Trung Quốc cam kết kiểm soát ô nhiễm
Gần đây, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ đạt được mức độ trung hoà carbon trước năm 2060. Là nước thải ra lượng CO2 số một thế giới nên tuyên bố này thu hút rất nhiều sự chú ý.
Theo New York Times (NYT - Mỹ), dù cam kết bảo vệ môi trường của Trung Quốc ngày càng được nhấn mạnh nhưng nước này cũng đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo, chiếm khoảng hơn 45% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy các biện pháp thực thi pháp luật tập trung và chặt chẽ hơn của Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát ô nhiễm.
Sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm trong hai năm liên tiếp sau khi đạt đỉnh vào năm 2014 và đã tăng trở lại kể từ năm 2017. Tương tự như vậy là sản lượng sản xuất than (Trung Quốc sản xuất một nửa tổng sản lượng của thế giới vào năm ngoái ) và tiêu thụ (tỷ trọng tiêu thụ than trong tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã giảm nhẹ, lần đầu tiên giảm xuống dưới 60% vào năm 2018)..
Theo một cuộc họp báo vào tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, công suất máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang được xây dựng hoặc trong kế hoạch vào thời điểm đó đã vượt quá công suất lắp đặt hiện có của Mỹ hoặc Ấn Độ, đạt 249,6 nghìn tỷ kW.
Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đang mong muốn kích thích sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, điều này mang lại cho các quan chức các cấp lý do để "làm mọi thứ có thể để bù đắp các khoản nợ" - như Phó Chủ tịch tỉnh Cam Túc Lý Bái Hưng cho biết vào mùa hè này.
Theo báo cáo, trong nửa đầu năm nay, số lượng giấy phép xây dựng nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc được cấp nhiều hơn so với năm 2018 và 2019. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, có trụ sở tại Phần Lan, tính đến tháng 5, nồng độ của bốn chất gây ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vượt mức so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là nước thải ra lượng khí CO2 lớn nhất thế giới do các ngành công nghiệp nặng như khai thác than đá, nhiệt điện. Ảnh: Asia times
NYT nhận định, tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt được mức độ trung hoà carbon trước năm 2060 của ông Tập có thể được truyền cảm hứng từ giả thuyết đường cong Kuznets: Trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế, tăng trưởng có thể dẫn đến gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường Nhưng sau khi thu nhập tăng lên, cuối cùng sẽ giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tuy nhiên, để lý thuyết này phát huy tác dụng ở Trung Quốc, Bắc Kinh phải thay đổi mô hình tăng trưởng, thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng như một động lực tăng trưởng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá.
Bất lợi cho cả Mỹ và TQ
Trong khi đó, kể từ khi Mỹ chính thức thông báo rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2019 thì uy tín của Washington đối với các vấn đề môi trường ngày càng suy yếu, theo NYT.
Theo thỏa thuận trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cam kết giảm lượng khí thải carbon tại Mỹ và cung cấp 3 tỷ USD tài trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh. Trái lại, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục thoái lui về các quy định bảo vệ môi trường trong nước: Chính phủ bãi bỏ kế hoạch điện sạch, cam kết hồi sinh ngành than, nới lỏng các hạn chế đối với việc khai thác dầu mỏ và khí thiên thiên, bắt đầu hủy bỏ quy định hạn chế sử dụng hóa chất gần vùng sông và đầm lầy .
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và việc tạm dừng hầu hết các cơ chế đối thoại song phương chính thức cũng đã làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.
Trước môi trường quốc tế mà chính phủ Trung Quốc cho rằng ngày càng bất lợi, Bắc Kinh đang cố gắng tực lực nền kinh tế. Ngay cả các quan chức có tư tưởng cởi mở của Trung Quốc như Phó Thủ tướng Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập, trưởng đoàn đàn phán kinh tế với Mỹ - cũng đang ủng hộ chiến lược được gọi là lưu thông kép, ưu tiên lưu thông trong nước hoặc phát triển thị trường và tiêu dùng nội địa, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào ngoại thương ở mức độ nhất định.
Khi Trung Quốc trở nên độc lập hơn về kinh tế, ảnh hưởng của Washington đối với sự phát triển của Trung Quốc và các tiêu chuẩn môi trường có thể sẽ giảm xuống. Mà sự suy thoái môi trường của Trung Quốc cũng có hại cho Mỹ.
NYT cho biết, ô nhiễm không khí từ châu Á có lúc là nguyên nhân gây ra tới 65% sự gia tăng nồng độ ozone ở một số vùng của Mỹ. Một nghiên cứu năm 2006 về dữ liệu ô nhiễm không khí ở Trung Quốc năm 2006 cho thấy khi gió mạnh thổi qua Thái Bình Dương, các chất ô nhiễm do các ngành xuất khẩu của Trung Quốc sản xuất ra tạo 4% đến 6% hàm lượng CO được ghi nhận ở miền Tây Mỹ. Các nhà vật lý của NASA nói rằng các chất gây ô nhiễm không khí từ Trung Quốc và các nước châu Á khác có thể “khiến mùa đông Mỹ lạnh và tuyết rơi dày hơn".
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 4, tác động của Trung Quốc đối với môi trường toàn cầu đứng đầu danh sách những mối quan tâm của người dân Mỹ về Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Washington theo đuổi chính sách tách kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump tuyên bố công ty nào thuê người lao động bên ngoài nước Mỹ trong các ngành công nghiệp then chốt sẽ bị mất các hợp đồng liên bang, đồng thời cung cấp các khoản khấu trừ lớn về mức thuế cho các công ty trong các ngành công nghiệp chủ chốt (như dược phẩm và robot) đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi như vậy xảy ra, các chất ô nhiễm mà Washington thực sự xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua gia công có thể quay trở lại Mỹ.
Trái ngược với trước đây, ông Trump từng nói rằng: "Những kẻ tấn công thành tích môi trường xuất sắc của Mỹ và phớt lờ tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của Trung Quốc là không quan tâm đến môi trường. Họ chỉ muốn trừng phạt Mỹ, điều mà tôi sẽ không khoan nhượng".
Được biết, trong năm 2010, ngành xuất khẩu của Trung Quốc đã tạo ra 1,8 triệu tấn vật chất dạng hạt mịn được gọi là PM2.5 trong không khí của Trung Quốc, 60% trong số đó là do sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Theo NYT, tổng thống Trump thường miêu tả mối quan hệ Mỹ-Trung như một trò chơi có tổng bằng không: Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2015, ông nói: "Tôi đã đánh bại những người đến từ Trung Quốc. Tôi đã đánh bại Trung Quốc. Nếu bạn đủ thông minh, bạn có thể đánh bại. Trung Quốc". Nhưng về mặt bảo vệ môi trường, việc tách rời không tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ.