Cha mẹ thông minh sẽ luôn giả vờ làm điều này trước mặt con: Một mánh khóe nhỏ nhưng giúp con lớn lên vượt trội hơn bạn bè

Thanh Hương |

Đây là cách dạy con hay nhưng cần sử dụng hợp lý, không nên lạm dụng thái quá.

Chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc - Doãn Kiến Lê từng viết trong một cuốn sách như sau: "Nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ là gần gũi với con cái và chăm sóc cho sự trưởng thành của chúng. Nhiệm vụ thứ hai là tách khỏi và thúc đẩy sự độc lập của con cái".

Có thể thấy, nhiều bậc cha mẹ làm tốt vế đầu, nhưng đến vế thứ 2 lại gặp khó khăn. Không ít cha mẹ không muốn con cái tự lập mà luôn nuông chiều quá mức. Đến khi bắt buộc phải tự lập (khi đi học đại học, sống xa nhà,...) trẻ lại không quen và bị choáng ngợp.

Vậy làm thế nào để con có thể tự lập?

Cha mẹ giả vờ... yếu kém, lười nhác

Cặp đôi diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc là Hoắc Tư Yến và Đỗ Giang có một cậu con trai tên Đỗ Vũ Kỳ. Thời điểm tham gia chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế" cùng bố, Vũ Kỳ được cư dân mạng khen ngợi hết lời vì sự ấm áp, độc lập và EQ cao. Rất nhiều người để lại bình luận, mong muốn có một đứa con như vậy.

Chia sẻ về chuyện dạy con, trong một chương trình tạp kỹ, Hoắc Tư Yến đã cho biết: Trước mặt con, cô luôn... giả vờ yếu đuối! Khi ra xã hội, nữ diễn viên là một ngôi sao mạnh mẽ, có sự nghiệp. Nhưng khi về nhà, cô cư xử như một cô công chúa nhỏ.

Chẳng hạn như cô hay nói với con: "Ôi cái này mẹ không làm được", "cái này khó quá, con giúp mẹ được không",... Dần dần dưới sự nhờ vả thường xuyên của mẹ, cậu bé Đỗ Vũ Kỳ đã hình thành được khả năng tự lập, luôn đóng vai "hiệp sĩ nhỏ" bảo vệ mẹ. Khi Hoắc Tư Yến chia sẻ cách dạy con của mình, cô đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Cha mẹ thông minh sẽ luôn giả vờ làm điều này trước mặt con: Một mánh khóe nhỏ nhưng giúp con lớn lên vượt trội hơn bạn bè - Ảnh 1.

Vợ chồng Hoắc Tư Yến.

Thực tế, áp lực cuộc sống buộc cha mẹ phải trở nên mạnh mẽ. Để che đậy sự mệt mỏi của mình và để con cái yên tâm lớn lên, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ cố tỏ ra dũng cảm và không bao giờ thể hiện mặt yếu đuối của mình trước mặt con cái. Một số cha mẹ thậm chí còn hành động rất mạnh mẽ ở nhà và duy trì quyền lực của mình, để khi giáo dục con cái, chúng có thể ngoan ngoãn hơn và cha mẹ đỡ rắc rối.

Tuy nhiên, đối với con trẻ, việc cha mẹ quá mạnh tay không phải là điều tốt. Cha mẹ thực sự thông minh không bao giờ cố tỏ ra dũng cảm trước mặt con cái!

1. Cha mẹ sắp đặt khiến con cái bị phụ thuộc

Có nhiều cha mẹ như "siêu nhân", giúp con sắp xếp mọi việc trong cuộc sống. Những bậc cha mẹ như vậy đáng được tôn trọng, nhưng việc làm của họ thực sự không có lợi cho sự trưởng thành của con. Mọi thứ trong cuộc sống của con đều do cha mẹ sắp đặt, và con cái sẽ trở nên rất phụ thuộc vào cha mẹ.

Ví dụ, con chờ cha mẹ cho ăn cơm, chờ cha mẹ giúp mình mặc quần áo. Nếu cha mẹ phải làm tăng ca, con cũng không biết tự nấu chút mì lót dạ,... Ngoài ra nhiều cha mẹ lúc nào cũng kèm con làm bài tập nên con trở nên ỷ lại. Lúc nào cũng phải có sự kèm cặp của cha mẹ mới có thể ngồi vào bàn học.

Cha mẹ thông minh sẽ luôn giả vờ làm điều này trước mặt con: Một mánh khóe nhỏ nhưng giúp con lớn lên vượt trội hơn bạn bè - Ảnh 2.

Hoắc Tư Yến hay giả vờ yếu đuối trước mặt con trai.

2. Cha mẹ cố tỏ ra mạnh mẽ khiến con cái bất cần

Nhiều cha mẹ thích nói với con rằng: Cha mẹ không mệt, miễn là con học hành chăm chỉ. Nếu nói nhiều như vậy, con cái sẽ cảm thấy cha mẹ không mệt mỏi, từ đó không biết hiếu thuận với cha mẹ.

Cha mẹ có thực sự không mệt mỏi? Mệt thì đương nhiên là mệt, nhưng để trẻ yên tâm hoặc để động viên trẻ chăm chỉ học tập, cha mẹ thường cố tỏ ra mình không mệt. Trên thực tế, việc cha mẹ chia sẻ đúng mực với con cái những khó khăn gặp phải trong cuộc sống và công việc là điều vô cùng cần thiết.

Có thể những đứa trẻ không thể hiểu những gì cha mẹ nói nhưng chúng có thể hiểu được khó khăn của cha mẹ và dần trở nên nhạy cảm hơn.

Chính vì vậy, đôi khi cha mẹ cần "tỏ ra yếu đuối" với con cái. Vì việc này có thể nhận về những tác dụng giáo dục không ngờ. Như việc tỏ ra yếu đuối trong việc ra quyết định sẽ khiến trẻ quyết đoán hơn.

Lấy ví dụ, khi đưa con đi chơi, cha mẹ có thể hỏi con: "Mẹ không biết đôi giày nào hợp với con, con tự chọn đi", hoặc "Mẹ không biết nên mua cái áo nào, con chọn giúp mẹ nhé".

Bằng cách "tỏ ra yếu đuối", cha mẹ đã trao cho trẻ một mức độ, khả năng nhất định trong việc ra quyết định, giúp trẻ tập trung suy nghĩ, trở nên quyết đoán và phán đoán. Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể hỏi chúng một số câu nghiêm túc hơn, cần đưa ra quyết định, chẳng hạn như chuyên ngành đại học trong tương lai, kế hoạch trang trí nhà cửa,...

Bên cạnh đó, việc cha mẹ tỏ ra yếu đuối cũng sẽ khiến trẻ tự lập hơn, chẳng hạn như trường hợp của nữ diễn viên Hoắc Tư Yến.

Tuy nhiên, cha mẹ không thể giả vờ yếu đuối một cách tùy tiện, mà cần giả vờ một cách hợp lý. Hãy chọn thứ mà con bạn thích để thể hiện sự yếu đuối. Ví dụ, con trai bạn thích trở thành một người đàn ông mạnh mẽ và dũng cảm. Vậy thì khi xách đồ, mẹ có thể nói rằng mình không xách được túi hoa quả này, vì con là người mạnh mẽ nên hãy xách giúp mẹ.

Một túi hoa quả nặng 2, 3 cân không là vấn đề với trẻ con. Lời nói của mẹ đánh trúng tâm lý muốn chứng tỏ thực lực của con nên con sẽ rất vui vẻ giúp đỡ mẹ. Nói cách khác, cha mẹ cần tìm ra ưu điểm của con, khen ngợi con một cách thích đáng, rồi nhờ con giúp đỡ.

Cuối cùng, cha mẹ đừng "tỏ ra yếu đuối" một cách mù quáng. "Tỏ ra yếu đuối" không phải là cái cớ để cha mẹ lười biếng, bắt con làm những thứ ngoài khả năng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại