Chấm điểm các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump

Thu Hương |

Hai nền kinh tế đối lập trước và sau dịch bệnh sẽ nằm trong danh sách những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri vào ngày 3/11 tới. Và ông Trump phải đối mặt với thực tế phũ phàng: rất nhiều thành tựu của ông đã bị dịch bệnh xóa sạch.

4 năm ngồi trên ghế Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã "cai quản" tới 2 nền kinh tế.

Trong giai đoạn đầu tiên – mà kéo dài đến tận tháng 3 vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chinh phục được nhiều cột mốc lịch sử về việc làm, thu nhập và các chỉ số chứng khoán. Mặc dù vẫn có những tranh luận xung quanh việc liệu đó có phải là nền kinh tế tốt nhất từ trước đến nay như Tổng thống tuyên bố hay không, không còn nghi ngờ gì nữa để khẳng định cuộc sống của hàng triệu người Mỹ đã được cải thiện.

Trong giai đoạn thứ hai – đánh dấu bằng đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ cũng lập những kỷ lục nhưng lại là ở chiều ngược lại. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái, sau đó đã nhanh chóng phục hồi nhưng không phải là toàn bộ. Kinh tế Mỹ đang đối mặt với triển vọng rất khó dự đoán.

Hai nền kinh tế đối lập này sẽ nằm trong danh sách những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri vào ngày 3/11 tới. Và ông Trump phải đối mặt với thực tế phũ phàng: rất nhiều thành tựu của ông đã bị dịch bệnh xóa sạch.

Thành tựu kinh tế của ông Trump sẽ không bao giờ ăn khớp hoàn toàn với các câu chuyện được kể bởi các fan hâm mộ hay những người phản đối. Người chỉ trích cho rằng chính sách thuế của ông chỉ có lợi cho người giàu, nhưng sự thực là tình trạng nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo cũng giảm. Các nhóm thiểu số hưởng lợi lớn trong 3 năm đầu nhưng cũng là những người thiệt hại nặng nhất trong 7 tháng qua.

Tốc độ tăng trưởng GDP cũng tăng lên như ông Trump hứa hẹn, nhưng không bằng được những con số mà ông đưa ra. Các thị trấn có nhiều lao động phổ thông được hưởng lợi từ chính sách thương mại của ông, nhưng còn lâu họ mới có thể hồi sinh sau đại dịch.

Có một bài học đang ngày trở nên rõ ràng hơn sau khi 1 cuộc khủng hoảng y tế khiến nền kinh tế chệch hướng: một trong những cách tốt nhất để tăng sự thịnh vượng chung là phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Những điều tốt đẹp, mà đặc biệt là đối với những người bị bỏ lại phía sau, sẽ xảy đến vào các giai đoạn cuối của quá trình tăng trưởng kéo dài. Đợt tăng trưởng kết thúc vào tháng 3 là dài nhất trong lịch sử Mỹ, và đó là thành tích mà ông Trump nên chia sẻ cùng người tiền nhiệm Barack Obama.

Chấm điểm các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Đại dịch cũng là lời nhắc nhở rằng diễn biến của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống. Bài kiểm tra cho các nhà lãnh đạo chỉ là họ sẽ xử lý những gián đoạn bất ngờ này như thế nào.

Trong khảo sát của Wall Street Journal/NBC News thực hiện sau cuộc tranh luận trực tiếp ngày 29/9, ông Trump được đánh giá cao hơn đối thủ Joe Biden về khả năng điều hành kinh tế. Thêm vào đó, theo khảo sát do Gallup thực hiện tháng 9, 56% người Mỹ cho rằng họ đang giàu có hơn so với 4 năm trước – con số cao hơn cả mức mà Ronald Reagan và Barack Obama nhận được trước khi tái đắc cử. Tuy nhiên ông Trump nhận được mức điểm thấp hơn đối thủ trong vấn đề đối mặt với khủng hoảng y tế.

Nhà Trắng dự đoán kinh tế Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ V, mặc dù cũng có nhiều dấu hiệu về 1 đà hồi phục theo hình chữ K – tức có chênh lệch lớn giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các nhóm. Nhưng dù đó là hình thù gì, Mỹ vẫn đang có tỷ lệ nợ cao bất thường và đối mặt với tương lai bất định.

Việc làm: Tốt hơn dự báo cho đến khi Covid ập đến

Vài tuần sau khi ông Trump đắc cử năm 2016, các quan chức Fed đã họp bàn để cập nhật triển vọng kinh tế và vạch ra kế hoạch điều hành lãi suất. Họ đồng quan điểm rằng tỷ lệ thất nghiệp – khi đó đang là 4,7% - sẽ ở quanh mức 4,5% trong tương lai gần.

Nhưng đến cuối năm 2019 con số đã giảm xuống còn 3,5%. Tốc độ tạo việc làm được dự đoán sẽ giảm tốc và đúng là như vậy nhưng ở mức độ nhẹ hơn nhiều so với dự đoán. Trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama mỗi năm trung bình có 2,6 triệu việc làm mới, còn trong 3 năm đầu của ông Trump có 2,2 triệu việc làm.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm là gói kích thích tài khóa năm 2017 và 2018. Tỷ lệ thất nghiệp thấp tạo ra rất nhiều lợi ích: tiền lương tăng trưởng tốt, tạo nhiều cơ hội cho các lao động tay nghề thấp.

Thế nhưng những thiệt hại mà các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí là đóng cửa nhiều bang gây ra đã khiến thành quả 3 năm tan thành mây khói. Tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp chạm mốc 14,7%. Đến tháng trước con số giảm xuống còn 7,9% nhưng thị trường lao động chưa thể hồi phục. So với thời điểm ông Trump nhậm chức đã có thêm 5 triệu người thất nghiệp.

Chấm điểm các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tăng trưởng kinh tế: Khiêm tốn và từ nguồn không ngờ tới

Đà tăng trưởng bắt đầu từ giữa năm 2009 chậm chạp một cách đáng ngại. Ông Trump tuyên bố mình sẽ thay đổi điều đó. Kế hoạch ngân sách năm 2017 dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 3% vào năm 2020 và duy trì ở mức đó.

Đúng là tăng trưởng đã khởi sắc, nhưng không nhiều như dự đoán. Một động lực quan trọng tạo ra tăng trưởng là chi tiêu công. Chi tiêu liên bang đã tăng nhanh kể cả trước cuộc khủng hoảng Covid, chủ yếu là tăng chi cho quốc phòng. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP vẫn không khá hơn đáng kể so với thời Obama.

Các chính sách cắt giảm thuế và luật lệ của ông Trump có mục đích thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và tăng năng suất lao động để cải thiện tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên rõ ràng là ông chưa đạt được điều đó. Sản lượng có tăng lên nhưng chưa thể bằng những năm huy hoàng 1960, cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Dù có tăng mạnh vào cuối năm 2017, đầu tư của khu vực tư nhân lại quay đầu giảm tốc sau khi ông Trump phát động cuộc chiến thuế quan. Giờ đây khu vực tư nhân tiếp tục đối mặt với 1 làn gió ngược mới: tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa.

Các lao động thu nhập thấp và các nhóm thiểu số là người thắng cuộc nhưng cũng là người thua cuộc

Cách đây 1 thập kỷ, Leroy Johnson đang làm công việc chăm sóc khách hàng được trả lương 11 USD/tiếng tại United Airlines. Là người da đen và độc thân, anh bắt đầu học cao đẳng tại ĐH New York nhưng phải bỏ dở. Nhưng 10 năm qua Johnson đã thăng tiến khá thành công tịa United.

Anh từng làm quản lý ở San Francisco và đang kiếm được 100.000 USD/năm trước khi virus tới. Dưới thời Trump, thu nhập trung bình của các hộ gia đình đã tăng trưởng tốt, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp và tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm người da đen đã giảm xuống dưới 20% lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ hai. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống dưới 6% lần đầu tiên kể từ 1972. Ông trump gọi đây là thành tựu lớn nhất của mình.

Tuy nhiên giống như các nhân viên khác của United Airlines, Johnson (33 tuổi) đã bị cắt giảm 20% lương vì dịch bệnh. Anh thoát được cơn bão sa thải và tháng 6 vẫn còn được thăng chức. Tuy nhiên rất nhiều người không có được vận may như vậy. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm da đen trong tháng 9 là 12,1%.

Thương mại và công việc chân tay – Dự án dang dở

Chính sách thương mại của ông Trump, đặc biệt là các loại thuế nhập khẩu, có mục đích trước tiên là giúp đỡ các vùng bị ảnh hưởng bởi hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Mexico và các nước có chi phí nhân công thấp khác.

Tuy nhiên điều đó không dễ xảy ra trong một sớm một chiều. Ngành sản xuất của Mỹ đã giảm 8 triệu việc làm (tương đương hơn một nửa) từ năm 1979 đến 2009. Dưới thời Trump xu hướng có đảo chiều nhẹ. Tuy nhiên Covid-19 đã khiến số việc làm quay trở lại mức tương đương những năm 1940.

Các tiến bộ công nghệ và hoạt động thương mại toàn cầu cũng không biến mất. 2 năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử mức lương trung bình mỗi giờ của ngành dịch vụ đã vượt qua ngành sản xuất.

Có thể nhìn thấy câu chuyện rõ ràng nhất trong ngành xe đạp. Từ năm 2018, chính quyền Trump đã áp mức thuế 25% lên xe đạp và linh kiện xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc. Trek Bicycle, 1 công ty sản xuất xe đạp cao cấp (có giá khoảng 4.000 USD) đã chuyển dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc về Wisconsin nhưng điều đó cũng không giúp ích gì.

Chấm điểm các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump - Ảnh 3.

"Để sản xuất số lượng lớn, bạn cần có chuỗi cung ứng ở bên. Ở đây không ai làm lốp xe, má phanh hay vành xe. Tất cả đều phải nhập khẩu từ châu Á". Vì thế Trek đã chuyển một phần hoạt động sang Campuchia để né thuế.

Bản thân thương mại đang trở thành lực cản kéo lùi kinh tế Mỹ. Tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu chậm lại trong năm 2018 vì cuộc chiến thuế quan. Thâm hụt thương mại đã tăng từ mức 481 tỷ USD của năm 2016 lên 577 tỷ USD trong năm 2019. Và đại dịch càng khiến thâm hụt nặng hơn do kinh tế toàn cầu sụp đổ, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Ngoài ra Mỹ còn nhập khẩu một lượng lớn các thiết bị điện tử cần thiết cho các lớp học và văn phòng trong thời giãn cách xã hội. 8 tháng đầu năm 2020 kim ngạch nhập khẩu máy tính và chip của Mỹ tăng 6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà Trắng cần những người xử lý khủng hoảng!

Trong những năm 1970 và 1980, suy thoái thường xuất phát từ việc Fed tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Mấy thập kỷ gần đây, khi lạm phát ì ạch, đà tăng trưởng lại bị đe dọa bởi những cú sốc bất ngờ.

Đầu những năm 1990, đó là sự kiện Iraq xâm lược Kuwait và khiến giá dầu tăng vọt, bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp và sức chi tiêu của các hộ gia đình. Đầu những năm 2000, đó là bong bóng bất động sản vỡ và làm rung chuyển hệ thống ngân hàng. Năm nay đó là dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, giáo sư Stock của ĐH Harvard cho rằng kỹ năng quản lý khủng hoảng trở thành thước đo quan trọng đo lường khả năng quản lý kinh tế. Ông Trump tự nhận bản thân đã hành động mạnh mẽ khi cấm người từ Trung Quốc nhập cảnh, cung cấp máy thở cho các bang và tung ra chương trình cứu trợ tài chính khổng lồ. Những người phản đối chỉ trích ông đã quá coi nhẹ virus, để mặc các bang tự giành giật thiết bị y tế và chỉ tung ra gói cứu trợ sau khi được đảng Dân chủ giúp đỡ.

Một cách để đo lường hiệu suất kinh tế trong 1 cuộc khủng hoảng y tế là so sánh với các nền kinh tế khác. Về tăng trưởng, Mỹ không có gì nổi bật. IMF dự báo mọi nền kinh tế lớn sẽ suy giảm GDP trong năm nay, ngoại trừ Trung Quốc tăng trưởng 1,9%. Mức giảm 4,3% của Mỹ sẽ bằng với mức trung bình của thế giới, dù vượt trội so với Đức, Nhật, Canada nhưng kém hơn Hàn Quốc, Australia và đảo Đài Loan.

Về nợ chính phủ, Mỹ được dự báo sẽ nặng nợ hơn bất kỳ quốc gia nào. Dưới thời Trump nợ của chính quyền liên bang đã tăng 5.600 tỷ USD. Hiện lãi suất đang siêu thấp và không có gì để nói. Nhưng rủi ro là mức nợ quá cao khiến Mỹ không thể đầu tư và theo đuổi tăng trưởng kinh tế cao hơn trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại