1. Đêm thứ Bảy vừa qua, sau phút 11 định mệnh, trên sân Emirates không còn là Man United của Mourinho nữa. Đội hình 3-4-2-1 ấy, với hai cầu thủ chạy cánh là Ashley Young và Valencia chuyển đổi rất nhanh từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại, sau 2 bàn thắng sớm từ việc tận dụng lỗi của Mustafi đã bị xé toang không chút thương tiếc bởi đã đánh mất hoàn toàn vị trí vốn được sắp đặt.
Hai bàn thắng sớm ấy là điều chưa bao giờ có trong đầu Mourinho, bởi trên Emirates, Man United bất ngờ đến mức rối loạn đội hình trước kịch bản bất ngờ đến không thể tin nổi - phải đối phó với một Arsenal tràn lên tấn công như không còn gì để mất, trong khi hàng thủ hoàn toàn mất kiểm soát.
Vẫn biết lối chơi phòng thủ chủ động "nhường sàn diễn" cho đối phương vốn dĩ chẳng lạ lẫm gì với Mourinho, nhưng để đội nhà phải hứng chịu đến 33 cú sút của đối phương, với đến 19 pha kết thúc trong vòng cấm địa, 15 pha kết thúc trúng đích thì quả là ngoài sức tưởng tượng của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, và chẳng có sự lý giải nào khác ngoài việc thế trận vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông.
Cần phải nhắc thêm rằng, cả 19 pha kết thúc trong vòng cấm ấy đều đến ở góc sút trực diện và có đến 4 pha kết thúc trong số đó là trong vòng 5m50. Sự hỗn loạn trong hàng thủ Man United còn được thể hiện bằng 65 pha phá bóng, tức có cứ trung bình 83 giây, các học trò của Mourinho lại thực hiện phá bóng một lần.
Hàng thủ của Man United lùi sâu, bị xé nát đến mức độ các cầu thủ Arsenal cực kỳ hạn chế sút xa, thay vào đó là đưa bóng vào tận sâu trong vòng cấm để kết thúc. Điển hình nhất là hai cú sút liên tiếp từ cự ly cực gần ở phút 56, khi tỷ số đang là 1-2 và nếu David de Gea không quá xuất thần cản phá được, thì hẳn kẻ thua trận chắc chắn không phải là Arsenal.
Đấy là còn chưa nói đến ít nhất 2 pha bóng mà nếu trọng tài bắt chính xác hơn, thì Man United đã phải nhận penalty. Theo "hiệu ứng cánh bướm", chỉ cần một trong những "cú đập cánh" liên tiếp ấy lệch nhịp, thì kết quả của trận đấu hẳn đã thay đổi rất nhiều.
Sự lỏng lẻo của hàng thủ Man United tạo cơ hội cho các chân sút Arsenal áp sát khung thành David de Gea.
2. Chiến thuật của Mourinho xưa nay vốn là "bắt bài" đối phương, phân tích chiến thuật của đối phương để từ đó đối phó, khắc chế, chứ không vận hành chiến thuật của riêng mình, như các mà Klopp hay Pep Guardiola vẫn làm, do đó, việc giữ được thế trận trước khi triển khai đối phó là điều quan trọng nhất.
Quay lại với trận đại chiến trên sân Emirates, Mourinho rõ ràng là thất bại thảm thương khi bất lực trong việc cứu vãn thế trận, dù đội nhà luôn trong tư thế dẫn bàn. Khen David de Gea là thủ thành xuất sắc nhất thế giới, cũng đồng nghĩa với việc Mourinho tự phủ nhận vai trò điều tiết trận đấu, xoay đổi cục diện của mình. Chưa bao giờ trong suốt sự nghiệp cầm quân của mình, Mourinho lại thảm hại đến thế.
Chiến thắng là điều cần thiết để Man United ít nhất giữ không cho khoảng cách 8 điểm với đội đầu bảng Man City không bị nới rộng ra, nhưng chiến thắng "đau tim" như trước Arsenal là điều cuối cùng Mourinho mong muốn, bởi chiến thắng này khiến Man United để lộ rõ hơn bao giờ hết điểm yếu của hàng phòng ngự trước những hàng tấn công giàu chất kỹ thuật như Arsenal.
May mắn và sự xuất sắc của David de Gea cứu Man United khỏi pha ăn mừng thứ 2 của Arsenal.
Chiến thắng này cũng của Man United sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Man City trước cuộc đối đầu với Quỷ đỏ trên Old Trafford cuối tuần này, trong bối cảnh Man United sẽ phải vắt sức cho trận đấu với CSKA Moscow giữa tuần, cũng như phải thiếu vắng đi trụ cột quan trọng nhất ở hàng tiền vệ - Paul Pogba trong trận derby Manchester này.
Pha phạm lỗi dẫn đến chiếc thẻ đỏ của Pogba thực sự không cần thiết, nhưng trước khi trách cứ tiền vệ người Pháp, phải nhìn nhận rằng thời điểm ấy, hàng công của Man United đang phải nhận cực nhiều sức ép, cũng như sự ức chế bởi bị chia cắt hoàn toàn, và dù đang dẫn trước 2 bàn, thì khả năng bị gỡ bàn, thậm chí là thua trận vẫn đang hiển hiện.
Một trận hòa trên Emirates chưa chắc đã là thảm họa, nhưng thua trận ngay trên Old Trafford chắc chắn là thảm họa, bởi trong lịch sử Premier League, chưa có đội bóng nào bị dẫn với cách biệt 12 điểm mà có thể lội ngược dòng để giành ngôi vô địch. Thua trận trước Man City đồng nghĩa với cánh cửa vô địch dường như chắc chắn khép lại trước mũi đội bóng chủ sân Old Trafford.
Niềm vui vừa đi qua, nỗi buồn đã ập đến.
Man City ghi được đến 46 bàn thắng trong 15 lượt trận Premier League tính từ đầu mùa, có nghĩa là trung bình họ ghi đến 3 bàn mỗi trận, và trước hàng thủ với Marcos Rojo thường xuyên phạm lỗi trong vòng cấm, Lindelof trận nào cũng trượt chân và Smalling thỉnh thoảng lại "để lạc" mất tiền đạo đối phương, khả năng thủng lưới của Man United là hiển hiện.
Mất Pogba, hàng tiền vệ của Man United sẽ dễ dàng bị áp đảo, khiến hai tuyến bị chia cắt, mà trên hàng công, Lukaku vẫn đang tít ngòi, và chân sút này chưa bao giờ có duyên với những trận đấu lớn.
Chiến thắng ở Emirates là "cú đập cánh" lạc nhịp của Man United, và sau đấy là "con lốc xoáy" rất có thể sẽ phá nát Nhà hát của những giấc mơ dưới gót giày của Gabriel hay Sergio Aguero. Quan trọng hơn nữa, Man United cũng xác định sẽ chia tay với lối chơi tấn công được mong đợi đi, bởi với bản tính của Mourinho, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha sẽ không bao giờ để một thảm họa như cuối tuần qua được phép lặp lại.
Dù chiến thắng, dù vẫn đang say sưa với chiến quả đoạt được trên Emirate, dù tự cho mình cái quyền cười vào mũi đội bóng thành London, nhưng rồi đây những người yêu mến Man United sẽ nhớ đến chiến thắng này như một kỷ niệm buồn, là cột mốc đánh dấu sự chia tay với một Quỷ đỏ được biết đến với lối chơi tấn công rực lửa, chỉ còn lại một Mouchester United đầy lạnh lùng và toan tính.