Chán chiến hạm Mỹ, Philippines quay sang mua hàng Ấn Độ

Mỹ Đức |

Công ty chế tạo tàu Garden Reach Shipbuilders & Engineers (GRSE) của Ấn Độ vừa giành được hợp đồng trị giá trên 300 triệu USD đóng chiến hạm cho Philippines.

Theo đại diện của GRSE, để giành được gói thầu đóng chiến hạm cho hải quân Philippines, GRSE đã đưa ra mức giá thấp nhất so với 3 công ty đóng tàu khác là Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc và Navantia của Tây Ban Nha.

GRSE cho biết 2 chiến hạm công ty này đóng cho Philippines dựa trên cơ sở tàu khu trục chống ngầm lớp Kamorta (P-28) hiện đang được biên chế trong lực lượng Hải quân Ấn Độ.

Theo những thông tin được GRSE công khai, lớp tàu này có thiết kế thủy động lực học với khả năng tàng hình, giảm tiếng ồn và rung xóc khi hoạt động.

Hệ thống động lực của tàu được lắp trên một bộ đệm nhằm giảm rung cùng hệ thống che chắc bức xạ hồng ngoại hiện đại. Cấu trúc thượng tầng làm bằng vật liệu composite giúp giảm trọng lượng và tăng khả năng tàng hình.

Cảm biến chính của tàu là radar trinh sát Revati 3D có khả năng theo dõi 150 mục tiêu ở cự ly 200 km. Radar điều khiển hỏa lực EL/M-2221do Israel chế tạo. Hệ thống định vị thủy âm HUMSA-NG gắn ở thân tàu và hệ thống định vị thủy âm kéo theo Atlas Elektronik.

Hệ thống điều khiển hỏa lực tác chiến chống ngầm hợp tác cùng tập đoàn DCNS của Pháp. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử DESEAVER MK-II.

Chán chiến hạm Mỹ, Philippines quay sang mua hàng Ấn Độ  - Ảnh 1.

Chiến hạm lớp Kamorta (P-28) của Ấn Độ.

Hệ thống vũ khí trên lớp chiến hạm này gồm: Pháo hạm Oto Melara 76 mm tầm bắn tối đa 20 km; 16 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa phòng không tầm trung Barak-8 tầm bắn tối đa 90 km, tầm cao 12 km; Vũ khí chống ngầm gồm 2 cụm phóng rocket chống ngầm RBU-6000 có khả năng tiêu diệt tàu ngầm ở độ sâu 500 m và 6 ống phóng ngư lôi 533mm.

Ngoài ra, đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Westland Sea King. Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp diesel CODAD, tốc độ tối đa 25 hải lý/h, phạm vi hoạt động 4.000 hải lý.

Tàu có chiều dài 109 m, rộng 13,7 m, lượng giãn nước toàn tải 3.400 tấn, thủy thủ đoàn 123 người.

Rõ ràng với thiết kế tàng hình và dàn vũ khí đa năng được GRSE đóng mới, lớp chiến hạm này đã ăn đứt những chiếc tàu chiến lớp Hamilton Philippines mua từ Mỹ. Theo Benito Lim - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, những con tàu hiện đại này khó có thể phù hợp với hỏa lực tinh vi của Trung Quốc.

Theo ông, vì con tàu này đã ngừng hoạt động nên Mỹ đã gỡ bỏ toàn bộ hệ thống điện tử, vũ khí tinh vi của nó. Khi Philippines mua lại, họ phải trả tiền để khôi phục khả năng của nó.

Tuy nhiên, ông cho rằng: "Mỹ biết Trung Quốc có vũ khí hiện đại, có tên lửa có thể tấn công Philippines, nhưng lại bán cho chúng tôi "balisong" (dao nhíp) để đối phó với súng máy của Trung Quốc".

"Tại sao họ lại bán rác cho chúng tôi? Họ đang lợi dụng chúng tôi để bán những vũ khí lỗi thời không giúp chúng ta trong tranh chấp đảo", ông Lim nói. Và đây rất có thể là lý do khiến Manila tìm mua chiến hạm từ nguồn khác ngoài Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại