Cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Hãy để tâm với các phương pháp giáo dục nếu cha mẹ không muốn phá hỏng tương lai của trẻ.
Nếu bạn muốn trở thành những ông bố bà mẹ tuyệt vời, hãy tránh những sai lầm sau trong quá trình nuôi dạy con.
1. Thiếu sự giao tiếp, quan tâm tới con
Nhiều cha mẹ thiết lập thái độ nghiêm khắc ngay từ đầu trong quá trình dạy con. Họ ít khi giao tiếp, trò chuyện với con, thậm chí là thiếu đi sự quan tâm cơ bản. Đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho mình. Trẻ cảm thấy buồn chán, thất vọng, niềm tin dần phai nhạt. Như vậy, trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển nhân cách.
Đặc biệt, nếu trẻ thiếu đi sự quan tâm, ít trò chuyện với cha mẹ sẽ hình thành tính cách tiêu cực như: Lầm lì, mặc cảm, tự ti, không hòa đồng,… Và khi đến tuổi vị thành niên, trẻ rất dễ nổi loạn, có thái độ chống đối, chỉ làm theo ý mình. Nếu không muốn trẻ trở nên khó gần như vậy thì cha mẹ cần thường xuyên thủ thỉ tâm sự, quan tâm tới trẻ nhiều hơn. Chỉ khi được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, trẻ mới trở nên ấm áp, hạnh phúc và có dũng khí đối mặt với khó khăn.
Cha mẹ độc hại
2. Cha mẹ "trực thăng"
Đối lập với sự thiếu quan tâm, ít giao tiếp với con là kiểu cha mẹ "trực thăng". Nghĩa là cha mẹ được ví như những chiếc trực thăng, luôn bay lơ lửng trên đầu trẻ, kiểm soát mọi thứ liên quan đến trẻ. Cha mẹ cho rằng làm như vậy mới giúp ích cho sự phát triển của trẻ. Vì thế, nhiều cha mẹ bao bọc con quá mức, kiểm soát mọi hành vi của con, không để con động vào bất cứ việc gì.
Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng, con người có được sự khôn ngoan thông qua trải nghiệm. Để trẻ trải qua sự mất mát, đau đớn và thất vọng khi trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ rút ra được bài học cho bản thân. Mặc dù có thể bạn rất muốn trở thành người cha, người mẹ tốt để bảo vệ con khỏi cảm giác bị tổn thương nhưng chính những trải nghiệm mới thực sự là điều tốt cho trẻ. Thay vì kiểm soát con, cha mẹ nên đồng hành, hỗ trợ để con phát triển.
3. Bao biện cho con
Nhiều cha mẹ có thói quen bao biện khi con làm sai, chẳng hạn như: "Cháu nó không cố ý đâu", "Cháu đang không khỏe nên mới cư xử như vậy",… Điều này khiến trẻ hình thành lối suy nghĩ "Đó không phải là lỗi của mình" hoặc tâm lý nạn nhân. Nếu cha mẹ bao biện cho con, đứa trẻ sẽ không học cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Những người trưởng thành, muốn có thành công phải biết chịu trách nhiệm về hành vi. Vì vậy, cha mẹ hãy ngừng bào chữa và để trẻ học kỹ năng chịu trách nhiệm trước lời nói và hành động của mình.
Ảnh minh họa.
4. Phản ứng thái quá khi con mắc lỗi
Phản ứng thái quá khi con mắc lỗi là sai lầm trong dạy con của nhiều cha mẹ. Chẳng hạn như khi con chưa hoàn thành việc nhà, con bị điểm kém,… Phản ứng đầu tiên của các bậc phụ huynh là nổi giận, quát mắng mà chưa cần biết lý do.
Đây là phản ứng thái quá của cha mẹ đối với hành động của con. Khi trẻ thấy cha mẹ tức giận và quát mắng như vậy sẽ cảm thấy có lỗi, sợ hãi và kết quả là òa khóc. Điều này càng khiến người lớn căng thẳng và dễ xảy ra xung đột.
Thay vì nổi nóng, cha mẹ nên bình tĩnh, hỏi con lý do và dạy con cách giải quyết vấn đề. Điều này không chỉ giúp trẻ nhận ra được lỗi sai mà phần nào đó, trẻ cũng học được cách chịu trách nhiệm với hành động của mình.