Nhật Bản đặt Asean là "trái tim" chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, báo Trung Quốc nói gì?

Thúy |

Đặt Đông Nam Á là trọng tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản đã đạt được bước tiến dài trong việc trở thành quốc gia có ảnh hưởng tới khu vực này.

Mong muốn của Tokyo

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây có bài xã luận chỉ ra, việc Nhật Bản và Ấn Độ ký thỏa thuận tương trợ quốc phòng có tên Thỏa thuận về tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ vào tháng trước là điều đáng chú ý. Đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang xem lại chiến lược an ninh của mình, dự báo sự thay đổi chính sách quốc phòng của nước này từ thế bị động sang chủ động trong khuôn khổ chủ nghĩa hòa bình.

Theo SCMP, hành động Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Đức hay một số khu vực chiến lược khác khiến Nhật Bản muốn xem xét lại kế hoạch an ninh của mình để không phụ thuộc vào duy nhất đồng minh Mỹ.

Từ thỏa thuận quốc phòng với Ấn Độ, khả năng tiếp cận của Nhật Bản tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có trung tâm là khu vực Đông Nam Á sẽ càng lớn hơn. Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại tất cả các diễn đàn đa phương. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã sử dụng thuật ngữ này lần đầu tiên vào năm 2007. Sau khi nhậm chức năm 2012, ông Abe cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) hôm 13/10 đưa tin, trong cuộc họp với đảng Dân chủ Tự do (LDP), tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ thái độ coi chuyến thăm dự kiến tới các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu từ Việt Nam và Indonesia có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) nắm vai trò chủ đạo.

Việt Nam và Indonesia là những thành viên quan trọng của Asean. Theo các đánh giá, khu vực Asean ngày càng khẳng định được vai trò trung tâm trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tầm ảnh hưởng của Nhật Bản

Nhật Bản đã có bước tiến trong việc trở thành một trong những quốc gia có ảnh hưởng nhất tới khu vực Đông Nam Á. Sự hỗ trợ tài chính lớn của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và vai trò gìn giữ hòa bình ở khu vực giúp Nhật có được sự tin tưởng cao trong Asean. Các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á ước tính đạt khoảng 367 tỷ USD, lớn hơn so với 255 tỷ USD của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) chỉ ra, kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản luôn coi trọng khu vực Đông Nam Á, sớm tham gia hợp tác vào các hoạt động kinh tế và ngoại giao ở đây. Bắt đầu từ những năm 1950, Nhật Bản sử dụng khoản "bồi thường chiến tranh" như một phương tiện để cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, sau đó là việc mở các cơ quan đại diện ngoại giao.

Với sự phát triển kinh tế những năm 1960, Nhật Bản thiết lập quan hệ kinh tế gần gũi với các quốc gia Asean thông qua thương mại, đầu tư và các khoản viện trợ chính thức. Vào những năm 1960, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của rất nhiều quốc gia trong khu vực này.

Khi Nhật Bản tìm cách giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc và chuyển đổi cơ sở sản xuất, Đông Nam Á có thể là một trong những khu vực có lợi nhất.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga từng là Chánh văn phòng nội các của ông Shinzo Abe và được coi là người sẽ tiếp nối di sản của ông Abe về tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhật Bản đặt Asean là trái tim chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, báo Trung Quốc nói gì? - Ảnh 2.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Kyodo

Cây bút Akash Sahu - nhà nghiên cứu về Đông Nam Á - đánh giá trên SCMP rằng Nhật Bản có thể giúp xây dựng sự ổn định trong khu vực bởi nước này từ lâu ủng hộ mạnh mẽ vấn đề an ninh ở Đông Nam Á và cũng là quốc gia duy nhất có tầm quan trọng về kinh tế và văn hóa trong khu vực ngang với Trung Quốc.

Ngược lại, Tokyo cũng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong khối Asean ở lĩnh vực chính trị và an ninh.

Báo Trung Quốc nói gì?

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, ngày nay, Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới. Khu vực này có lực lượng lao động trẻ dồi dào, tốc độ phát triển kinh tế nhanh và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhật Bản - quốc gia đang chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 hiện đang tìm cách làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Đông Nam Á.

Là một đồng minh trung thành của Mỹ với tầm ảnh hưởng to lớn ở Đông Nam Á, Tokyo có thể sẽ ủng hộ các chính sách quay lưng với Trung Quốc của Washington. Vì vậy, rất có khả năng ông Suga sẽ tìm cách tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản - Asean trong vấn đề an ninh hàng hải và thực hiện nhiều hơn các kế hoạch trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên Hoàn Cầu cũng chỉ ra Trung Quốc và Asean là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Điều này tạo cơ sở cho quan hệ kinh tế thương mại song phương ngày càng thân mật đồng thời tạo động lực hợp tác Trung Quốc - Asean trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường do Trung Quốc đề xuất.

Tờ báo kết luận, đối với những thành tựu kinh tế và thương mại Trung Quốc - Asean, Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn nếu muốn gia tăng ảnh hưởng hơn là chỉ mỗi thông qua các nghi thức ngoại giao. Và chính các quốc gia Đông Nam Á cũng không muốn trở thành mục tiêu cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại