1. Đêm nay, Champions League sẽ bước vào lượt trận vòng bảng cuối cùng trong sự háo hức của người Anh.
Đọc đến đây hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Có gì mà háo hức khi 3/5 đại diện Premier League (Chelsea, Man City và Tottenham) đã bỏ túi tấm vé đi tiếp, và 2 đại diện còn lại cũng nắm trên 95% khả năng tiến vào vòng knock-out?
Đúng là như vậy. Tuy nhiên, sự háo hức ở đây không phải là chuyện chờ đợi kết quả xem Chelsea có thể lần thứ 11 kết thúc vòng bảng ở ngôi đầu hay không, Man United và Liverpool có thuận buồm xuôi gió ở lượt cuối hay không?
Các fan không chờ đợi những niềm vui đơn lẻ, mà cả nước Anh đang trông chờ vào khoảnh khắc lượt trận vòng bảng khép lại và toàn bộ 5 đại diện Premier League đồng loạt hùng dũng tiến vào vòng knock-out.
Liverpool sẽ cùng Man United hoàn thành "cú ăn năm" cho người Anh ở Champions League?
Một kỷ lục Champions League sẽ được thiết lập: Lần đầu tiên trong lịch sử mới xuất hiện một quốc gia đóng góp tới 5 đội bóng ở giai đoạn knock-out. Đối với những người Anh đang chịu những sự tổn thương khác nhau thì kỷ lục này là một niềm tự hào vô cùng lớn.
Nó tạo ra hy vọng về việc các đội bóng Anh sẽ vùng lên lật đổ sự thống trị của La Liga - chủ nhân của 4 chức vô địch Champions League trong 5 mùa gần đây.
Với bóng đá Anh, hào quang Champions League đã từng chói lọi còn hơn thế. Trong giai đoạn từ năm 2005-2012, có tới 8 CLB Anh từng lọt vào trận chung kết Champions League, và 3 trong số đó bước lên ngai vàng (Liverpool, Man United, Chelsea).
Chức vô địch Champions League của Chelsea kết thúc kỷ nguyên rực rỡ của bóng đá anh trên đấu trường châu Âu.
Nhưng 5 năm gần đây, không những chẳng đóng góp đại diện nào ở trận chung kết - trận đấu được tường thuật trên 200 quốc gia với lượng người xem vượt mốc 300 triệu - người Anh còn trải qua liên tiếp 3 mùa bóng luôn phải nói lời chia tay ít nhất 1 CLB ngay từ vòng đấu bảng.
Bóng đá Anh bị chỉ trích rất nhiều. Người ta mỉa mai rằng Premier League chỉ tạo nên một vỏ bọc đẹp đẽ, nhưng thời gian đã "tẩy trang" Premier League, để lộ ra khuôn mặt mộc xấu xí, thô ráp bên trong.
Vậy nên sự kiện 5 CLB Anh cùng hẹn nhau ở vòng knock-out được coi là cách để người dân xứ sương mù hét vào mặt những kẻ chỉ trích: Chúng tôi đã trở lại.
2. Tuy nhiên, liệu việc Premier League kéo bè kéo cánh vào vòng knock-out đã nói lên điều gì cụ thể hay chưa?
Bốn năm trước, toàn bộ 4 đại diện Anh đều lọt vào vòng knock-out. Nhưng sau khi vòng 1/8 đi qua, Premier League chỉ còn sót lại 2 CLB. Tứ kết loại thêm một đội bóng nữa để một mình Chelsea đơn độc tiến vào bán kết và rồi bị Atletico đá văng khá nhục nhã với trận thua 1-3 ngay tại Stamford Bridge.
Trên Stamford Bridge, Atletico đánh bại Chelsea ở bán kết Champions League.
Premier League cũng giống hệt như đội tuyển Anh: Luôn bị đẩy vào tình trạng "hôm nay có rượu thì hôm nay say". Tức là vòng bảng nào cũng đá như rồng bay phượng múa, tạo ra những cảm xúc vô cùng thăng hoa, nhưng cứ vào đến giai đoạn quan trọng là y như rằng gây thất vọng.
Champions League mùa này nhiều khả năng cũng không phải là ngoại lệ.
Công bằng mà nói thì ngoại trừ Man City đang thi đấu với đẳng cấp tiệm cận những ông lớn ở châu Âu, cả 4 CLB Premier League còn lại đều có rất ít cơ sở để nuôi hy vọng tiến sâu.
Nhưng quan trọng nhất: Năm nay, Premier League khó lòng bảo toàn được thể lực tốt nhất mà đá knock-out Champions League.
Lịch thi đấy dày đặc khiến bóng đá Anh thiệt thòi khi Champions League bắt đầu vào vòng knock-out.
Lý do là vì Premier League 2017/18 sẽ kết thúc sớm 1 tuần, tạo điều kiện để đội tuyển Anh có thêm 7 ngày chuẩn bị cho World Cup 2018. Vì phải dồn lịch nên giai đoạn tháng 12 vốn đã rất khốc liệt sẽ càng trở nên đáng sợ hơn.
Có đầy đủ lý do để tin rằng, các đại gia Premier League sẽ đi qua tháng 12 theo kiểu "khi đi trai tráng khi về bủng beo". Họ vần nhau tới 8-9 trận trong chỉ hơn 1 tháng thì sức đâu mà chơi những trận đấu theo thể thức loại trực tiếp ở Champions League được?
Có lẽ nắm được thói quen càng sâu càng đuối của bóng đá Anh nói chung, nên truyền thông Anh rất khôn: Họ làm rầm rộ những sự kiện vô thưởng vô phạt để nuôi dưỡng cảm xúc của người hâm mộ. Thôi thì ngày nào còn rượu thì ngày đó cứ say vậy.