1. Thức khuya, dậy muộn
Khi kỳ nghỉ Tết bắt đầu, nhiều trẻ em thay đổi hoàn toàn lịch trình sinh hoạt. Thỉnh thoảng thức khuya hoặc ngủ nướng không phải là vấn đề lớn, nhưng nếu trẻ liên tục ngủ muộn vào lúc rạng sáng và chỉ thức dậy vào buổi trưa, điều đó sẽ gây ra vấn đề.
Nhiều cha mẹ nghĩ: "Kỳ nghỉ rồi mà, để con ngủ thêm chút, chơi chút cũng không sao". Nhưng sự nuông chiều này không chỉ gây hại cho sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ thiếu kiểm soát bản thân, không lên kế hoạch trước cho học tập và cuộc sống. Quan trọng hơn, khi kỳ nghỉ kết thúc, trẻ sẽ khó thích nghi với thời gian biểu của trường học, mất thời gian để điều chỉnh lại và ảnh hưởng đến việc học.
Giải pháp: Hãy đặt ra "quy tắc cho kỳ nghỉ".
Trong kỳ nghỉ Tết, không cần tuân thủ hoàn toàn những quy tắc hằng ngày, trẻ có thể làm những việc bình thường không được phép và thoải mái hơn một chút. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kỳ nghỉ không cần quy tắc. Ví dụ, không phải quan trọng là trẻ dậy lúc mấy giờ, mà là cần duy trì giờ thức dậy cố định mỗi ngày, thay vì để trẻ muốn ngủ đến bao lâu thì ngủ.
2. Nghiện điện thoại, máy tính và trò chơi điện tử
Trong kỳ nghỉ Tết, nhiều cha mẹ thường xuyên phải lớn tiếng nhắc nhở con, bởi trẻ suốt ngày chỉ chơi game, xem TV. Vừa tắt máy tính là mở TV, tắt TV lại cầm lấy điện thoại, máy tính bảng. Các thiết bị điện tử dường như lấp đầy mọi khoảng trống trong cuộc sống của trẻ.
Việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn làm giảm khả năng tập trung của trẻ. Một số trẻ vì quá chú tâm vào thế giới ảo mà trở nên thu mình, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Giải pháp: Thỏa thuận rõ ràng và tìm các hoạt động thay thế điện thoại.
Hãy lập ra một "thỏa thuận ba điều" với trẻ, xác định rõ thời gian và thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử. Cha mẹ cần kiên quyết thực hiện quy tắc và không được dễ dàng nhượng bộ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần làm gương bằng cách sử dụng thiết bị điện tử một cách hợp lý. Nếu trẻ học bài mà cha mẹ lại mải mê lướt điện thoại, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy bất mãn.
Ngoài ra, cha mẹ nên giúp trẻ khám phá các hoạt động thú vị hơn như cùng chơi trò chơi, đọc sách, đá bóng,... Điều này sẽ giúp trẻ hình thành sở thích lành mạnh và giảm sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử.
3. Chỉ mải chơi, quên học tập
Nhiều trẻ thích trì hoãn bài tập về nhà đến những ngày cuối kỳ nghỉ và thậm chí phải thức khuya để hoàn thành. Việc này không chỉ khiến trẻ căng thẳng mà còn tạo thói quen xấu trong học tập.
Giải pháp: Hãy chia bài tập thành các khoảng thời gian ngắn (15 phút cho học sinh tiểu học, 30 phút cho trung học). Sau mỗi khoảng thời gian tập trung, trẻ có thể nghỉ ngơi 5 phút. Sau 4 lần tập trung, trẻ sẽ được nghỉ dài hơn (15-30 phút). Phương pháp này giúp trẻ giảm căng thẳng, tập trung vào hiện tại và có động lực hơn nhờ những khoảng nghỉ ngắn.
4. Hầu như không đọc sách
Nhiều trẻ mang sách về quê với kế hoạch đọc trong kỳ nghỉ Tết, nhưng cuối cùng sách vẫn còn nguyên vẹn khi trở lại trường. Việc đọc sách là cách tốt nhất để trẻ rèn luyện tư duy, vì trong quá trình đọc, trẻ luôn phải suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu không duy trì thói quen đọc sách, trẻ sẽ mất đi khả năng tư duy linh hoạt.
Giải pháp: Làm gương và áp dụng phần thưởng.
Cha mẹ cần làm gương bằng cách đọc sách trước mặt trẻ. Đồng thời, hãy cùng trẻ lập kế hoạch đọc sách và tạo động lực bằng cách đưa ra phần thưởng như một bữa ăn ngon, món đồ chơi yêu thích hoặc chuyến đi chơi sau khi trẻ hoàn thành kế hoạch.
5. Ăn uống không cân đối, ăn vặt quá nhiều
Nhiều trẻ thức khuya thường bỏ bữa sáng và ăn uống không đúng giờ, hoặc ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Điều này không chỉ gây mất cân bằng dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giải pháp: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Cha mẹ nên nhắc trẻ ăn sáng đầy đủ, duy trì chế độ ăn cân bằng với nhiều rau củ quả. Trẻ có thể ăn vặt, nhưng cần giải thích rằng việc ăn uống quá độ không tốt và dạy trẻ biết kiềm chế.
6. Chỉ "ở lì" trong nhà, không làm gì cả
Nhiều trẻ không thích ra ngoài, chỉ muốn ở nhà chơi điện thoại hoặc không làm gì cả. Điều này khiến trẻ thiếu vận động, dễ trở nên thụ động, ngại giao tiếp.
Giải pháp: Tận dụng kỳ nghỉ làm thời gian gắn kết gia đình.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đi công viên, tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc khuyến khích trẻ chơi cùng bạn bè để rèn luyện thể chất và tinh thần.
7. Phụ thuộc vào cha mẹ, thiếu tự lập
Nhiều cha mẹ nuông chiều trẻ trong kỳ nghỉ, làm mọi việc thay trẻ, khiến trẻ trở nên ỷ lại và không rèn luyện được kỹ năng tự lập.
Giải pháp: Giao việc cho trẻ.
Hãy để trẻ làm những việc trong khả năng của mình như dọn dẹp phòng, phụ giúp việc nhà. Điều này giúp trẻ tăng tính trách nhiệm và cảm giác thuộc về gia đình.
8. Mâu thuẫn với cha mẹ
Kỳ nghỉ là lúc trẻ và cha mẹ có nhiều thời gian bên nhau, nhưng cũng là lúc dễ xảy ra xung đột do bất đồng quan điểm.
Giải pháp: Giao tiếp mềm mỏng và tôn trọng ý kiến trẻ.
Khi có bất đồng, cha mẹ nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng như "Cha/mẹ nghĩ rằng..." thay vì ra lệnh. Hãy thử lắng nghe và đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu cảm xúc và nhu cầu của con.