Chắc chắn Nga sẽ không để yên sau động thái này của Thụy Điển

Đức Huy |

Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), mới đây nội bộ Thụy Điển đã có một động thái vô cùng đáng chú ý liên quan đến vấn đề gia nhập NATO.

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea cũng như nội chiến miền Đông Ukraine bùng nổ vào năm 2014, mối quan hệ Moscow-Stockholm đã xấu đi như một hệ lụy tất yếu. 

Một số phi vụ có thể kể đến: máy bay Nga nhiều lần vi phạm không phận Thụy Điển; Thụy Điển phát động một đợt tìm kiếm quy mô nhắm vào một chiếc tàu ngầm nước ngoài xuất hiện ngoài khơi Stockholm mà họ nghi là của Moscow; và việc không phận Thụy Điển phải đóng cửa vì, như họ cáo buộc, Nga tấn công mạng. 

Và như "đổ thêm dầu vào lửa", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát biểu với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter hồi tháng 4 vừa rồi rằng, Moscow sẽ "có phản ứng cần thiết" nếu Stockholm từ bỏ chính sách trung lập để theo đuổi việc gia nhập NATO. 

Và với động thái mới nhất của Thụy Điển, căng thẳng có lẽ sẽ còn tiếp tục leo thang.

Vậy Thụy Điển đã làm gì?

Hôm 25/5 vừa qua, các nhà lập pháp Thụy Điển đã bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận hợp tác cho phép NATO hoạt động tự do hơn trên lãnh thổ nước này.

Được biết đến với tên gọi "thỏa thuận ủng hộ của nước chủ nhà", việc hợp tác với Thụy Điển sẽ giúp NATO dễ dàng hơn trong việc tổ chức tập trận huấn luyện, cũng như có thể phản ứng nhanh hơn trong trường hợp giao tranh bùng nổ trong khu vực.

Theo đánh giá của Foreign Policy, tình hình an ninh tại khu vực Baltic buộc Stockholm phải cân nhắc việc từ bỏ chính sách quân sự trung lập đã tồn tại trong suốt 200 năm qua, và thỏa thuận mới đây với NATO đã đưa nước này tới gần với liên minh Bắc Đại Tây Dương hơn bao giờ hết. 

"Đây là một động thái cực kì đáng chú ý. Thiết thực mà nói, thỏa thuận này giúp xóa bỏ những hoài nghi về vai trò của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra giao tranh trong khu vực" - Magnus Nordenman, giám đốc Ủy ban nghiên cứu An ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Atlantic, phát biểu.  

Đại đa số giới lập pháp Thụy Điển đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua thỏa thuận này, nhưng nội bộ nghị viện nước này vẫn đang tranh cãi khá gay gắt trong việc "đu dây" giữa Nga và phương Tây. 

Trước khi bỏ phiếu, đã có thông tin về việc đảng Cánh tả đối lập và đảng Dân chủ cực hữu - cả hai đều phản đối việc gia nhập NATO - sẽ gom phiếu để ngăn chặn thỏa thuận này. Tuy nhiên, vào phút chót, đảng Dân chủ cực hữu lại quyết định ủng hộ việc "làm thân" hơn với NATO.  

Cả Thụy Điển cũng như hàng xóm Phần Lan đều không phải thành viên NATO, bởi lịch sử trung lập của hai nước này cũng như mối quan hệ phức tạp của mỗi nước với Nga. 

Nhưng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Helsinki và Stockholm đã hợp tác tương tối chặt chẽ với liên minh quân sự này, và đã cân nhắc việc gia nhập.

Hồi cuối tháng 4, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã xuất bản một báo cáo phân tích những hệ quả của việc gia nhập NATO đối với Helsinki. Một trong những phát hiện trọng tâm của báo cáo này là việc Thụy Điển và Phần Lan nên bắt tay nhau, hoặc cùng gia nhập NATO, hoặc cùng ở ngoài khối liên minh này.

Chắc chắn Nga sẽ không để yên sau động thái này của Thụy Điển - Ảnh 1.

 Thụy Điển và Phần Lan nên bắt tay nhau, hoặc cùng gia nhập NATO, hoặc cùng ở ngoài khối liên minh này. Ảnh: Milos Feedovic/YouTube

Hiện nay, việc gia nhập NATO đang vấp phải áp lực nội bộ từ công chúng Thụy Điển và Phần Lan, bởi đa phần lo ngại phản ứng từ điện Kremlin. 

Trong khi đó, những màn đấu khẩu cũng như các hành động gây hấn - đáp trả qua lại giữa Nga và NATO tiếp tục khiến tình hình tại Baltic trở nên phức tạp. Estonia, Latvia và Lithuania liên tục lên tiếng báo động về các hành động gây hấn của Nga.

Về phần mình, để đáp trả việc Nga xâm phạm không phận, lần đầu tiên kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển đã tái quân sự hóa đảo Gotland trên Biển Baltic hồi tháng 2 vừa qua.

Chắc chắn Nga sẽ không để yên sau động thái này của Thụy Điển - Ảnh 2.

 Đảo Gotland đang trở thành điểm nóng căng thẳng Nga-Thụy Điển trong thời gian qua. Ảnh: NATO

Tại các nước Scandinavia, quan điểm của công chúng về NATO đã cải thiện hơn rất nhiều trong vài năm trở lại đây, song việc ủng hộ gia nhập liên minh này vẫn chưa thực sự rõ rệt. 

Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9/2015 cho thấy, 41% người Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO, 39% phản đối, và 20% còn lại chưa quyết định. Còn tại Phần Lan, chỉ 25% người được hỏi ủng hộ nước này trở thành thành viên NATO.

Nhưng theo các nhà phân tích, trong khi tỉ lệ ủng hộ không quá cao, nhưng kể từ sau những gì xảy ra ở Ukraine, thì số lượng người phản đối gia nhập NATO đã giảm, và chuyển thành chưa quyết định. Chuyển biến này, theo phó giám đốc Ủy ban nghiên cứu An ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Atlantic, ông Robbie Gramer, rất đáng chú ý. 

"Việc gia nhập NATO vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở cả hai nước, nhưng số lượng người chưa quyết định cho thấy chuyển biến đang diễn ra. Có thể coi đây là 'tiền đề của tiền đề' cho việc gia nhập NATO" - ông phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại