Cha mẹ chắc chắn là người hướng dẫn quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên, một số thói quen trong vô thức của cha mẹ có thể gieo rắc mầm mống nguy hiểm cho tương lai trẻ, thậm chí nuôi dạy ra những đứa trẻ bất hiếu.
Dưới đây chính là 4 thói quen điển hình có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ, cha mẹ chú ý thay đổi nhé!
1. Chiều chuộng một cách mù quáng
Nhiều bậc cha mẹ chiều chuộng con cái mọi cách, dù yêu cầu của trẻ có hợp lý hay không, họ đều cố gắng thỏa mãn. Khi trẻ mắc lỗi, họ cũng không nỡ mắng chửi, luôn luôn nhẹ nhàng bỏ qua. Cứ thế, lâu dần trẻ sẽ trở nên ngang bướng và không biết phân biệt đúng sai. Chúng sẽ cho rằng bản thân mình chính là trung tâm của thế giới, tất cả mọi người đều nên quay quanh chúng. Khi cha mẹ không thể thỏa mãn yêu cầu của chúng, chúng sẽ cảm thấy bất mãn, chứ đừng nói đến việc hiếu thảo với cha mẹ.
Ví dụ, một số trẻ nhìn thấy món đồ chơi mình thích trong trung tâm thương mại và đòi mua nó. Nếu cha mẹ không đồng ý, chúng sẽ khóc la và nổi giận, thậm chí lăn đùng ra sàn ăn vạ. Và một số cha mẹ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của trẻ nhằm xoa dịu mọi chuyện. Sự chiều chuộng như vậy chỉ khiến trẻ càng ngày càng kiêu ngạo và vô ơn.
Cha mẹ cần học cách từ chối có chừng mực những yêu cầu không hợp lý của trẻ. Khi trẻ mắc lỗi, cần kịp thời chỉ ra và đưa ra hình phạt thích đáng, để trẻ hiểu rõ đúng sai, nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm và khả năng tự chủ của chúng.
2. Lời nói và hành động không nhất quán
Cha mẹ khó làm gương tốt cho con cái nếu lời nói và việc làm không nhất quán. Ví dụ, cha mẹ dạy trẻ cần trung thực và giữ chữ tín, nhưng lại thường xuyên nói dối; yêu cầu trẻ tôn trọng người lớn tuổi, nhưng bản thân họ lại không kính trọng người già. Trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ cảm thấy hoang mang, bối rối, không biết nên tin vào điều gì. Chúng sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ và trở nên đạo đức giả, ích kỷ.
Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ bất hiếu với người lớn tuổi, chúng cũng sẽ cảm thấy việc hiếu thảo là không cần thiết. Thói xấu này sẽ gieo vào tâm trí của trẻ mầm mống không hiếu thảo.
Cha mẹ cần luôn chú ý đến lời nói và cử chỉ của mình, đảm bảo lời nói và hành động phải nhất quán. Hãy dùng hành động thực tế của mình để thể hiện cho trẻ thấy những đức tính như trung thực, đáng tin cậy, hiếu thảo cũng như những phẩm chất khác, để trẻ có thể từ từ học hỏi và nhận được sự giáo dục tốt.
3. Làm hết mọi việc thay trẻ
Một số cha mẹ luôn lo lắng rằng trẻ không thể làm tốt mọi việc, nên thường xuyên làm hết mọi thứ cho trẻ. Từ việc mặc quần áo, ăn uống đến học tập và sinh hoạt hàng ngày, trẻ không cần phải tự mình làm bất cứ điều gì. Trẻ lớn lên như vậy sẽ thiếu khả năng sống độc lập và ý thức trách nhiệm. Chúng quen với việc dựa dẫm vào cha mẹ, một khi rời xa vòng bảo vệ của cha mẹ, chúng sẽ thấy bất lực và mất phương hướng.
Khi cha mẹ già đi và cần được chăm sóc, chúng có thể sẽ né tránh vì không làm được hoặc không muốn gánh vác trách nhiệm. chúng có thể sẽ do thiếu khả năng hoặc không sẵn lòng gánh vác trách nhiệm.
Chính bởi vậy, cha mẹ nên từ từ buông tay, để trẻ học cách tự làm mọi việc, nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm và khả năng độc lập của chúng. Cha mẹ nên từng bước hướng dẫn trẻ tự mình hoàn thành một số việc trong khả năng của chúng, như sắp xếp cặp sách, dọn dẹp phòng… Khi trẻ gặp khó khăn, hãy đưa ra những chỉ dẫn và khích lệ phù hợp, thay vì trực tiếp làm thay trẻ.
4. Chỉ chú trọng đến việc cho trẻ vật chất
Không ít cha mẹ cho rằng, chỉ cần cung cấp cho trẻ cuộc sống vật chất tốt là đã làm tốt vai trò của mình. Họ làm việc không ngừng nghỉ, mua cho trẻ những món quà đắt tiền, cho trẻ học ở những trường tốt nhất, nhưng lại bỏ qua sự giao tiếp tình cảm và sự đồng hành tinh thần với trẻ. Trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ cảm thấy cô đơn và trống trải.
Chúng có thể sẽ dùng vật chất để đánh giá mọi thứ, cho rằng chỉ cần có đủ tiền là có thể giải quyết mọi vấn đề. Và đối với sự cống hiến của cha mẹ, chúng có thể sẽ thấy đó là điều đương nhiên, không biết trân trọng và biết ơn. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh trẻ, quan tâm đến thế giới nội tâm của chúng, để trẻ cảm nhận được tình yêu thực sự.
Cha mẹ nên thường xuyên tổ chức các hoạt động gia đình, như xem phim cùng nhau, chơi trò chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời… Hãy giao tiếp với trẻ nhiều hơn, lắng nghe tiếng nói của trẻ, hiểu được nhu cầu và ý tưởng của trẻ, để trẻ lớn lên trong môi trường đầy yêu thương.
Là cha mẹ, chúng ta ai cũng mong con cái hiếu thảo, biết điều. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy xem xét lại những hành vi và thói quen của mình, tránh hết những thói quen xấu kể trên và tạo dựng nên một môi trường tốt cho sự phát triển của trẻ. Hãy sử dụng những phương pháp giáo dục đúng đắn để nuôi dạy nên những đứa trẻ biết quan tâm, có trách nhiệm và biết ơn, để chúng trở thành niềm tự hào của gia đình và trụ cột của xã hội.