Thỏa thuận nhanh chóng giữa Campuchia-Trung Quốc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12/10 đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA) cùng một thỏa thuận về hợp tác kinh tế và kỹ thuật để cung cấp viện trợ.
Nội dung chi tiết của CCFTA vẫn chưa được công bố.
Trung Quốc đã có các thỏa thuận thương mại có hiệu lực với nhóm Asean, mà Campuchia là một thành viên. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của hai nước này đã được miễn thuế nhờ kết quả của hiệp định thương mại tự do Asean-Trung Quốc ký năm 2010.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 12/10 cho biết nước này sẽ mở rộng phạm vi chính sách thuế suất bằng 0 đối với 97.53% hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia, trong khi Phnom Penh không áp thuế đối với 90% sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu.
Đàm phán FTA Trung Quốc-Campuchia được khởi động từ tháng 12 năm ngoái, sau khi Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu then chốt của Campuchia - đình chỉ một số ưu đãi thương mại đặc biệt đối với Phnom Penh trong khuôn khổ Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA - Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí).
Việc rút các ưu đãi thuế quan và thay thế bằng thuế quan tiêu chuẩn của EU (theo quy chế tối huệ quốc MFN) được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến một số sản phẩm của Campuchia như may mặc, giày dép, các mặt hàng liên quan du lịch, mía đường. Tổng giá trị ảnh hưởng sẽ chiếm khoảng 1/5 tổng lượng hàng xuất sang EU, tương đương 1 tỷ euro, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này vào thị trường EU. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 12/8 vừa qua.
Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Hun Sen dẫn lời Thủ tướng Campuchia, tuyên bố "Chương trình ưu đãi EBA đến một ngày nào đó sẽ biến mất, còn CCFTA sẽ tồn tại vĩnh cửu".
CCFTA được đồng thuận nhanh chóng như thế bởi quy mô thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Campuchia là tương đối nhỏ - theo Xu Liping, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cơ quan nghiên cứu có liên hệ với Quốc vụ viện Trung Quốc.
Tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc-Campuchia tăng 27.7% trong giai đoạn 2018-2019, lên mức 9.43 tỷ USD.
"Đề cập đến các đàm phán về thỏa thuận thương mại thì không chỉ có vấn đề thương mại, mà những vấn đề chính trị cũng hết sức quan trọng," Xu nói. "Đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia không có nhiều can thiệp về chính trị. Đó là lý do thỏa thuận đạt được nhanh chóng."
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/10/2020 (Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc thúc đẩy ảnh hưởng với Asean
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thỏa thuận thương mại được hoàn thành tương đối chóng vánh, cho phép cắt giảm thuế quan và thúc đẩy đầu tư, làm nổi bật ý định của Trung Quốc trong tăng cường tầm ảnh hưởng kinh tế đối với các thành viên Asean, giữa bối cảnh thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng tại khu vực.
Dù kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm nay, thương mại giữa Trung Quốc và nhóm Asean tăng trưởng 3.8% so với cùng kỳ, đạt 416.6 tỷ USD và đưa Asean trở thành đối tác thương mại lớn nhất tính đến thời điểm này trong năm - theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Chuyên gia Xu cho rằng, trong khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu trong hàng loạt vấn đề, gồm thương mại, sự thống trị về công nghệ, tình hình biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương,... sức ép đang gia tăng trong vấn đề lập trường của các nước Asean.
Ngoại trưởng Vương Nghị thúc giục các nước trong khu vực "cảnh giác" trước chiến lược của Mỹ gây cạnh tranh địa chính trị ở biển Đông và trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, gia tăng hoạt động trong khu vực và theo dõi các cuộc tập trận của Quân giải phóng nhân dân.
Báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI), được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, nói rằng có ít nhất 60 lượt bay của các máy bay trinh sát Mỹ tiếp cận Trung Quốc ở cự ly gần, gồm 41 lượt bay qua biển Đông, 6 lượt qua biển Hoa Đông và 13 lượt bay qua Hoàng Hải. SCSPI cho rằng có thể Mỹ đang chuẩn bị cho các nhiệm vụ tầm xa trong tương lai ở khu vực biển Đông.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc có mưu đồ tạo dựng "đế chế hàng hải" trên các vùng nước tranh chấp, dù Bắc Kinh bác bỏ. Washington cũng áp cấm vận với hàng chục thực thể Trung Quốc với cáo buộc hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý.
"Đối với Đông Nam Á, khó có thể tránh được ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ," Xu Liping đánh giá. "Với các nước Asean, việc chọn bên là không có lợi. Họ duy trì chiến lược chính sách đối ngoại cân bằng."
Ông Xu nhận xét ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong nhóm Asean, sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng về thương mại và kinh tế, là "không cần bàn cãi". Dù vậy, ông cho rằng Mỹ vẫn duy trì vai trò nổi bật tại nhiều nước, gồm Campuchia - nơi đồng USD vẫn được sử dụng rộng rãi.
"Tôi không cho rằng chiến lược của Trung Quốc là cưỡng ép các nước Asean chỉ để nhắm vào Mỹ," ông Xu nói. "Tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ tập trung vào các quan hệ đối tác hiện có."
"Nhưng về việc ứng phó với các biện pháp của Mỹ trong khu vực, tôi cho rằng Trung Quốc không cần thiết phải trả đũa. Trung Quốc vẫn sẽ tập trung vào các dự án và chính sách của mình."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus