Mới đây, mạng xã hội sôi sục vì những bức tranh kỳ lạ.
Bức họa "Untitled" (2005) của Cy Twombly
Thoạt nhìn qua, nó giống như những nét vẽ nguệch ngoạc của một đứa trẻ - như những gì nhiều cư dân mạng nhận xét. Họ nhìn và nhớ về đứa trẻ 3 tuổi nhà mình, thậm chí là chính bản thân mình ngày trước cũng từng vẽ bậy như thế, để rồi phải xụ mặt nghe mắng mỏ nếu chẳng may nền tranh là một thứ gì đó quan trọng - như bức tường mới sơn của bố chẳng hạn.
Nhưng thứ khiến dân mạng quan tâm và cảm thấy chấn động nằm ở nguồn gốc và giá trị của chúng. Bởi, đó là những bức vẽ của danh họa Cy Twombly (1928 - 2011), và có giá trị từ 2 triệu đến hơn 75 triệu USD.
Tự nhận là một họa sĩ theo chủ nghĩa "biểu tượng lãng mạn", tranh của Cy Twombly là một "của quý" đối với các nhà phê bình nghệ thuật, nhưng khó mà khiến công chúng đồng cảm. Chỉ là giá trị bằng cả gia tài đủ để khiến mọi người tò mò về tác giả của chúng. Cy Twombly, ông là ai?
Những bước đầu chật vật
Edwin Parker Twombly, Jr. sinh ra tại Lexington, Virginia (Mỹ) vào năm 1928. Giống như cha, tên viết tắt của Twombly là Cy (đọc là "Sai"), theo tên của Cy Young, cầu thủ bóng chày cho Chicago White Sox.
Ngay từ khi còn nhỏ, Cy đã tỏ ra rất đam mê đối với nghệ thuật. Cậu trai Twombly ngày ấy đã đặt những bộ dụng cụ nghệ thuật về để tự mình thực hành. Cha mẹ Cy rất ủng hộ, và năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu nghiên cứu hội họa cùng danh họa đương đại người Tây Ban Nha Pierre Daura.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Twombly theo học hội họa tại Trường Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston - nơi truyền cảm hứng để ông quan tâm đến các danh họa theo trường phái Nổi loạn (Dadaism) và Siêu thực (Surrealism), như Kurt Schwitters và Alberto Giacometti.
Theo gợi ý của cha mẹ, Twombly còn dành thêm một năm theo học tại chương trình hội họa mới của ĐH Washington và Lee trước khi chuyển đến New York. Tại đây, ông được chiêm ngưỡng rất nhiều triển lãm hội họa của các họa sĩ đẳng cấp như Franz Kline, Jackson Pollock, hay Robert Motherwell, rồi dần thấm nhuần và tạo ra mỹ học riêng cho mình.
Trong thời gian theo học, ông có cơ hội gặp gỡ Robert Rauschenberg, người bạn thân thiết sau này và cũng gây ảnh hưởng lớn về nghệ thuật cho Twombly. Theo lời khuyên của Rauschenberg, Twombly gia nhập một trường nghệ thuật ở North Carolina. Đến năm 1952, bộ đôi tới Ý và Bắc Phi để học hỏi bằng một khoản tài trợ từ Bảo tàng Nghệ thuật Virginia.
Năm 1953, họ về nước và cùng nhau mở một cuộc triển lãm tại phòng tranh Stable Gallery New York. Nhưng nghệ thuật của họ khi đó không chạm đến công chúng. Nó thu về những phản ứng và bình luận tiêu cực đến mức giám đốc triển lãm Eleanor Ward thậm chí phải cất bỏ sổ lưu bút của khách tham quan.
Về mặt nghệ thuật, các tác phẩm của ông khi đó chủ yếu là đen trắng, chịu ảnh hưởng bởi hội họa của Rauschenberg cùng một số danh họa chuyên về tác phẩm đơn sắc. Nguồn cảm hứng của ông nhắm đến các ý tưởng về sự nguyên thủy, lễ nghi, quan niệm về sùng đạo, cộng thêm trải nghiệm từ chuyến du lịch châu Âu của bản thân.
Tài năng nở rộ
Năm 1953 - 1954, Twombly nhập ngũ, làm việc giải mã cho quân đội Mỹ. Mỗi lần được nghỉ phép cuối tuần, ông thuê một phòng khách sạn tại Augusta. Tại đây, ông dần hoàn thiện kỹ thuật vẽ tự động của hội họa "Siêu thực" bằng cách vẽ tranh trong bóng tối - hay còn gọi là "tranh mù". Nó tạo ra những đường cong méo mó kỳ lạ, trở thành nét đặc trưng trong hội họa của ông sau này.
"Untitled" (1954) - tác phẩm được Twombly sử dụng kỹ thuật "vẽ tranh mù" để thực hiện
Kể từ năm 1955, ông làm việc thường xuyên ở New York và trở thành nhân vật nổi bật trong một nhóm họa sĩ, bao gồm cả Robert Rauschenberg và Jasper Johns. Năm 1957, ông trở về Rome, gặp gỡ và kết hôn với nữ nghệ sĩ trẻ Baroness Tatiana Franchetti - em gái của người đỡ đầu nghệ thuật cho ông là Baron Giorgio Franchetti. Hôn lễ được tổ chức tại New York vào năm 1959, trước khi họ chuyển đến thị trấn ven biển gần Rome và Địa Trung Hải.
Từ đây, tâm hồn nghệ sĩ của Twombly trở nên thơ mộng hơn, đưa vào tác phẩm của mình những giai điệu nhẹ nhàng, bổ sung cả những nét cảm hứng từ văn học cổ điển. Cuộc sống tại châu Âu cũng đưa Hy Lạp - La Mã trở thành chủ đề xuyên suốt sự nghiệp của Twombly.
Di sản cuối đời
Thập niên 1970 - 1980, Twombly hoạt động ít hơn, nhưng vẫn cho ra đời những tác phẩm quan trọng. Trong đó vào giữa thập niên 1970, ông trở về với nghệ thuật điêu khắc - bước đệm khi còn theo học nghệ thuật mà ông đã không chạm vào suốt 20 năm. Giống như hội họa, tác phẩm điêu khắc của Twombly có cảm hứng cổ điển và chịu ảnh hưởng từ nước Ý.
Các tác phẩm sau này của Twombly dần được đưa vào màu sắc tươi sáng với chủ đề "dễ nhận ra" hơn
Nguồn cảm hứng ấy thậm chí tồn tại xuyên suốt đến tận các tác phẩm vào những năm cuối đời - đặc biệt là series hội họa Bacchus - tên của thần rượu trong Thần thoại Hy Lạp. Những tác phẩm giai đoạn này được ông đưa vào nhiều màu sắc tươi sáng hơn, vẽ nên những vật thể dễ nhận biết hơn - như hoa và cảnh vật.
Twombly từ trần vào ngày 5/7/2011, sống một đời không màng danh tiếng và sự công nhận. Dẫu vậy, ông cùng 2 người bạn - Robert Rauschenberg và Jasper Johns - vẫn được xem là những danh họa vĩ đại nhất nước Mỹ sau thời Chủ nghĩa Trừu tượng.
Nguồn: The Art Story