Chậm chuyến bay: Cả khách và hãng đều thiệt hại

ĐS |

Chậm chuyến bay (delay), hủy chuyến là chuyện mà hầu như các hãng hàng không đều gặp phải. Trên thực tế, ngay cả những hãng bay nổi tiếng trên thế giới cũng gặp phải những sự cố không đỡ được, khi đó thiệt hại không thể tính hết.

Thiệt hại không chỉ tính bằng tiền

Việc máy bay bị chậm, hủy chuyến là sự cố mà cả hành khách lẫn hãng hàng không đều không mong muốn. Trễ giờ, hủy chuyến khiến hành khách bị ảnh hưởng nhiều đến lịch trình công việc, tốn kém thời gian và mệt mỏi, khó chịu khi phải chờ đợi. Hãng bay khi buộc phải đưa ra thông báo chậm chuyến, hủy chuyến cũng sẽ chịu không ít tổn thất. Tốn tiền là đương nhiên, tuy nhiên, có những thiệt hại không thể chỉ đong đếm bằng tiền. Dễ thấy nhất đó là ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, giảm niềm tin với khách hàng - điều mà không một hãng hàng không nào mong muốn.

British Airway, hãng hàng không dân dụng được đánh giá thuộc loại uy tín nhất thế giới, đã phải hủy hơn 100 chuyến bay và 300 chuyến bay phải delay hơn 1 giờ sau khi hệ thống máy tính gặp sự cố vào ngày 7/9/2019. Mặc dù đã quen với chậm chuyến bay và bị hủy chuyến nhưng những vị khách nước ngoài vẫn lên tiếng than phiền về sự cố này.

Thiệt hại mà hãng phải chịu ước tính có thể lên tới hàng triệu đô la để khắc phục và giải quyết những vấn đề phát sinh sau sự cố.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, đôi khi sự chậm trễ lại đến từ những lý do mà hãng hàng không cũng là "người bị hại": do thời tiết, lỗi của đơn vị vận hành, chim va vào máy bay, do hành khách…

Ngày 27/ 8/2019, truyền thông Malaysia đưa tin Malaysia Airport Holdings Berhad - MAHB (cụm cảng Hàng không Malaysia) đã tổn thất hàng chục triệu ringgit (tiền Malaysia) khi hệ thống mạng tại Sân bay Quốc tế KL (KLIA) gặp sự cố liên tiếp 4 ngày. Hàng trăm chuyến bay bị trì hoãn trong thời gian dài khiến các hãng hàng không phải chịu chi phí để khắc phục sự chậm trễ này.

Giám đốc của một hãng hàng không Malaysia cho biết hãng này đã tổn thất hơn 6 triệu ringgit, trong khi một hãng khác bị lỗ trên 10 triệu ringgit cho 4 ngày xảy ra sự cố. Điều này chưa tính đến sự căng thẳng quá mức và thời gian chờ đợi của hàng ngàn hành khách bị trễ và hủy chuyến.

Chậm chuyến bay: Cả khách và hãng đều thiệt hại - Ảnh 1.

Hành khách mệt mỏi khi máy bay bị chậm chuyến.

Chim va vào máy bay, chuyện nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng đây là "ác mộng" của ngành hàng không. Theo Business Insider, hàng năm, các hãng hàng không Mỹ ước tính thiệt hại lên đến 1,2 tỷ USD do các lần va chạm với chim gây ra, kèm theo đó là hàng loạt máy bay bị delay.

Về phía khách hàng, đôi khi có những trường hợp "hồn nhiên" không đúng chỗ, dẫn đến tình trạng máy bay phải delay để giải quyết hậu quả. Trên chuyến bay từ Nha Trang - Hà Nội ngày 26/7/2019, một hành khách nam đã bất ngờ mở tung cửa thoát hiểm số 3 trước khi máy bay cất cánh. Sự cố này khiến máy bay bị chậm giờ khởi hành để xử lý các vấn đề liên quan và một số chuyến bay khác của hãng buộc phải khởi hành muộn hơn so với dự kiến.

Đại diện một hãng hàng không Việt cho biết: "Không một hãng bay nào lại muốn xảy ra sự chậm chuyến, hủy chuyến bởi tính trung bình, cứ mỗi phút chậm, chúng tôi thiệt hại khoảng 100 USD chi phí. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến lịch trình của hành khách và uy tín của hãng."

Chậm chuyến bay: Chưa thể cải thiện một sớm, một chiều

Mặc dù đã qua thời điểm phát triển bùng nổ, nhưng thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang phát triển nhanh và chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các hãng bay. Theo báo cáo của VnDirect, cơ sở hạ tầng sân bay tại Việt Nam hầu hết điều đang hoạt động quá công suất thiết kế.

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế đón 28 triệu lượt khách năm 2018 nhưng số lượng thực tế qua cảng cùng năm lên tới 38 triệu lượt, vượt 136% công suất. Hiện cảng đã có kế hoạch mở rộng công suất lên con số 45 triệu lượt nhưng sau nhiều lần chậm tiến độ, thời gian hoàn thành vẫn còn là… ẩn số.

Sân bay Long Thành được đặt chỉ tiêu 2025 hoàn thành nhưng với nhiều nghi ngại về vốn vay và chủ đầu tư như hiện nay, hoàn thành đúng tiến độ là một thách thức rất lớn.

Hầu hết các hãng hàng không đều phải khai thác hiệu quả của các chuyến bay một cách tối đa. Tăng cường chuyến bay trong khi diện tích sân bay không đổi, dịch vụ mặt đất không đáp ứng kịp…, dẫn đến tình trạng chậm trễ chuyến ngày càng tăng.

Chậm chuyến bay: Cả khách và hãng đều thiệt hại - Ảnh 2.

Hạ tầng hàng không chưa theo kịp tốc độ phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy bay bị delay. Và các hãng bay nhỏ hơn sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Trong khi chờ đợi hạ tầng điều chỉnh theo kịp tốc độ phát triển, các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách cần chủ động nâng cao hiểu biết của mình về các nguyên tắc an toàn bay, tìm hiểu kỹ hơn về các thông tin chuyến bay, những quyền lợi khi xảy ra thay đổi lịch bay và cách sử dụng thời gian hiệu quả, hữu ích khi bị rơi vào cảnh chậm, hủy chuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại