoa học xã hội.

Ngay từ thời niên thiếu Guo đã biết rằng mình muốn trở thành 1 nhà cải cách. Năm 1984, ông hoàn thành bài luận dài 35.000 nghìn chữ có tiêu đề "Điều tra về cải cách nền kinh tế Trung Quốc" và gửi cho Hội đồng nhà nước với hi vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tham khảo những kiến nghị của mình.

2 năm sau, ông nhận học bổng visiting scholar của ĐH Oxford, và ông đã bị sốc khi chứng kiến sự ảm đạm của những nền kinh tế Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông quay trở lại Trung Quốc, càng bị thuyết phục hơn rằng cần phải thay đổi hiện trạng, đặc biệt là phải nới lỏng sự quản lý của các chính quyền địa phương đối với nền kinh tế.

Công việc đầu tiên của Guo là tại Ủy ban kế hoạch, tiền thân của Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia. Ông thăng tiến một cách vững chắc trước khi trở thành một trong những nhà cải cách ủng hộ thị trường lớn tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông từng đảm nhiệm một số vị trí cấp cao tại NHTW, ủy ban chứng khoán, ngân hàng quốc doanh lớn thứ hai Trung Quốc và cả tại ủy ban các tỉnh Quý Châu và Sơn Đông.

Khi làm người đứng đầu Cơ quan quản lý ngoại hối, ông đã có những chính sách nhằm tự do hóa dòng chảy vốn xuyên biên giới và làm cho tỷ giá nhân dân tệ linh hoạt hơn. Theo Guan Tao, người từng là cấp dưới của Guo tại đây vào đầu những năm 2000, ông ấy không chỉ biết đi đúng hướng mà còn biết cách làm cho những cải cách hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chính trị để chúng hoạt động hiệu quả.

Những người biết Guo miêu tả ông là một trong số ít các quan chức cấp cao của Trung Quốc vừa có trí tuệ uyên thâm lại vừa biết cách cư xử khéo léo để có thể thích nghi với chính trường.

Ông đã viết ít nhất 300 bài luận và ít nhất là 14 cuốn sách. Trong những khoảnh khắc rỗi rãi hiếm có, ông thích nghe nhạc cổ điển và bàn luận về những chủ đề như vai trò của tỷ giá trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự khéo léo của Guo là ông đã giành được sự tín nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Tháng 3/2018, ông Tập đồng ý cho sáp nhập hai cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng và bảo hiểm, bổ nhiệm Guo làm Chủ tịch ủy ban giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC). Ông cũng trở thành bí thư đảng ủy NHTW Trung Quốc, đồng nghĩa ông có quyền lực hơn so với những người tiền nhiệm.

Sau chiến dịch dọn sạch hệ thống ngân hàng ngầm, tấn công vào các công ty cho vay ngang hàng, gần đây Guo tập trung giải quyết vấn đề của nhóm các ngân hàng nhỏ yếu kém. Hồi tháng 5, ông có bước đi chưa từng có tiền lệ khi quyết định để nhà nước tiếp quản Baoshang Bank, 1 ngân hàng đang gặp khó khăn của Nội Mông, và để cho các chủ nợ của Baoshang bị thiệt hại. Vụ việc khiến toàn thị trường phải định giá lại rủi ro tín dụng nhưng các ngân hàng lớn không bị ảnh hưởng. Những người ủng hộ Guo cho rằng điều này giúp hệ thống tài chính bền vững hơn vì phân loại rõ nhóm yếu và nhóm mạnh.

Cách Guo triển khai các quy định mới để quản lý các sản phẩm quản lý tài sản sẽ là phép thử lớn cho sự nghiệp của ông. Một số ngân hàng lớn đã tiến hành vận động hành lang để cản bước ông vì chiến dịch này đe dọa lợi nhuận của họ. Trong một bài phát biểu hồi tháng 9, Xiao Gang, cựu lãnh đạo của cơ quan giám sát TTCK Trung Quốc, cho rằng thời hạn 2020 mà ông Guo đề ra để các ngân hàng chấp hành là "phi thực tế và phi lý".

Thành công của Guo còn phụ thuộc vào việc ông có thể đảm bảo cải cách hệ thống tài chính vẫn tiếp tục là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Đảng cộng sản Trung Quốc hay không. Có một dấu hiệu để lạc quan: báo cáo do công ty nghiên cứu Trivium China công bố hồi tháng 9 cho thấy ít nhất 13 quan chức xuất thân từ ngành tài chính đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, sức khỏe của hệ thống 40.000 tỷ USD sẽ không thể được quyết định chỉ bởi 1 người duy nhất, cho dù người đó tài giỏi và được kính trọng đến đâu. "Cải cách hệ thống tài chính không phải là vấn đề mà 1 người có thể giải quyết, đó phải là nỗ lực của cả quốc gia", Michael Pettis, giáo sư tài chính tại ĐH Bắc Kinh và từng là lãnh đạo của ngân hàng Bear Stearns nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại